Tại Việt Nam, quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận đã được hiến định rõ ràng trong Điều 25 của Hiến pháp năm 2013, quy định rằng: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” [1]. Đây là lần đầu tiên các quyền này được quy định một cách đầy đủ trong một điều duy nhất, thể hiện rõ tinh thần dân chủ, tiến bộ và hội nhập quốc tế của nền lập hiến nước ta. Tuy nhiên, cũng chính bởi sự khái quát của quy định hiến pháp, vấn đề đặt ra là cần có những đạo luật cụ thể để “pháp điển hóa” các quyền này - nghĩa là chuyển hóa các tuyên bố quyền mang tính nguyên tắc thành các quyền năng cụ thể, có thể thực hiện, kiểm soát và bảo vệ bằng các thiết chế pháp lý.
Luật Báo chí năm 2016 là bước đi đầu tiên trong việc hiện thực hóa Điều 25 Hiến pháp, đánh dấu sự chuyển dịch quan trọng trong tư duy pháp lý về tự do báo chí và vai trò của báo chí trong nhà nước pháp quyền XHCN. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển với tốc độ chưa từng có, mô hình báo chí truyền thống đang bị thay thế từng phần bởi báo chí số, mạng xã hội và các nền tảng truyền thông đa chiều, Luật Báo chí 2016 đã bộc lộ một số điểm giới hạn về cả phạm vi điều chỉnh, năng lực dự báo và tính bảo vệ thực chất các quyền của công dân trong lĩnh vực báo chí. Cụ thể, sự bùng nổ của thông tin đa chiều và nhu cầu tương tác, phản hồi, sáng tạo nội dung từ phía người dân ngày càng tăng cao, đòi hỏi phải tái thiết lập khung pháp lý về báo chí một cách kịp thời và toàn diện hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Trong bối cảnh đó, Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) năm 2025 ra đời không chỉ nhằm cập nhật những thay đổi mang tính kỹ thuật - nghiệp vụ trong hoạt động báo chí, mà còn thể hiện một tư tưởng lập pháp tiến bộ khi mở rộng, cụ thể hóa và làm sâu sắc hơn các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân theo hướng tiếp cận nhân quyền hiện đại. Với việc bổ sung một loạt quyền mới cho công dân (Điều 4, Điều 5), xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ các quyền này (Điều 6), đồng thời khẳng định nguyên tắc “không kiểm duyệt báo chí trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”, Dự thảo Luật đã tạo lập một nền tảng pháp lý mới cho hoạt động báo chí trong kỷ nguyên số - nơi mà công dân không còn là “người tiếp nhận thông tin thụ động” mà trở thành chủ thể tích cực kiến tạo không gian truyền thông công cộng, thực hiện quyền con người bằng công cụ truyền thông.
Với ý nghĩa đó, Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) năm 2025 có thể được coi là một “luật nhân quyền chuyên ngành”, nơi mà các quyền tự do căn bản được tái xác lập theo chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là các Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã gia nhập. Điều 19 của Công ước này quy định rõ rằng: “Mọi người đều có quyền giữ quan điểm mà không bị can thiệp... mọi người có quyền tự do phát biểu; quyền này bao gồm quyền tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin và ý tưởng dưới mọi hình thức, bất kể biên giới” [2]. Chính vì vậy, việc xây dựng và ban hành Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) là bước đi cần thiết, không chỉ nhằm nội luật hóa các nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam, mà còn thể hiện quyết tâm chính trị trong việc xây dựng một nhà nước pháp quyền XHCN thực chất - nơi quyền con người là trung tâm của phát triển [3].
Từ góc độ lý luận và thực tiễn, việc mở rộng và cụ thể hóa quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận không chỉ giúp đảm bảo công bằng thông tin, thúc đẩy dân chủ hóa trong quản trị nhà nước, mà còn tạo ra cơ chế bảo vệ hiệu quả trước những nguy cơ xuyên tạc, thao túng thông tin từ các thế lực chống phá. Việc xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ nhưng cởi mở cho báo chí - trong đó quyền con người được bảo vệ và phát huy tối đa trong khuôn khổ pháp luật - là nền tảng cho một xã hội dân chủ, nhân văn, tiến bộ và phát triển bền vững.
