/ Pháp luật bốn phương
/ Những vấn đề pháp lý cơ bản của Công ước Liên hợp quốc về miễn trừ quốc gia

Những vấn đề pháp lý cơ bản của Công ước Liên hợp quốc về miễn trừ quốc gia

06/03/2021 16:10 |

(LSVN) - Công ước Liên hợp quốc về miễn trừ quốc gia là một bước tiến của pháp luật quốc tế, tạo ra một khung pháp lý quốc tế mang tính thống nhất về quyền miễn trừ quốc gia. Quyền miễn trừ quốc gia không chỉ dành cho bản thân quốc gia và các cơ quan của chính phủ, các bang của một nhà nước liên bang mà còn mở rộng tới các đơn vị hành chính của quốc gia và cơ quan hoặc công ty của quốc gia là đối tượng được hưởng quyền miễn trừ.

Ảnh minh họa. 

Quyền miễn trừ quốc gia tồn tại trong tập quán quốc tế, ràng buộc tất cả các quốc gia. Ví dụ như ở lời nói đầu của Công ước Liên hợp quốc tế về quyền miễn trừ thẩm quyền của quốc gia và tài sản quốc gia được chấp nhận rộng rãi như một nguyên tắc của luật tập quán quốc tế.

Quốc gia là một chủ thể đặc biệt trong quan hệ quốc tế. Quốc gia tham gia vào quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tổ nước ngoài. Khi tham gia vào những mối quan hệ này thì sẽ được hưởng quyền miễn trừ quốc gia, đây được xem là một quy chế pháp lý đặc biệt.

Quyền miễn trừ quốc gia (state immunity/sovereign immunity) là quyền bảo đảm cho một quốc gia không phải chịu sự điều chỉnh của thẩm quyền của một quốc gia khác, bao gồm cả thẩm quyền lập pháp, hành pháp hay tư pháp.

Về quyền miễn trừ tư pháp:

(i) Quyền miễn trừ xét xử

Phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 Công ước Liên hợp quốc về quyền miễn trừ quốc gia: “Công ước này áp dụng cho quyền miễn trừ của một Quốc gia và tài sản quốc gia khỏi thẩm quyền của các tòa án của một Quốc gia khác”. Cũng theo Điều 5 Công ước này: “Quốc gia được hưởng quyền miễn trừ tài phán trước một tòa án nước ngoài theo những quy định của Công ước”. Theo đó, các quốc gia có nghĩa vụ đảm bảo quyền miễn trừ tài phán và quyền miễn trừ tài sản của quốc gia khác, mà cụ thể là không thực thi quyền tài phán chống lại quốc gia khác trong một vụ kiện tại tòa án nước mình. Các tranh chấp liên quan đến quốc gia phải được giải quyết bằng con đường ngoại giao, trừ khi quốc gia từ bỏ quyền này.

Tóm lại, về nguyên tắc, các chủ thể có quyền nộp đơn kiện có quyền thụ lý giải quyết vụ kiện hay không lại phụ thuộc vào ý chí của quốc gia bị kiện. Quốc gia có quyền đứng tên nguyên đơn trong vụ tranh chấp dân sự với cá nhân hoặc pháp nhân nước ngoài. Trong trường hợp đó tòa án nước ngoài được phép giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, bị đơn là cá nhân, pháp nhân nước ngoài chỉ được phép phản kiện khi được quốc gia nguyên đơn đồng ý, ngay cả khi nội dung đơn kiện của quốc gia nguyên đơn và nội dung đơn phản kiện của cá nhân, pháp nhân gắn bó chặt chẽ với nhau.

(ii) Quyền miễn trừ đối với các biện pháp cưỡng chế bảo đảm đơn kiện

Miễn trừ đối với các biện pháp cưỡng chế nhằm đảm bảo đơn kiện nghĩa là một quốc gia đồng ý cho tổ chức, cá nhân nước ngoài kiện mình (đồng ý cho Tòa án nước ngoài xét xử vụ kiện mà quốc gia là bị đơn). Trong trường hợp một quốc gia đồng ý để tòa án nước ngoài thụ lý, giải quyết một vụ tranh chấp mà quốc gia là một bên tham gia thì tòa án này được quyền xét xử, nhưng không được áp dụng bất cứ một biện pháp cưỡng chế nào như bắt giữ, tịch thu tài sản của quốc gia để phục vụ cho việc xét xử.

