/ Góc nhìn
/ Những xáo trộn xã hội không đáng có

Những xáo trộn xã hội không đáng có

11/07/2023 13:50 |

(LSVN) - Không phải chỉ kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm nay mới căng thẳng đến thế mà việc này đã diễn ra nhiều năm và không chỉ vào lớp 10. Hãy xem lại cái cảnh mà phụ huynh phải xếp hàng thâu đêm, giành giật từng chỗ đứng, chen lấn, xô đẩy, thậm chí là đạp đổ cả cổng trường để nộp hồ sơ vào trường Mẫu giáo hoặc lớp 1 cho con em mình. Chuyển cấp vào lớp 6 cũng là không thoát khỏi tình trạng âu lo, căng thẳng.

Ảnh minh họa.

Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua là một minh chứng rất rõ ràng cho việc gây ra những xáo động xã hội lẽ ra không phải xảy ra. Một kỳ thi chuyển cấp trong bậc học phổ thông, phổ cập cho tất cả mọi người mà tạo ra một áp lực không nhỏ, thậm chí là căng thẳng đối với học sinh, phụ huynh và gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn xã hội. Nếu như lời khẳng định Hà Nội không thiếu trường lớp, chỗ học cho học sinh vào cấp Phổ thông trung học của vị Giám đốc Sở GD&ĐT là đúng thì việc tạo ra sự “khan hiếm giả tạo” này nhằm mục đích gì? Phải chăng đây là biểu hiện của “lợi ích nhóm” trong ngành giáo dục Thủ đô, nhường “thị phần” cho các trường tư thục hay dân lập! Có thể lắm, một kỳ thi mà Thủ tướng Chính phủ quan tâm, yêu cầu ngành GD&ĐT báo cáo tuyển sinh vào lớp 10 công lập trước ngày 12/7/2023. Ngay trước thời hiệu này, có một động thái “hạ nhiệt” ngay, đó là việc công bố hạ điểm chuẩn ở một loạt trường công tại Thủ đô.

Không phải chỉ kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm nay mới căng thẳng đến thế mà việc này đã diễn ra nhiều năm và không chỉ vào lớp 10. Hãy xem lại cái cảnh mà phụ huynh phải xếp hàng thâu đêm, giành giật từng chỗ đứng, chen lấn, xô đẩy, thậm chí là đạp đổ cả cổng trường để nộp hồ sơ vào trường Mẫu giáo hoặc lớp 1 cho con em mình. Chuyển cấp vào lớp 6 cũng là không thoát khỏi tình trạng âu lo, căng thẳng.

Trong thời điểm hiện tại, khi năm học mới chưa bắt đầu một mối âu lo khác đang đè nặng lên vai phụ huynh. Đó là vấn đề về sách giáo khoa, theo công bố của các nhà xuất bản thì sách giáo khoa ở một số lớp sẽ tăng gấp 02 đến 03 lần so với giá năm trước. Chưa kể đến chuyện sách giáo khoa cũng khan hiếm, không đồng bộ, phải tìm kiếm vất vả. Điều này có đáng không khi hoàn toàn có thể dự liệu và cung ứng đầy đủ nhu cầu sách giáo koa cho các bậc học.

Ai cũng biết những diễn biến kể trên là vi hiến, là không đúng với chủ trương của Nhà nước về một nền giáo dục XHCN, là cố tình đi ngược với mong muốn lúc sinh thời của Hồ Chủ tịch là “đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” mà đây là “mong muốn tột bậc” của Bác.

Phải chấm dứt tình trạng âu lo, căng thẳng và những xáo động không đáng có này. Đó không chỉ là mong muốn của học sinh, phụ huynh mà của cả xã hội!

PHALY

Cách nhanh nhất để pháp luật đến với người dân

Nguyễn Hoàng Lâm