/ Nghề Luật sư
/ Kỷ niệm với những Thẩm phán trong hành nghề Luật sư

Kỷ niệm với những Thẩm phán trong hành nghề Luật sư

25/10/2021 11:21 |

(LSVN) - Trong hành trình 35 năm của nghề Luật sư tranh tụng, tôi đã đi khắp mọi miền Tổ quốc, đã gặp hàng nghìn Thẩm phán - những người nắm giữ cán cân công lý.

Ông Hà Thắng, nguyên Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng.

Vị Thẩm phán - Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh và những kỷ niệm khó phai mờ

Ông là Đào Công Huệ còn gọi là chú “Tám Minh” là cán bộ hoạt động cách mạng trước năm 1975. Sau năm 1975, ông về làm Ủy viên thư ký Ủy ban nhân dân tỉnh. Năm 1984, khi tôi vào Cần Thơ thì ông đang là Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang, vị Chánh án không bằng cấp, trước đó chưa học luật nhưng có lẽ ông là một trong số ít Thẩm phán, Chánh án xét xử nhiều án hình sự nhất và để lại cho tôi nhiều ấn tượng của nghề nghiệp.

Tháng 9/1984, lần đầu tôi gặp ông khi nộp hồ sơ xin việc vào Tòa án. Ông từ chối nhận với lý do “Thư ký Tòa án phải đọc cáo trạng trước toà, cậu tiếng Quảng hơi khó nghe để tôi giới thiệu về bên ông Hai Trinh ở Sở Tư pháp”. Nói xong ông nhấc máy điện thoại, thế là tôi về Sở Tư pháp từ ngày hôm đó đến năm 1985 thì chuyển sang nghề Luật sư.

Tôi đã ngồi bào chữa rất nhiều phiên toà mà ông là Chủ tọa, hầu hết đều là những phiên toà hình sự nghiêm trọng, xử lưu động khắp các huyện, thị xã.

Phiên đầu tiên xử lưu động tại xã Giải Xuân, TP. Cần Thơ (cũ). Đó cũng là lần đầu tôi bào chữa cho thân chủ trước phiên tòa. Trước cả mấy trăm người trong hội trường, tôi “run như cầy sấy”, ông biết và đến động viên tôi bình tĩnh. Phiên tòa ấy, tôi không cứu được án tử hình cho bị cáo vì đã giết chết hai người khi bị ngăn cản tình yêu. Kết thúc phiên toà, ông bắt tay động viên tôi.

Một phiên toà không lớn nhưng thời điểm những năm 1988 đã thể hiện bản lĩnh của ông. Đó là vụ án Cố ý gây thương tích xảy ra tại huyện Châu Thành, án sơ thẩm tuyên 4 năm tù giam, xử phúc thẩm ông tuyên “Không phạm tội”. Đây là phiên toà đầu tiên, tôi gỡ oan được cho người vô tội .

Chính những điều ấy, với tôi và nhiều người, ông không chỉ là Thẩm phán, Chánh án mà còn là người thầy, người cha của mọi người trong ngành Tòa án. 

Tôi thường đến thăm ông khi ông đang làm việc và cả khi nghỉ hưu. Ông được nhà nước cấp cho một căn nhà cấp 4 ở khu tập thể Mậu Thân. Nghỉ hưu, ông giao nhà cho một người cháu rồi về quê ở Sóc Trăng sống đến khi qua đời ở tuổi 72.

Giáo viên dạy văn, bào chữa viên nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh

Trong hành trình 35 năm của nghề Luật sư tranh tụng, tôi đã đi khắp mọi miền tổ quốc, đã gặp hàng nghìn thẩm phán - những người nắm giữ cán cân công lý. Người Thẩm phán thứ hai mà tôi không thể không nhắc đến chính là ông Hà Thắng, nguyên Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng.

Ông tốt nghiệp Khoa Văn Đại học La-Ba-Ha-Na (Cu Ba) và là Trưởng bộ môn Văn trường Đại học Cần Thơ sau năm 1975. Ông tham gia Đoàn bào chữa viên tỉnh Hậu Giang từ năm 1987. Tôi đã cùng ông tham gia bào chữa nhiều vụ án mà Tòa án chỉ định. Thời gian tham gia bào chữa, ông đã theo học và tốt nghiệp Cử nhân Luật tại Hà Nội. Năm 1993, cái duyên đối với nghề luật và tín nhiệm đã đưa ông đến với ngành Tòa án. Ông trở thành Thẩm phán - Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng.

Sống chân tình cởi mở với bất cứ ai, đã từng là người bào chữa nên ông rất tôn trọng giới Luật sư khi tham gia tố tụng. Có những vụ án có dấu hiệu oan sai ông còn chủ động đề nghị Luật sư làm kiến nghị gửi cho Tòa án trước khi mở phiên toà. Nghỉ hưu, ông về làm Luật sư. Từ giáo viên dạy văn đến bào chữa viên nhân dân, Thẩm phán - Chánh án, đại biểu Quốc hội và cuối cùng là Luật sư. Ông để lại cho đồng nghiệp hình ảnh mà người Nam bộ thường nói: “Tình thương mến thương”.

Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao - Người anh, người thầy, người bạn

Trong 35 năm hành nghề Luật sư tôi may mắn gặp nhiều Thẩm phán. Thế nhưng, ấn tượng của tôi về một Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đến nay là không thay đổi. Đó là ông Phạm Hùng Việt, Thẩm phán Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP. Hồ Chí Minh. Vị thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trẻ nhất được bổ nhiệm từ trước đến nay.

Cơ duyên tôi gặp ông là ở phiên toà hình sự phúc thẩm lớn nhất năm 1987 ở tỉnh Hậu Giang, vụ án mà Tòa án tỉnh này tuyên “04 án tử hình, 01 án chung thân” cho 05 bị cáo tôi bào chữa. Ông đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm khi có chứng cứ mới có thể làm thay đổi bản chất vụ án .

Sau này khi bào chữa bảo vệ quyền lợi trong nhiều vụ án khác nhau tôi đã học được ở ông nhiều kiến thức cơ bản trong xét hỏi tại phiên toà. “Mạch lạc và dứt khoát đó là tính cách của một Luật sư tranh tụng mà em nên hướng tới”, ông nói với tôi. 

Có hôm đến trụ sở Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP. Hồ Chí Minh đọc hồ sơ vụ án, ông gọi tôi vào phòng làm việc, uống trà và đặc biệt là chơi cờ tướng. Dù chấp tôi một con xe thế mà tôi chưa bao giờ thắng được ông, may lắm là hoà.

Có lần tôi hỏi ông: “Làm Thẩm phán anh lo nhất điều gì?”, “Chú hỏi khó, Thẩm phán lo nhất là tuyên án oan, kế đến là án tử và sau cùng là thư tay và điện thoại”, ông nói. Tôi biết ba năm cuối cùng của nhiệm kỳ Thẩm phán trước khi nghỉ hưu ông đã không tuyên án tử nào. Ông nghỉ hưu cách đây vài năm và trở thành đồng nghiệp của tôi, có dịp gặp nhau chúng tôi vẫn ôn lại kỷ niệm thời xưa cũ.

Người lính thành cổ Quảng Trị và bản án nhân văn

Vào năm 1989, tôi quen ông Hoàng Công Tứ, nguyên Thẩm phán Tòa án tối cao thuộc Toà phúc thẩm Hà Nội (nay là Tòa án nhân dân cấp cao) khi ông đang làm ở một Toà chuyên môn thuộc Tòa án nhân dân tối cao và đang học đổi bằng tại Đại học Luật Hà Nội. Năm 1964, sau khi tham gia chiến dịch ở thành cổ Quảng Trị giải phóng miền Nam, ông chuyển ngành về Tòa án nhân dân tối cao và làm việc cho đến khi nghỉ hưu.

Tôi chỉ tham gia bào chữa một phiên toà duy nhất mà ông xử khi ông được tăng cường vào TP. Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vào những năm cuối thập kỷ 90. Vụ án tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, án sơ thẩm tuyên một người phụ nữ đang nuôi hai con nhỏ, chồng ly hôn mức án 03 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đọc hồ sơ tôi thấy chứng cứ là 50/50 nên tại phiên toà phúc thẩm, tôi đề nghị hủy án điều tra lại. Hội đồng xét xử đã không chấp nhận đề nghị của Luật sư nhưng chấp nhận sửa án sơ thẩm, cho bị cáo hưởng “án treo” theo đề nghị của Viện Kiểm sát. Bị cáo sau đó gặp lại Luật sư và đồng ý với bản án này cho dù trong quá trình tố tụng đã có lúc kêu oan.

Có dịp ra Hà Nội, tôi đều đến thăm ông và gửi món quà “tôm khô, cá lóc khô” của xứ Nam Kỳ, cùng ông làm nói chuyện về nghề, về đời. 

Luật sư NGUYỄN TRƯỜNG THÀNH

Trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư

Lê Minh Hoàng