Tư tưởng lập pháp: Mở rộng, bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trong khuôn khổ pháp luật - từ đối tượng thụ hưởng đến chủ thể tham gia tích cực
Một trong những điểm nhấn tư tưởng nổi bật nhất trong Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) năm 2025 chính là sự chuyển dịch mô hình quyền theo hướng nhân quyền học hiện đại: từ việc chỉ thừa nhận công dân là đối tượng thụ hưởng thông tin báo chí - nghĩa là được quyền tiếp cận, tiếp nhận và phản hồi thông tin - sang việc khẳng định họ là chủ thể tích cực sáng tạo, sản xuất và lan tỏa thông tin, với các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận được mở rộng, cụ thể hóa và bảo đảm bằng các thiết chế pháp lý hữu hiệu. Đây là một bước tiến lớn trong tư duy lập pháp, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến sự tái cấu trúc truyền thông dưới tác động của công nghệ số, nơi mà ranh giới giữa người làm báo chuyên nghiệp và người tạo ra thông tin ngày càng trở nên mờ nhạt.
Trong Dự thảo Luật, ba điều khoản quan trọng (Điều 4, 5 và 6) tạo thành một trục nội dung xuyên suốt và phản ánh rõ tư tưởng lập pháp hướng nhân quyền của nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Trước hết, Điều 4 và Điều 5 đã mở rộng và cụ thể hóa các quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân với các nội dung hoàn toàn mới so với Luật Báo chí năm 2016. Đây là lần đầu tiên luật định ghi nhận quyền liên kết với cơ quan báo chí để thực hiện sản phẩm báo chí như một dạng quyền sáng tạo báo chí độc lập được pháp luật công nhận. Công dân không chỉ được quyền cung cấp thông tin hay gửi bài cộng tác, mà còn được quyền tham gia như một đối tác truyền thông - đồng thời vừa là chủ thể quyền, vừa là đồng tác giả của các sản phẩm báo chí truyền tải sự thật và giá trị xã hội. Điều này phù hợp với xu hướng công nhận quyền tự do biểu đạt theo nghĩa rộng được ghi nhận trong Điều 19 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), trong đó nhấn mạnh rằng: “Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp và có quyền tự do phát biểu, bao gồm quyền tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin dưới mọi hình thức” [4].
Đáng chú ý, quyền in, phát hành báo in - vốn trước đây được hiểu mặc định thuộc về các cơ quan báo chí chuyên nghiệp - nay được thừa nhận như một hình thức hợp pháp để công dân thực hiện quyền báo chí. Việc thừa nhận quyền này là biểu hiện rõ rệt nhất của tư tưởng dân chủ hóa truyền thông, và cũng là bước đi mạnh dạn trong thiết kế thể chế bảo đảm quyền biểu đạt của công dân. Báo chí trong mô hình mới không chỉ là “cơ quan ngôn luận của tổ chức” mà còn là phương tiện để công dân chuyển tải tiếng nói của mình tới xã hội, với những điều kiện pháp lý công bằng, minh bạch và kiểm soát được bằng các cơ chế luật định.
Song song với việc mở rộng quyền, Dự thảo Luật còn cụ thể hóa trách nhiệm phản hồi của báo chí đối với ý kiến, kiến nghị, khiếu nại và tố cáo của công dân - vốn là cơ sở thực hành quyền ngôn luận gắn với trách nhiệm pháp lý. Không dừng ở mức biểu đạt ý kiến, công dân còn có thể sử dụng báo chí như một công cụ pháp lý để giám sát quyền lực, phê bình chính sách và yêu cầu minh bạch hóa thông tin từ các chủ thể công quyền. Đây là bước phát triển tự nhiên và phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền, trong đó báo chí là thiết chế bảo vệ công lý và công bằng thông tin cho Nhân dân [5].
Điểm quan trọng tiếp theo nằm ở Điều 6 - nơi Nhà nước được hiến định và pháp định như là chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận cho công dân. Quy định “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình” là một sự khẳng định rõ ràng về nghĩa vụ tích cực (positive obligations) của nhà nước trong bảo vệ nhân quyền. Nghĩa vụ này không chỉ bao gồm việc không can thiệp tùy tiện (nghĩa vụ tiêu cực), mà còn yêu cầu nhà nước tạo lập môi trường pháp lý, kỹ thuật và văn hóa truyền thông để bảo đảm quyền được thực hiện đầy đủ, an toàn và hiệu quả [6].
