(LSVN) - Cơ quan điều tra sẽ xác định tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, người nào sử dụng biển giả có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến vụ việc ngày 28/02, hình ảnh từ mạng xã hội cho thấy 2 ôtô hiệu Mercedes E300 màu đen cùng biển số 30E-488… chạy ở quận Hà Đông, Hà Nội. Sau khi nhận được thông tin, Công an quận Hà Đông đã triệu tập những người được cho là chủ phương tiện đến trụ sở Công an phường Vạn Phúc để làm rõ biển số nào là giả.
Trao đổi với báo chí, Trung tá Phạm Việt Công, Trưởng phòng Phòng Hướng dẫn, đăng ký và kiểm định phương tiện (Cục Cảnh sát giao thông) cho biết: "Hiện nay, đơn vị đã xác định được chủ nhân thực sự của 1 trong 2 chiếc xe cùng chung 1 biển kiểm soát 30E-488... lưu thông trên đường phố Hà Nội".
"Biển số 30E-488... trong hệ thống đăng ký là của ô tô Mercedes Benz sản xuất năm 2011, đăng ký lần đầu vào tháng 3/2012, chủ sở hữu ban đầu đứng trong giấy đăng ký là của một Công ty có địa chỉ tại TP. Hà Nội. Tuy nhiên, chủ sở hữu đã được thay đổi chuyển quyền sở hữu cho anh Nguyễn Anh D. (SN:1965, trú Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) đang đứng tên hợp pháp", Trung tá Công cho biết thêm.
Hiện nay, Công an phường Vạn Phúc, quận Hà Đông (Hà Nội) đã tạm giữ 2 xe ô tô Mercedes Benz cùng mang biển kiểm soát 30E-488... để phục vụ công tác điều tra.
Qua đấu tranh, xác minh bước đầu cho thấy, một trong hai chủ xe chưa xuất trình được giấy tờ pháp lý liên quan đến việc đăng ký biển kiểm soát cho chiếc xe Mercedes E300 theo quy định pháp luật.
Vụ việc khiến cho nhiều người tỏ ra lo ngại trong bối cảnh cơ quan chức năng ứng dụng công nghệ vào xử lý vi phạm giao thông qua hình ảnh, chủ xe biển thật có nguy cơ bị phạt oan bởi lỗi do người dùng biển số giả gây ra.
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về một số vấn đề pháp lý xung quanh vụ việc này, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, Thông tư 58/2020/TT-BCA ngày 16/6/2020 của Bộ Công an quy định, chỉ có Cục CSGT, Phòng CSGT, Công an cấp huyện được phân cấp công tác đăng ký xe thực hiện đăng ký, cấp biển số xe. Như vậy, chủ xe chỉ được cấp biển số tại cơ quan đăng ký xe. Tuy nhiên, thay vì đến các cơ quan đã được quy định, một số đối tượng lại tìm mua biển số giả trên thị trường với nhiều mục đích khác nhau.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.
Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt:
- Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) khi tham gia giao thông có hành vi gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp, hoặc gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe.
Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 8 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ôtô thực hiện hành vi gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp (kể cả rơ-moóc và sơmi rơ-moóc) tham gia giao thông.
- Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không phải là biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền sản xuất, hoặc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với cá nhân, từ 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi sản xuất biển số trái phép.
“Trong trường hợp này nếu một trong hai xe có hành vi làm giả biển số biển số xe thì chỉ tạm giữ xe của tổ chức, cá nhân nào có hành vi vi vi phạm hành chính, không được tạm giữ xe của tổ chức, cá nhân không có hành vi vi phạm”, Luật sư Diệp Năng Bình nói.
Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết thêm: "Theo pháp luật Việt Nam, xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, đặc biệt nghiêm cấm hành vi sản xuất, sử dụng hoặc mua, bán trao đổi biển số xe cơ giới, xe máy. Nếu ai dùng biển số của xe khác lên xe của mình thì sẽ bị tội sử dụng biển số giả. Cơ quan điều tra sẽ xác định tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, người nào sử dụng biển giả có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật".
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc chủ xe sử dụng biển số xe giả với mục đích gì, chiếc xe sử dụng biển giả có giấy tờ hải quan hay không, có phải là tài sản do phạm tội mà có hay không?
Nếu cơ quan chức năng phát hiện được chiếc xe nào gắn biển số không đúng với biển số ghi trên giấy đăng ký xe hoặc biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp, chủ xe đó có thể bị xử phạt hành chính với số tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng theo quy định tại Điều 17, Nghị định 100 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Đặc biệt, biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ đóng dấu quốc huy giả và việc này được xác định là hành vi làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức. Theo Luật sư Đặng Văn Cường, đối với người biết rõ đây là con dấu giả nhưng vẫn sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức". Người nào phạm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức có thể bị phạt cao nhất đến 7 năm tù.
Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức 1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; e) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. |
THANH THANH
Vụ giao cấu trẻ em 'liên tỉnh': Luật sư kiến nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung