/ Trợ giúp pháp lý
/ Những vấn đề pháp lý mà người sử dụng lao động cần lưu ý trong thời điểm Covid-19

Những vấn đề pháp lý mà người sử dụng lao động cần lưu ý trong thời điểm Covid-19

06/05/2021 16:41 |

(LSVN) - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân sự do không đủ việc làm cũng như không đủ nguồn lực chi trả tiền lương cho nhân viên. Theo Bộ luật Lao động 2019 (BLLĐ 2019) có hiệu lực từ 01/01/2021, Điều 36 quy định người sử dụng lao động (NSDLĐ) có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trong trường hợp do dịch bệnh nguy hiểm mà NSDLĐ buộc phải giảm chỗ làm việc dù đã đã tìm mọi biện pháp khắc phục.

Theo Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 01/04/2020, Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu. Đồng thời, theo Khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong. Như vậy, có căn cứ để cho rằng đại dịch Covid-19 được coi là dịch bệnh nguy hiểm và là lý do để NSDLĐ có thể đơn phương chấm dứt HĐLĐ.

Trách nhiệm của NSDLĐ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ do dịch Covid-19

Trong trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ do dịch bệnh Covid-19, NSDLĐ phải thông báo trước cho người lao động (NLĐ) theo thời hạn luật định. Bên cạnh đó, theo Khoản 1 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm đối với người lao động, nếu NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ do dịch Covid-19 thì NSDLĐ phải chi trả trợ cấp mất việc làm cho NLĐ.

Hậu quả pháp lý trong trường hợp NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật

Trong trường hợp NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLD trái pháp luật, NSDLĐ phải nhận người lao động trở lại làm việc theo HĐLĐ đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho những ngày NLĐ không được làm việc cộng thêm ít nhất 02 tháng tiền lương theo HĐLĐ.

Ngoài ra, NSDLĐ còn phải bồi thường cho NLĐ một khoản tiền tương ứng với tiền lương của NLĐ trong những ngày không báo trước trong trường hợp NSDLĐ vi phạm quy định về thời hạn báo trước và phải trả thêm trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 BLLĐ 2019 trong trường hợp NLĐ không muốn tiếp tục làm việc.

NLĐ vẫn được hưởng lương khi bị cách ly do Covid-19

Đối với trường hợp NLĐ không thể trở lại làm việc và phải đi cách ly theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì NLĐ vẫn được hưởng lương và khoản tiền lương này sẽ do hai bên thỏa thuận.

Trong trường hợp thời gian ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc không thấp hơn mức lương tối thiểu. Và nếu thời gian ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì các bên vẫn phải đảm bảo rằng tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

TRẦN GIA THẾ

Thu thuế thu nhập cá nhân đối với cổ tức chia bằng cổ phiếu - Những bất cập trên góc độ pháp lý và thực tiễn

Lê Minh Hoàng