Đặc biệt, nguyên tắc “báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng” được luật hóa lần đầu tiên là bước tiến thể chế đầy bản lĩnh. Trong điều kiện báo chí chịu nhiều áp lực từ các luồng thông tin xuyên biên giới và các yêu cầu kiểm soát truyền thông xã hội, việc cam kết không kiểm duyệt tiền kiểm thể hiện rõ niềm tin của Nhà nước vào vai trò tự điều chỉnh của báo chí và cơ chế hậu kiểm bằng luật pháp, đạo đức nghề nghiệp, phản biện xã hội. Tư tưởng này hoàn toàn tương thích với mô hình bảo vệ quyền tự do báo chí trong các nhà nước dân chủ hiện đại, nơi mà tự do đi liền với trách nhiệm, và bảo hộ không đồng nghĩa với bao che hay dung túng [7].
Tóm lại, tư tưởng lập pháp của Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai trụ cột của lý luận pháp quyền nhân quyền hiện đại: (i) thừa nhận quyền tự do báo chí là quyền phổ quát của công dân, không độc quyền cho giới nhà báo; và (ii) đặt Nhà nước vào vị trí chủ thể có trách nhiệm pháp lý và chính trị trong việc bảo vệ, hỗ trợ, điều tiết và tạo điều kiện cho quyền được thực thi hiệu quả trong thực tiễn. Trong bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến sự trỗi dậy của truyền thông công dân, sự phân rã ranh giới giữa báo chí truyền thống và truyền thông xã hội, tư tưởng lập pháp này của Việt Nam không chỉ có giá trị trong phạm vi quốc gia, mà còn mang ý nghĩa tham chiếu tích cực cho các quốc gia đang tìm kiếm mô hình phát triển báo chí nhân quyền trong thời đại số.
Những quyền mới của công dân - từ tiếp nhận thụ động đến đồng kiến tạo không gian thông tin báo chí
Việc mở rộng và cụ thể hóa các quyền của công dân trong Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) không chỉ phản ánh một thay đổi mang tính kỹ thuật lập pháp, mà quan trọng hơn, là kết quả của quá trình chuyển dịch tư duy pháp lý từ “báo chí nhà nước đơn chiều” sang “báo chí vì công dân và bởi công dân” trong xã hội dân chủ hiện đại. Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp về báo chí tại Việt Nam, công dân được trao những quyền năng pháp lý rõ ràng để không chỉ tiếp nhận thông tin, mà còn trở thành chủ thể tích cực kiến tạo, đồng hành và phản biện thông tin một cách hợp pháp, chính danh và có trách nhiệm. Các quyền mới tại Điều 4 và Điều 5 của Dự thảo Luật, bao gồm: quyền liên kết thực hiện sản phẩm báo chí; quyền in, phát hành báo in; và quyền góp ý, phản hồi, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí - đã tạo nên một nền tảng pháp lý vững chắc và tiến bộ, góp phần xây dựng mô hình công dân thông tin chủ động, thực hành dân chủ trực tiếp trong không gian truyền thông công cộng.
Quyền “liên kết với cơ quan báo chí để thực hiện sản phẩm báo chí” - Cụ thể hóa vai trò chủ thể thông tin của công dân
Trong các đạo luật báo chí trước đây, công dân chủ yếu được thừa nhận với vai trò thụ động: đọc, tiếp nhận, hoặc cùng lắm là cộng tác đơn lẻ với báo chí thông qua việc gửi tin, bài. Tuy nhiên, trong thời đại kỹ thuật số, khi các phương tiện truyền thông mới (new media) như blog, podcast, mạng xã hội, YouTube, nền tảng nội dung số ngày càng phát triển mạnh mẽ, thì mô hình “một chiều” không còn phản ánh thực tiễn. Người dân ngày nay vừa là người tiêu dùng vừa là người sản xuất nội dung (prosumers). Do đó, việc luật hóa quyền được liên kết với cơ quan báo chí để tạo ra sản phẩm báo chí - tức là hợp pháp hóa vai trò đồng sáng tạo thông tin của công dân - là một bước ngoặt thể chế quan trọng.