Tòa án chỉ được áp dụng các biện pháp này nếu được quốc gia cho phép. Theo Điều 18 Công ước này quy định: “Không có biện pháp cưỡng chế tiền tố tụng nào như tịch thu, chiếm giữ tài sản trái pháp luật của quốc gia được áp dụng trong một vụ kiện trước một tòa án nước ngoài”. Trong trường hợp quốc gia đồng ý cho Tòa án một nước thụ lý đơn kiện chống lại quốc gia đó thì quốc gia vẫn tiếp tục hưởng quy chế pháp lý đặc biệt trong quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án quốc gia đó. Các quốc gia bình đẳng với nhau về chủ quyền, mặt khác, tài sản của quốc gia cũng là bất khả xâm phạm.

(iii) Quyễn miễn trừ đối với các biện pháp cưỡng chế đảm bảo thi hành quyết định của tòa án.

Một quốc gia đồng ý cho tòa án nước ngoài giải quyết một tranh chấp mà quốc gia là một bên và nếu quốc gia là bên thua kiện thì bản án của Tòa án nước ngoài đó cũng phải được quốc gia tự nguyện thi hành. Nếu như quốc gia không tự nguyện thi hành bản án và không có sự đồng ý của quốc gia thì không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế như bắt giữ, tịch thu tài sản của quốc gia nhằm cưỡng chế thi hành bản án đó. Kể cả khi quốc gia từ bỏ quyền miễn trừ xét xử thì quyền miễn trừ đối với các biện pháp cưỡng chế bảo đảm thi hành phán quyết của toàn án vẫn phải được tôn trọng.

Theo Điều 19 Công ước quy định: “Không có biện pháp cưỡng chế nào sau khi có phán quyết của Tòa án như tịch thu, bắt giữ tài sản trái pháp luật của quốc gia được áp dụng trong một vụ kiện trước một tòa án nước ngoài…”. Khi tham gia vào quan hệ dân sự quốc tế, quốc gia sẽ không bị bắt buộc phải tham gia vào bất kỳ vụ kiện nào, trừ khi chính quốc gia đồng ý. Công ước sẽ là một căn cứ pháp lý quan trọng mà các quốc gia thành viên có thể viện dẫn để giải quyết các tranh chấp liên quan đến miễn trừ tài phán của quốc gia và tài sản quốc gia.

Về quyền miễn trừ đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của quốc gia:

Những tài sản được xác định thuộc quyền sở hữu của quốc gia thì không thể là đối tượng áp dụng các biện pháp tư pháp khi quốc gia đưa vào tham gia các mối quan hệ dân sự quốc tế. Quyền miễn trừ về tài sản của quốc gia khi tham gia vào các quan hệ dân sự quốc tế có cơ sở pháp lý trong các điều ước quốc tế. Điều 21 Công ước của Liên hợp quốc về quyền miễn trừ tài phán và miễn trừ tài sản của quốc gia liệt kê những loại tài sản mà quốc gia được hưởng quyền miễn trừ hoặc tài sản được sử dụng hoặc dự định sử dụng bởi Nhà nước cho mục đích phi chính phủ theo Điều 19 gồm:

- Tài sản bao gồm tài khoản ngân hàng được sử dụng thực hiện các chức năng của cơ quan ngoại giao của Nhà nước hoặc lãnh sự, nhiệm vụ quốc tế các tổ chức hoặc phái đoàn đến các cơ quan của các tổ chức quốc tế hoặc các hội nghị quốc tế;

- Tài sản của nhân vật quân sự hoặc được sử dụng mục đích quân sự;

- Tài sản của ngân hàng trung ương hoặc cơ quan tiền tệ khác của Nhà nước;

- Tài sản hình thành một phần di sản văn hóa của Nhà nước hoặc một phần tài liệu lưu trữ của nó và không được đặt hoặc dự định sẽ được bán;

- Tài sản hình thành một phần của một cuộc triển lãm các đối tượng có lợi ích khoa học, văn hóa hoặc lịch sử và không được đặt hoặc dự định sẽ được bán.

