/ Góc nhìn
/ Nỗi niềm Luật sư: Mừng và lo

Nỗi niềm Luật sư: Mừng và lo

05/03/2021 09:05 |

(LSVN) - Việc "làm khó" Luật sư là câu chuyện không mới nhưng tiếc rằng chưa bao giờ nó là câu chuyện cũ. Thường xuyên và khá phổ biến là việc Luật sư tiếp cận thân chủ mình trong trại giam để làm việc, ngoài cái chuyện yêu cầu phải có đủ các loại giấy tờ ra thì còn những vấn đề "tế nhị" khác nữa.

Ngay những ngày đầu tiên của năm mới Tân Sửu đã xảy ra những sự việc khiến chúng ta vừa mừng vừa lo. Đó là câu chuyện Liên đoàn Luật sư Việt Nam phải có công văn can thiệp đối với một Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện vì việc ngăn trở Luật sư thực hiện công việc tác nghiệp theo đúng những quy định pháp luật. Mừng vì tổ chức nghề nghiệp lên tiếng bảo vệ quyền hành nghề chính đáng của các thành viên của mình. Lo, bởi những việc cản trở hoạt động nghề nghiệp của Luật sư vẫn diễn ra ở đâu đó, khá phổ biến, bất chấp những quy định của pháp luật.

Việc "làm khó" Luật sư là câu chuyện không mới nhưng tiếc rằng chưa bao giờ nó là câu chuyện cũ. Thường xuyên và khá phổ biến là việc Luật sư tiếp cận thân chủ mình trong trại giam để làm việc, ngoài cái chuyện yêu cầu phải có đủ các loại giấy tờ ra thì còn những vấn đề "tế nhị" khác nữa. Luật sư phải đi lại nhiều lần mới đi qua được cánh cửa trại giam, có khi đến phút cuối cùng rồi thì thân chủ lại "từ chối Luật sư". Việc tiếp cận hồ sơ cũng gặp không ít khó khăn, kể cả ở Tòa án cũng như Viện kiểm sát, thậm chí muốn sao chụp lại cũng không được, Luật sư tốn nhiều công sức, thời gian, đi lại cho cái việc lẽ ra hết sức dễ dàng này. Tất nhiên, không phải là tất cả nơi nào cũng đối xử với Luật sư như vậy nhưng không ít những trường hợp như thế đã xảy ra theo ý muốn chủ quan của người tiến hành tố tụng dường như muốn thử thách sự kiên nhẫn và chịu đựng của những người hành nghề Luật sư.

Cũng phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, các cơ quan của Viện KSND đã có những chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây trong việc tạo điều kiện tốt nhất cho Luật sư làm việc hoặc tôn trọng ý kiến của Luật sư khi tranh tụng tại các phiên tòa. Mặt khác, việc ứng xử với công dân cũng vậy, mới đây, Thanh tra của Viện KSND tối cao đã tiếp thu ý kiến phản ảnh của một công dân Thủ đô khi bị một cơ quan Viện kiểm sát đối xử bất công, đã làm rõ sự việc, xác minh những tố cáo của công dân đó là đúng, yêu cầu các cán bộ kiểm sát ở cơ quan đó chấn chỉnh tác phong làm việc của mình. Điều này được ghi nhận như một sự chuyển biến tích cực trong ngành Kiểm sát và hẳn là với các Luật sư cũng phải được đối xử như vậy.

Giới Luật sư đã rất mừng khi khâu tranh tụng được coi là mũi nhọn đột phá trong cải cách tư pháp và cũng rất lo là phải làm sao đáp ứng được điều đó. Vị thế của Luật sư được nâng cao là do các quy định của pháp luật và yêu cầu của cải cách tư pháp với mục đích hướng tới một nền tư pháp công minh của một nhà nước pháp quyền XHCN. Hoạt động nghề nghiệp của Luật sư được tôn trọng thì đó là động thái tích cực để duy trì vị trí không thể thiếu trong hoạt động tố tụng. Đơn giản, không có Luật sư thì không có tranh tụng, bởi tranh tụng với ai, ngoài Luật sư?   

NHỊ NGỌC

Một số vấn đề pháp lý liên quan đến vụ hai xe Mercedes E300 trùng biển số

Lê Minh Hoàng