Căn cứ Điều 2 Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT, công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam (sau đây gọi là công nhận văn bằng) là việc công nhận trình độ của người học được ghi trên văn bằng theo hệ thống giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính và xác định mức độ tương đương với trình độ đào tạo quy định tại Khung trình độ Quốc gia Việt Nam.
Như vậy, có thể hiểu đơn giản công nhận văn bằng nước ngoài là khi một người được cấp một văn bằng ở nước ngoài thì khi về Việt Nam cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ kiểm tra và xác định nếu đạt trình độ đào tạo quy định tại khung trình độ Quốc gia Việt Nam thì sẽ được thừa nhận văn bằng đó có hiệu lực và được phép sử dụng.
Bên cạnh đó, theo Điều 4 Thông tư 13/2021/TT- BGDĐT quy định về điều kiện công nhận văn bằng nước ngoài, văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học được công nhận khi chương trình giáo dục có thời gian học, nghiên cứu phù hợp với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam và đáp ứng một trong hai điều kiện sau:
- Chương trình giáo dục được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính kiểm định chất lượng tương ứng với hình thức đào tạo;
- Cơ sở giáo dục nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính cho phép đào tạo, cấp bằng hoặc đã được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính kiểm định chất lượng.
Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động tại nước khác nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính (bao gồm cả Việt Nam) được công nhận khi cơ sở giáo dục đó được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của hai nước cho phép mở phân hiệu, cho phép đào tạo hoặc phê duyệt việc hợp tác, liên kết đào tạo; thực hiện hoạt động đào tạo theo giấy phép đồng thời đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này.
Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức đào tạo trực tuyến, đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến được công nhận khi đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và một trong hai điều kiện sau:
- Chương trình đào tạo được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép đào tạo tại Việt Nam khi người học lưu trú và học tập tại Việt Nam;
- Chương trình đào tạo được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước nơi tổ chức đào tạo cấp phép khi người học lưu trú và học tập tại nước đó.
Thẩm quyền công nhận bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương thuộc thẩm quyền của Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với công nhận bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông thì sẽ thuộc thẩm quyền của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.
Trường hợp văn bằng không đủ điều kiện công nhận hoặc quá thời hạn quy định mà không có những căn cứ đủ để xác minh thì cơ quan có thẩm quyền phải gửi văn bản trả lời có người xin công nhận văn bằng. Trường hợp không xác định được mức độ tương đương của văn bằng với trình độ đào tạo quy định tại Khung trình độ Quốc gia Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng cung cấp thông tin và công nhận giá trị của văn bằng theo hệ thống giáo dục của nước nơi CSGD nước ngoài đặt trụ sở chính. Trường hợp xác minh được văn bằng không hợp pháp hoặc hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng không trung thực, kết quả công nhận văn bằng bị hủy bỏ.
Trong thời hạn là 20 ngày làm việc thì cơ quan có thẩm quyền sẽ phải trả kết quả cho người đề nghị công nhận văn bằng. Trường hợp cần xác minh thông tin về văn bằng từ cơ sở giáo dục nước ngoài hoặc đơn vị xác thực nước ngoài, thời hạn trả kết quả công nhận văn bằng không vượt quá 45 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ công nhận văn bằng.
Luật sư DIỆP NĂNG BÌNH
Đoàn Luật sư TP. HCM