Quyền miễn trừ về tài sản là một nội dung không thể tách rời của quyền miễn trừ của quốc gia và là công cụ bảo vệ lợi ích của quốc gia khi tham gia vào các quan hệ dân sự quốc tế.

Chủ thể được miễn trừ tư pháp: Theo Điều 2 khoản 1 điểm b Công ước thì quốc gia được hiểu bao gồm: (1) Quốc gia và cơ quan nhà nước, (2) các bang của quốc gia liên bang, các đơn vị chính trị của một Quốc gia có quyền thực thi thẩm quyền quốc gia và đang thực thi thẩm quyền đó, (3) các cơ quan, tổ chức của một Quốc gia hay các thực thể khác có quyền thực thi và thực sự đang thực thi thẩm quyền quốc gia, và (4) đại diện của Quốc gia đang thực thi thẩm quyền đại diện.

Sự đồng ý của một quốc gia đối với thực hiện thẩm quyền của tòa án: Tại Điều 8 Công ước, một quốc gia sẽ không được coi là đã đồng ý thực hiện quyền tài phán của tòa án của một quốc gia khác nếu có can thiệp vào vụ kiện hoặc bất kỳ bước nào khác cho mục đích miễn trừ hoặc khẳng định quyền và lợi ích đối với tài sản trong quá trình tố tụng. Đồng thời, sự xuất hiện của một đại diện của một quốc gia trước tòa án của một quốc gia khác với tư cách là nhân chứng sẽ không được hiểu là sự đồng ý của quốc gia đối với thực hiện thẩm quyền của tòa án.

Nếu một quốc gia tham gia vào một giao dịch thương mại với một cá nhân hoặc pháp nhân nước ngoài, nhờ các quy tắc áp dụng của tư pháp quốc tế, sự khác biệt liên quan đến giao dịch thương mại đó thuộc thẩm quyền của tòa án quốc gia khác, quốc gia không thể áp dụng quyền miễn trừ tư pháp trong vụ kiện trong trường hợp giao dịch thương mại đó là giữa các quốc gia, hoặc nếu các bên tham gia giao dịch thương mại có thỏa thuận khác.

Đối với doanh nghiệp nhà nước hoặc tổ chức khác được thành lập bởi một nhà nước trong đó có một pháp nhân độc lập và có khả năng khởi kiện hoặc bị kiện; và mua, sở hữu hoặc sở hữu và xử lí tài sản bao gồm cả tài sản mà nhà nước đã cho phép nó hoạt động hoặc quản lí, được tham gia vào một thủ tục có liên quan đến một giao dịch thương mại mà đơn vị đó được tham gia thì cũng được miễn trừ xét xử của tòa án nước khác.

Cơ chế hưởng quyền miễn trừ tư pháp:

Quốc gia có mặc nhiên hưởng quyền miễn trừ tư pháp trong mọi trường hợp hay không? Đây là một câu hỏi thường xuyên trong tư pháp quốc tế. Theo công ước này, Quốc gia không mặc nhiên được hưởng quyền miễn trừ tài phán trong mọi trường hợp. Công ước này chấp nhận cho quốc gia được hưởng quyền miễn trừ trong tất cả các lĩnh vực quan hệ dân sự mà quốc gia tham gia, nhưng lại hạn chế những trường hợp mà quốc gia không thể viện dẫn quyền miễn trừ, bao gồm những trường hợp như khi quốc gia từ bỏ quyền miễn trừ, khi tham gia vào các giao dịch thương mại, khi vụ kiện liên quan đến hợp đồng lao động, bồi thường thiệt hại về người và tài sản do hành vi thiếu trách nhiệm của quốc gia, hoặc vụ kiện liên quan đến việc xác định quyền sở hữu, chiếm hữu và sử dụng tài sản, những ngoại lệ liên quan đến việc xác định quyền sở hữu trí tuệ và sở hữu công nghiệp, đến việc tham gia vào một công ty của quốc gia, đến việc sở hữu và vận hành một con tàu của quốc gia hay khi có một thỏa thuận trọng tài loại trừ quyền miễn trừ đó.

