Ảnh minh họa.
Có nhiều phương thức để đưa kiến thức pháp luật đến với đông đảo các tầng lớp Nhân dân mà chúng ta thường gọi đó là công tác phổ biến, giáo dục pháp luật như tập huấn, phát tờ rơi, lồng ghép trong các hội nghị, sự kiện, tuyên truyền qua loa xóm, phường, khu dân cư, các câu lạc bộ tìm hiểu pháp luật,... Song, mỗi cách thức đều có những hạn chế nhất định như phạm vi nhỏ hẹp, nghe câu được, câu mất, chỉ phục vụ được một nhóm đối tượng nào đó mà thôi,.. Truyền thông và báo chí hoàn toàn có thế mạnh trong không gian quảng bá, số lượng người đọc lớn, hình thức phong phú, nội dung hấp dẫn và đặc biệt, người đọc có thể tìm hiểu kỹ hơn vấn đề mà mình quan tâm, đây như một sự tương tác chứ không phải một chiều thụ động.
Đáng kể nhất và là lợi thế nhất của báo chí là đưa pháp luật đến với người dân bằng nhiều hình thức tiếp cận khác nhau. Có thể là đăng có chọn lọc các điều khoản, quy định của pháp luật một cách đơn thuần song báo chí tìm một cách tiếp cận khác hấp dẫn như phóng sự điều tra, chuyện vụ án, câu chuyện cảnh giác và ngay cả tin tức cũng phản ánh đời sống pháp luật cùng với các tình tiết giúp cho người đọc nâng cao kiến thức pháp luật. Từ đó, những hiểu biết pháp luật từ từ và ngấm sâu vào người đọc để sau đó thể hiện bằng cách hành vi ứng xử của mình trong cuộc sống một cách tự giác tuân thủ pháp luật. Đơn giản hơn là biết phân biệt đúng sai, phải trái trong từng vấn đề cụ thể khi đối chiếu với pháp luật hiện hành. Báo chí có vai trò như thế nào trong việc khai trí và nâng cao dân trí thì trong lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật cũng vậy!
Ở một chiều hướng ngược lại, đôi khi báo chí cũng phá hỏng cái mà mình đã dày công xây dựng, ngược chiều với gì mà mình từng thể hiện chức năng phổ biến và tuyên truyền pháp luật. Không ít bài báo với mục đích giật gân, câu khách đã đưa độc giả vào sự tăm tối của mê tín, dị đoan, tiếp tay cho những “thần y”, “thần dược” đểu và đáng nói hơn là ngấm ngầm hoặc công khai cổ vũ cho những hành vi trái pháp luật như lừa đảo, bán hàng đa cấp, cho vay nặng lãi,... Sức mạnh của báo chí là được người đọc tin tưởng và vì thế, không ít người bị lừa vì tin tưởng vào báo chí truyền thông.
Hiểu rõ vai trò của mình trong việc phổ biến giáo dục pháp luật, hầu như tờ báo (viết hay nói, hay hình) đều có những chuyên mục pháp luật và đóng góp rất lớn vừa là kênh đưa pháp luật đến với người dân, vừa là phương tiện, “cầu nối” để người dân tiếp cận pháp luật. Tác động mạnh mẽ nhất của truyền thông, báo chí là tập hợp được sức mạnh dư luận, tiếng nói của công luận mang lại niềm tin cho nhân dân bằng sự đấu tranh không khoan nhượng với các trường hợp vi phạm pháp luật, gây oan sai hoặc cách hành xử trái pháp luật, phản đạo lý của những người có chức quyền mà thóa hóa, biến chất.
Vai trò của báo chí trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là rất lớn, không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, để phát huy vai trò đó một cách có hiệu quả thì cần đến nhiều cách tiếp cận khác nhau với hình thức phong phú và hấp dẫn. Ưu điểm nổi trội của báo chí, khác hẳn với việc phổ biến, giáo dục pháp luật đơn thuần đó là ở mỗi sự kiện pháp lý có sự bình luận và phân tích rõ ràng, người đọc cần những cái đó chứ không chỉ là đơn giản là thông tin. Cái này thường được coi là “định hướng dư luận”, để định hướng được ngoài sự chính danh, chính thống thì cần đến sự minh bạch, chính xác và không thiên vị, hướng người đọc đến việc tiếp cận chân lý (sự thật) một cách đơn giản nhất.
NHỊ NGỌC
Tổng thuật Tọa đàm: Luật sư - Nhà báo với góc nhìn thực tiễn Luật Báo chí 2016