Về mặt nhân quyền học, quyền này tương thích chặt chẽ với các chuẩn mực quốc tế như Điều 19 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), vốn bảo đảm quyền “truyền đạt” và “sáng tạo” thông tin chứ không chỉ đơn thuần “tiếp nhận” [8]. Trên thực tế, sự tham gia của công dân vào quá trình sản xuất sản phẩm báo chí đã và đang diễn ra phổ biến thông qua các dự án truyền thông cộng đồng, truyền thông vì phát triển (development communication), hoặc báo chí công dân (citizen journalism). Tuy nhiên, trong điều kiện chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, những người này thường rơi vào “vùng xám pháp lý” - vừa không được công nhận chính danh, vừa có nguy cơ bị xử lý nếu vi phạm nội dung. Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) năm 2025 đã xóa bỏ vùng xám đó, đưa hoạt động liên kết báo chí vào khuôn khổ pháp lý minh bạch, bảo đảm quyền và trách nhiệm cho cả hai phía: công dân và cơ quan báo chí.
Đây cũng là một bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy dân chủ hóa thông tin, tạo điều kiện cho công dân có thể phản ánh thực tiễn đời sống xã hội một cách sát thực, góp phần nâng cao chất lượng thông tin báo chí và tăng cường sự đa dạng, đa chiều trong dòng chảy thông tin quốc gia [9].
Quy định rõ quyền in, phát hành báo in - Thừa nhận mô hình “báo chí cộng đồng” hợp pháp
Một trong những điểm đột phá đáng kể của Dự thảo là việc quy định công dân được in và phát hành báo in như một hình thức tham gia báo chí hợp pháp. Trước đây, quyền in ấn và phát hành báo chí chỉ được trao cho các cơ quan báo chí được cấp phép, do đó hoạt động xuất bản của các tổ chức cộng đồng, đoàn thể nhỏ, nhóm xã hội dân sự, sinh viên, doanh nghiệp... nếu không thuộc “cơ quan chủ quản báo chí” thì gần như bị loại khỏi không gian pháp lý. Thực tiễn cho thấy, nhiều tổ chức muốn xây dựng các bản tin chuyên ngành, bản tin nội bộ, hoặc ấn phẩm truyền thông đặc thù nhưng không có cơ chế pháp lý rõ ràng để hoạt động, dẫn đến sự thiếu minh bạch và hạn chế quyền biểu đạt.
Bằng việc luật hóa quyền này, Dự thảo đã thừa nhận sự tồn tại hợp pháp của các mô hình báo chí cộng đồng - bao gồm cả bản tin chuyên ngành, đặc san theo sự kiện, hay tạp chí của các nhóm xã hội dân sự - miễn là đáp ứng điều kiện cấp phép theo quy định. Điều này giúp mở rộng không gian truyền thông xã hội, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn, đồng thời thúc đẩy văn hóa pháp quyền trong hoạt động truyền thông. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng quyền in và phát hành báo in luôn phải gắn với nghĩa vụ tuân thủ pháp luật nội dung - tức là không lợi dụng quyền để phát tán thông tin sai lệch, thù hằn, xuyên tạc hay xâm phạm lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác [10].
Ở đây, luật đã làm rõ sự cân bằng giữa tự do biểu đạt (freedom of expression) và trật tự pháp luật (legal order) - vốn là nguyên tắc được chấp nhận rộng rãi trong học thuyết nhân quyền quốc tế, như quy định tại khoản 3 Điều 19 của ICCPR về việc hạn chế quyền tự do ngôn luận vì lý do “tôn trọng quyền hoặc danh dự của người khác” hoặc “bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng” [11].
Quyền góp ý, phản hồi, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí - Từ quyền biểu đạt sang cơ chế phản biện có hiệu lực pháp lý
Một trong những đổi mới căn cơ của Dự thảo Luật Báo chí là việc cụ thể hóa quyền phản biện xã hội qua báo chí - từ một khái niệm mang tính chính trị - xã hội sang một quyền năng pháp lý được luật định rõ ràng. Trước đây, quyền “phát biểu ý kiến” thường bị hiểu giới hạn trong phạm vi ý kiến riêng tư hoặc trao đổi hạn chế trong các diễn đàn cá nhân. Nay, công dân có thể sử dụng báo chí để thực hiện quyền phản biện chính sách, kiến nghị sửa đổi pháp luật, khiếu nại quyết định công quyền, thậm chí tố cáo hành vi sai phạm của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Việc luật hóa quyền này tạo ra một hành lang pháp lý bảo đảm rằng báo chí thực sự là kênh truyền dẫn nguyện vọng, bức xúc và kiến nghị hợp pháp của Nhân dân tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền - đúng như vai trò “diễn đàn của Nhân dân” mà Đảng và Nhà nước xác định trong quá trình phát triển báo chí cách mạng [12]. Đồng thời, luật cũng quy định rõ trách nhiệm trả lời từ phía cơ quan báo chí (Điều 17), cũng như từ các chủ thể công quyền có liên quan (Điều 33), tạo nên một cơ chế phản hồi hai chiều có tính chế tài.