Các điều khoản của Công ước chủ yếu nhằm đặt ra các hạn chế cho quyền miễn trừ của các quốc gia với điều khoản chủ yếu “Một Quốc gia không thể viện dẫn quyền miễn trừ…”. Toàn bộ Phần III của Công ước về Các vụ việc mà Quyền miễn trừ quốc gia không thể viện dẫn, bao gồm các Điều 10 (Giao dịch thương mại), Điều 11 (Hợp đồng lao động), Điều 12 (Thiệt hại cá nhân và tài sản), Điều 13 (Quyền sở hữu, chiếm hữu và sử dụng tài sản), Điều 14 (Quyền sở hữu trí tuệ và công nghiệp), Điều 15 (Quyền tham gia vào các công ty và các tổ chức tập thể khác), Điều 16 (Tàu thuyền do quốc gia sở hữu hoặc vận hành) và Điều 17 (Tác động của thỏa thuận trọng tài). Các điều khoản trên xác định rõ điều kiện để một quốc gia có thể viện dẫn hoặc không viện dẫn được quyền miễn trừ.

Liên quan đến thỏa thuận trọng tài theo Điều 17 Công ước quy định rằng, nếu một quốc gia ký kết một thỏa thuận bằng văn bản với một thể nhân hoặc pháp nhân nước ngoài để đệ trình các khác biệt trọng tài liên quan đến một giao dịch thương mại, quốc gia đó không thể yêu cầu miễn trừ khỏi quyền tài phản trước tòa án của một quốc gia khác có thẩm quyền trong vụ kiện liên quan đến: tính hợp lệ, giải thích hoặc áp dụng thỏa thuận trọng tài; thủ tục trọng tài; các xác nhận hoặc đặt điều khoản sang một bên, trừ khi thỏa thuận trọng tài có quy định khác.

Điều đó nghĩa là khi có sự tranh chấp về tính hợp lệ, hoặc áp dụng thỏa thuận trọng tài, thủ tục trọng tài hoặc các xác nhận khác thì quốc gia trong thỏa thuận giao dịch này không thể yêu cầu miễn trừ tư pháp, miễn trừ khỏi quyền tài phán trước tòa án.

Từ bỏ quyền miễn trừ tư pháp: 

Quốc gia có quyền từ bỏ từng nội dung hoặc tất cả các nội dung của quyền miễn trừ tư pháp. Trường hợp quốc gia từ bỏ một nội dung trong quyền miễn trừ tư pháp thì quốc gia vẫn hưởng quyền miễn trừ đối với các nội dung khác. Ví dụ, nếu quốc gia đồng ý tham gia vụ án với tư cách là bị đơn thì tòa án cũng không được quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế tiền tố tụng nào được áp dụng với quốc gia hoặc áp dụng biện pháp cưỡng bảo đảm thi hành quyết định của tòa án do quốc gia được hưởng quyễn miễn trừ đối với các biện pháp cưỡng chế đảm bảo thi hành quyết định của tòa án, quyền miễn trừ đối với các biện pháp cưỡng chế bảo đảm đơn kiện.

Với xu thể hội nhập, giao lưu kinh tế văn hóa xã hội giữa các quốc gia, số lượng các bản án, quyết định được tuyên ở một nước nhưng cần được thi hành ở một nước càng tăng. Tuy nhiên, do quốc gia có quyền miễn trừ tư pháp nên việc thi hành bản án cũng gặp nhiều khó khăn. Theo đó, một số quốc gia quy định về việc tuân theo các điều ước quốc tế mà quốc gia ký kết và tham gia, các hiệp định song phương…để bảo đảm quy chế công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài.

Thêm vào đó, thỏa thuận của một nhà nước áp dụng pháp luật của quốc gia khác sẽ không được hiểu là đồng ý với việc thực hiện thẩm quyền của Tòa án cấp quốc gia khác. Như vậy, việc quốc gia từ bỏ một nội dung không làm ảnh hưởng đến các nội dung còn lại trong quyền miễn trừ. Việc từ bỏ quyền miễn trừ của quốc gia cần phải được thể hiện rõ ràng trong pháp luật quốc gia, trong điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương mà quốc gia là thành viên hoặc trong các văn bản cụ thể mà quốc gia ký kết hoặc theo thỏa thuận của các bên trong vụ kiện.

NGỌC ANH

Hàn Quốc và Mỹ bước vào vòng đàm phán thứ 09 về chia sẻ chi phí quân sự 

Lê Minh Hoàng