Điểm đặc biệt quan trọng ở đây là việc quyền phản biện không chỉ dừng lại ở quyền biểu đạt, mà còn mở rộng sang quyền được lắng nghe, được phản hồi và được xử lý - nghĩa là tạo ra một vòng lặp dân chủ khép kín, trong đó công dân là trung tâm và pháp luật là cơ chế vận hành. Điều này phù hợp với yêu cầu của mô hình “truyền thông tham gia” (participatory communication), nhấn mạnh vai trò đối thoại và đồng kiến tạo giữa nhà nước - công dân - truyền thông [13].
Trách nhiệm của Nhà nước đối với tự do báo chí, tự do ngôn luận - bảo hộ quyền và không kiểm duyệt: Khẳng định nguyên tắc nhân quyền trong Nhà nước pháp quyền
Một trong những điểm cốt lõi thể hiện chiều sâu nhân văn và tiến bộ của Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) năm 2025 chính là sự tái định hình vai trò của Nhà nước từ một chủ thể quản lý truyền thông đơn thuần sang một chủ thể có trách nhiệm pháp lý và chính trị trong việc bảo đảm quyền con người, đặc biệt là quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận - vốn được xem là thước đo của nền dân chủ hiện đại. Điều 6 của Dự thảo Luật không chỉ mang tính quy phạm pháp luật, mà còn mang dáng dấp một tuyên ngôn thể chế về nhân quyền, phản ánh sự nhất quán trong cam kết của Nhà nước Việt Nam đối với Hiến pháp năm 2013 và các chuẩn mực quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên tích cực.
Khẳng định trách nhiệm chủ động của Nhà nước trong bảo đảm quyền
Dự thảo Luật đã lần đầu tiên xác lập một nguyên tắc nền tảng của lý luận nhà nước pháp quyền hiện đại, khi quy định rằng: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình”. Đây là một sự chuyển đổi căn bản trong tư duy lập pháp: từ mô hình quản trị dựa trên kiểm soát sang mô hình hỗ trợ và bảo hộ quyền - đúng với tinh thần của Điều 2 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), theo đó các quốc gia thành viên có nghĩa vụ “tôn trọng và bảo đảm” (respect and ensure) các quyền đã được ghi nhận, kể cả khi phải thiết lập các thể chế pháp lý, hành chính và tư pháp cần thiết để thực hiện [14].
Trách nhiệm của Nhà nước ở đây không còn giới hạn ở vai trò tiêu cực - tức không can thiệp, không cản trở - mà được mở rộng thành trách nhiệm tích cực (positive obligations), bao gồm:
- Xây dựng hệ thống pháp luật tiến bộ, bảo vệ quyền;
- Tạo lập môi trường chính trị, pháp lý và kỹ thuật an toàn cho báo chí hoạt động;
- Bảo đảm hạ tầng truyền thông số, hạ tầng dữ liệu công khai và tiếp cận thông tin minh bạch.
Điều này khẳng định một điều hết sức căn bản: Báo chí không chỉ là công cụ truyền thông của nhà nước, mà còn là thiết chế thiết yếu của dân chủ nhân dân - nơi công dân không chỉ được nói mà còn được lắng nghe, phản ánh và đồng kiến tạo dư luận xã hội. Vai trò này đặc biệt cần thiết trong thời kỳ truyền thông số, khi các dòng chảy thông tin không còn đi theo trục dọc từ nhà nước đến người dân, mà vận hành đa chiều, nhanh chóng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị thao túng, xuyên tạc nếu không có cơ chế pháp lý minh bạch và một chính phủ dân chủ hành động.
Nguyên tắc “không kiểm duyệt trước” - Cơ sở pháp lý của truyền thông tự do có trách nhiệm
Một điểm mang tính nguyên lý tiến bộ và rất đáng chú ý tiếp tục được khẳng định trong Dự thảo Luật là quy định tại Điều 6: “Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”. Đây không chỉ là một quy phạm kỹ thuật, mà là tuyên ngôn pháp lý khẳng định nguyên tắc nền tảng của tự do báo chí hiện đại: thay vì tiền kiểm duyệt, Nhà nước áp dụng mô hình hậu kiểm - trách nhiệm - minh bạch.
Theo Tuyên bố quốc tế về tự do báo chí năm 1991 tại Windhoek của UNESCO, một hệ thống truyền thông tự do không thể tồn tại trong môi trường kiểm duyệt nội dung trước khi công bố [15]. Tiền kiểm là sự can thiệp trực tiếp vào nội dung tư tưởng và vi phạm nghiêm trọng quyền tự do biểu đạt, vốn đã được ghi nhận là “xương sống của mọi xã hội tự do” bởi Tòa án Nhân quyền châu Âu trong nhiều phán quyết mang tính nguyên tắc [16].
Việc tiếp tục khẳng định rõ “không kiểm duyệt báo chí trước phát hành” không đồng nghĩa với buông lỏng kiểm soát, mà thể hiện niềm tin pháp lý của Nhà nước vào hệ thống pháp luật và đạo đức báo chí để điều tiết thông tin một cách tự giác và có trách nhiệm. Đây chính là mô hình quản trị hiện đại: Nhà nước tạo ra khung pháp lý công bằng, trong đó báo chí được tự do tác nghiệp nhưng phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu vi phạm, đồng thời được hưởng sự bảo hộ chính đáng nếu hành động đúng pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.
Việc luật hóa nguyên tắc này cũng góp phần tạo dựng niềm tin xã hội vào báo chí như một thiết chế trung lập, khách quan và độc lập trong đưa tin. Nó giúp phòng ngừa sự lạm dụng quyền lực hành chính trong can thiệp nội dung, vốn là biểu hiện phổ biến của chủ nghĩa kiểm duyệt hành chính trong một số mô hình truyền thông phi dân chủ.
Bảo hộ nhà báo - Bảo vệ người thực hành quyền tự do biểu đạt
Bên cạnh việc bảo hộ quyền của công dân, Dự thảo Luật còn đặc biệt nhấn mạnh nghĩa vụ của Nhà nước trong bảo vệ nhà báo - người thực hiện chức năng truyền tải thông tin và giám sát xã hội. Cụ thể, quy định rằng: “Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ” thể hiện sự cam kết pháp lý trong việc bảo đảm an toàn, quyền hành nghề và quyền được bảo vệ pháp lý của người làm báo.
Điều này là hoàn toàn cần thiết, bởi trong thực tiễn quốc tế và tại Việt Nam, nhiều nhà báo, phóng viên đã và đang phải đối mặt với các hành vi đe dọa, hành hung, cản trở tác nghiệp, thậm chí bị truy bức vì thực hiện nghĩa vụ đưa tin trung thực về các vấn đề công chúng quan tâm. Theo báo cáo thường niên của Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), năm 2023 có tới 570 nhà báo bị bắt giữ và gần 100 người bị tấn công thể chất khi tác nghiệp [17]. Tình trạng này đòi hỏi Nhà nước không chỉ “bảo vệ quyền báo chí” trong văn bản luật, mà còn phải thiết lập các cơ chế pháp lý, hành chính và tư pháp để bảo vệ người thực hành quyền đó trong thực tiễn.
Việc luật hóa nghĩa vụ bảo hộ nhà báo cũng có ý nghĩa củng cố “quyền tiếp cận thông tin” của toàn xã hội - một quyền được khẳng định trong cả Hiến pháp (Điều 25) và nhiều văn kiện quốc tế như Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc (UNCAC), bởi vì nếu nhà báo không được bảo vệ thì thông tin sẽ bị bóp méo, thao túng và người dân sẽ không thể tiếp cận được thông tin chính xác, khách quan.
Bên cạnh đó, để bảo đảm hiệu lực thực tiễn, cần thiết phải đi kèm với cơ chế xử lý nghiêm các hành vi đe dọa nhà báo; đồng thời, khuyến khích các thiết chế nghề nghiệp như Hội Nhà báo Việt Nam, các tổ chức bảo vệ nhân quyền, thanh tra báo chí phát huy vai trò giám sát độc lập, phản biện xã hội và bảo vệ đồng nghiệp trong quá trình tác nghiệp.
Một số kiến nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trong Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi)
Việc Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) năm 2025 mở rộng và cụ thể hóa quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận cho công dân là bước tiến thể chế có ý nghĩa chiến lược trong việc đảm bảo quyền con người trong nhà nước pháp quyền XHCN. Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu lực thực thi, hạn chế xung đột lợi ích và lạm dụng quyền trong thực tiễn, đồng thời phát huy đầy đủ giá trị của các quyền đã được luật định, cần tiếp tục hoàn thiện các thiết kế pháp lý theo hướng sâu hơn, chặt chẽ hơn và hài hòa hơn với chuẩn mực quốc tế về quyền con người. Dưới đây là một số kiến nghị cụ thể.
Cụ thể hóa điều kiện pháp lý của quyền liên kết giữa công dân và cơ quan báo chí: minh bạch hóa quyền năng - kiểm soát rủi ro lạm dụng
Việc lần đầu tiên thừa nhận quyền “liên kết với cơ quan báo chí để thực hiện sản phẩm báo chí” là một bước đột phá, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức quản trị pháp lý. Nếu không có quy định chi tiết về điều kiện, quy trình, nội dung và giới hạn của mối quan hệ “liên kết”, sẽ rất dễ phát sinh tình trạng lợi dụng danh nghĩa liên kết để sản xuất thông tin không chính thống, thậm chí sai lệch, xuyên tạc sự thật, xâm hại lợi ích công cộng hoặc quyền cá nhân. Trong thực tiễn, không ít trường hợp hợp tác trá hình giữa các cá nhân không đủ điều kiện hành nghề báo chí với các đơn vị truyền thông thiếu chuẩn mực đã tạo ra những sản phẩm thông tin vi phạm pháp luật, làm tổn hại nghiêm trọng đến lòng tin của công chúng vào báo chí chân chính [18].
Do đó, cần thiết phải:
- Quy định rõ điều kiện của cá nhân, tổ chức được phép liên kết (ví dụ: phải có năng lực chuyên môn, không vi phạm pháp luật, tuân thủ quy tắc đạo đức báo chí).
- Cụ thể hóa trách nhiệm pháp lý giữa bên liên kết và cơ quan báo chí trong từng giai đoạn sản xuất - biên tập - phát hành thông tin.
- Áp dụng cơ chế công khai minh bạch nội dung liên kết và giám sát chéo giữa các cơ quan quản lý báo chí - tổ chức nghề nghiệp - công chúng.
Việc thiết kế quy phạm theo hướng “liên kết có điều kiện, có giám sát, có trách nhiệm” là điều kiện tiên quyết để bảo vệ môi trường thông tin lành mạnh, đồng thời không triệt tiêu quyền sáng tạo của công dân.
Thiết lập cơ chế phản hồi bắt buộc đối với quyền kiến nghị - khiếu nại - tố cáo: phòng ngừa hiện tượng “im lặng có tổ chức”
Việc công dân được trao quyền kiến nghị, khiếu nại, tố cáo thông qua báo chí là một bước phát triển từ quyền tự do biểu đạt cá nhân thành quyền giám sát xã hội có hiệu lực pháp lý. Tuy nhiên, nếu không đi kèm cơ chế phản hồi bắt buộc từ phía cơ quan công quyền và cơ quan báo chí, quyền này sẽ chỉ dừng lại ở mức “hữu danh vô thực”. Thực tiễn cho thấy, không ít trường hợp người dân gửi đơn thư, phản ánh thông tin qua báo chí nhưng không nhận được bất kỳ hồi đáp nào, dẫn đến mất lòng tin vào vai trò phản biện xã hội của báo chí và hiệu lực của quyền con người.
Vì vậy, luật cần:
- Thiết lập thời hạn phản hồi bắt buộc đối với các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí, tương tự quy định tại Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân.
- Quy định trách nhiệm pháp lý cụ thể của người đứng đầu cơ quan nhà nước nếu không thực hiện phản hồi đúng thời hạn.
- Cho phép báo chí giám sát, công khai danh sách các cơ quan “im lặng có tổ chức” như một hình thức chế tài xã hội.
- Cơ chế này vừa bảo đảm thực thi quyền phản biện, vừa là công cụ xây dựng chính quyền minh bạch - có trách nhiệm giải trình - tiếp thu ý kiến nhân dân.
Nâng cao trách nhiệm hỗ trợ công dân thực hiện quyền báo chí - từ pháp lý đến kỹ năng công dân thông tin
Một trong những thách thức lớn khi thực thi quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân chính là sự thiếu hụt kiến thức, kỹ năng, nhận thức và định hướng sử dụng quyền một cách có trách nhiệm, đúng luật. Phản biện xã hội không thể chỉ dừng lại ở việc “nêu ý kiến”, mà đòi hỏi người dân có khả năng xác lập luận điểm, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng rõ ràng, ngôn ngữ phù hợp, tôn trọng quyền người khác và mục tiêu công ích.
Do đó, cần nâng cao vai trò của cơ quan báo chí và tổ chức nhà nước trong:
- Hướng dẫn công dân thực hành quyền phản biện qua các chuyên mục truyền thông về giáo dục pháp luật, đạo đức công dân thông tin, kỹ năng truyền thông xã hội.
- Xây dựng bộ Quy tắc đạo đức phản biện công dân trong môi trường báo chí và truyền thông - tương tự các quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.
- Tổ chức các diễn đàn, cuộc thi, chuyên mục công dân phản biện trên báo chí chính thống, khuyến khích đối thoại thay vì cực đoan hóa ý kiến.
Việc đào tạo công dân thực hành quyền ngôn luận có trách nhiệm là điều kiện cốt lõi để đảm bảo tự do báo chí không trở thành vũ khí gây chia rẽ xã hội hoặc công cụ thao túng thông tin trong tay những nhóm lợi ích bất minh.
Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) không đơn thuần là bản cập nhật kỹ thuật luật pháp, mà là tuyên ngôn thể chế của một xã hội dân chủ hiện đại. Việc mở rộng và cụ thể hóa các quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận thể hiện sự tin tưởng vào vai trò của người dân trong quản trị quốc gia. Mỗi công dân là một chủ thể thông tin có trách nhiệm. Và mỗi cơ quan công quyền phải học cách lắng nghe trong kỷ nguyên truyền thông tương tác. Đây là bước đi quan trọng để báo chí thực sự trở thành “diễn đàn của Nhân dân”, như Đảng ta đã khẳng định từ Đại hội XII đến nay.
Tài liệu tham khảo, trích dẫn:
[1] Quốc hội (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013.
[2] Liên hợp quốc (1966), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR).[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[4] United Nations (1966), International Covenant on Civil and Political Rights (ICCPR).[5] UNESCO (2014), World Trends in Freedom of Expression and Media Development - Global Report.
[6] OHCHR (2013), General Comment No. 34: Freedoms of opinion and expression.
[7] Barendt, E (2005). Freedom of Speech. Oxford University Press.
[8] United Nations (1966), International Covenant on Civil and Political Rights (ICCPR), Article 19.
[9] UNESCO (2019), Journalism, ‘Fake News’ and Disinformation: A Handbook for Journalism Education and Training.
[10] European Court of Human Rights (2023), Case Law on Freedom of Expression under Article 10 of the ECHR.
[11] UN Human Rights Committee (2011), General Comment No. 34: Freedoms of opinion and expression (CCPR/C/GC/34).
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[13] Servaes, J (2008), Communication for Development and Social Change, SAGE Publications.
[14] United Nations Human Rights Committee (1981), General Comment No. 3 on Article 2, ICCPR.
[15] UNESCO (1991), The Windhoek Declaration for the Development of a Free, Independent and Pluralistic Press.
[16] European Court of Human Rights (1976), Handyside v. The United Kingdom, Application No. 5493/72.
[17] Reporters Without Borders (2023), Annual Press Freedom Index and Violations Report.
[18] Human Rights Council (2022), Report of the Special Rapporteur on the promotion and protection of the right to freedom of opinion and expression.
[19] OSCE (2020). Guidelines on the Legal Framework for Freedom of Expression.
[20] Quốc hội (2011, 2018), Luật Khiếu nại 2011, Luật Tố cáo 2018.
[21] UNDP (2023), Media and Civic Space in the Digital Age: Democratic Innovations and Regulatory Challenges.
LÊ HÙNG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh