Oai uy và thú tiêu khiển của Tổng trấn Lê Văn Duyệt

14/04/2018 19:39 | 6 năm trước

LSVNO - Trong những vị khai quốc công thần nhà Nguyễn, Lê Văn Duyệt (1764 - 1832) chiếm vị trí trang trọng trong sử của vương triều gốc Gia Miêu ngoại trang (đất Hà Trung, Thanh Hóa) và dấu ấn...

LSVNO - Trong những vị khai quốc công thần nhà Nguyễn, Lê Văn Duyệt (1764 - 1832) chiếm vị trí trang trọng trong sử của vương triều gốc Gia Miêu ngoại trang (đất Hà Trung, Thanh Hóa) và dấu ấn của ông lúc đương thời cũng như sau khi mất, thật đậm nét. Ở phạm vi bài biên khảo này, chúng tôi giới hạn tìm hiểu về oai uy của vị Tổng trấn cùng thú tiêu khiển của ông lúc sinh thời khi trấn trị vùng đất phương Nam.

Về Gia Định thành và Tổng trấn Gia Định thành

Khi quốc thái dân an, đất nước nối liền một dải từ Đồng Văn cho đến chót mũi Cà Mau, công thần họ Lê vẫn tiếp tục thi thố tài năng của mình ở thời trị bình. Bởi thế, trong Quốc sử ngâm có ghi:

Đặt quan tổng trấn hai miền,

Bắc Thành, Gia Định thay quyền giúp vua[1].

Ở đây, ta nên lược qua một chút về Gia Định thành. Sau khi lên ngôi vua, Gia Long đã chia đất nước thành 23 trấn và 4 doanh. Trong đó Bắc thành gồm có 11 trấn tính từ Thanh Hóa trở ra Bắc. Ở khúc giữa của đất nước, tức miền Trung, vua trực tiếp cai quản, còn trong Nam, đặt Gia Định thành gồm có 5 trấn là Phiên An (Gia Định), Biên Hòa, Vĩnh Thanh (Vĩnh Long, An Giang), Vĩnh Tường và Hà Tiên. Tổng trấn là chức quan cao cấp cai trị Bắc thành và Gia Định thành[2]. Theo PGS.TS Choi Byung Wook (Đại học Inha, Hàn Quốc) thì Tổng trấn có nghĩa là “cai trị tất cả các trấn”[3].

Đúng như nhận xét của nhà nghiên cứu Huỳnh Minh “trong hàng Tổng trấn thành Gia Định khi xưa, nổi tiếng nhất là Tả quân Lê Văn Duyệt”[4]. Tính ra, trong 24 năm tồn tại của Gia Định thành, có 3 quan tổng trấn, thì Lê Văn Duyệt hai lần làm Tổng trấn Gia Định thành, chẵn là 18 năm và ông là vị Tổng trấn để lại dấu ấn tốt đẹp, công nghiệp rạng ngời nơi đất này cùng lòng ngưỡng vọng, biết ơn của cư dân Nam Bộ. Theo đó, năm Nhâm Thân (1812), nhân giải quyết quan hệ Xiêm - Chân Lạp, ông làm Tổng trấn thành Gia Định lần thứ nhất, “vua dụ cho Duyệt biết việc xử lý Xiêm, Lạp, lập tức sai Duyệt ra lĩnh Gia Định Tổng trấn, lại kiêm lĩnh cả hai trấn Bình Thuận, Hà Tiên”[5]. Ấy là ở thời vua khai mở triều đại Gia Long.

Lần thứ hai ông lĩnh chức này nhằm năm đầu trị vì của vua Minh Mạng. Vẫn theo Liệt truyện chép: “Minh Mạng năm thứ nhất (1820) tháng 5, Duyệt ra lĩnh Tổng trấn Gia Định thành, tất cả các việc thăng giáng quan lại, dấy lợi trừ hại, việc thành, mưu kế ngoài biên, đều được tiện nghi làm việc”[6]. Vậy là hai lần làm Tổng trấn Gia Định thành của Lê Văn Duyệt tương ứng quãng thời gian 1813-1816 và 1820-1832.

Oai uy của vị Tổng trấn Gia Định thành

 

Cổng lăng Tả quân Lê Văn Duyệt. Nguồn: Internet

Với vua: Việc đặt ra vấn đề oai uy của vị Tổng trấn họ Lê với vua Nguyễn, xét theo đạo lý Nho học, thật không hợp lẽ. Nhưng nhìn vào thực tế, nhất là với vua Minh Mạng, thì ta không thể phủ nhận điều này. Thời vua Gia Long trị vì, vị Tổng trấn tiếp nối công nghiệp đã lập khi phò vua dựng nghiệp, nêu được đức tốt, lập nhiều chiến công, được vua trọng dụng, tin cẩn. Sang thời vua Minh Mạng, có lẽ giữa vua trẻ và vị trọng thần không được hợp ý (Lê Văn Duyệt trước đó ủng hộ con hoàng tử Cảnh làm vua chứ không ủng hộ hoàng tử Đảm, tức Minh Mạng), nên sau này Liệt truyện khi chép tiểu sử họ Lê có phê “Duyệt là huân cựu đại thần, được dự nhận lời vua dặn lại, triều đình dựa làm trọng. Nhưng tính táo nóng, suất lược, lúc chầu vua nói năng nhiều khi không theo lễ độ. Vua cũng tha thứ cho”[7].

Trong một số trường hợp, thậm chí vị quan cai trị đất phương Nam còn ngược ý vua. Bằng chứng là nếu vua Minh Mạng tỏ ý, và không chỉ thế, tiến tới hành động là cấm đạo Thiên chúa, thì Lê Văn Duyệt ngược lại, vẫn hết sức bênh vực cho người Pháp cũng như Thiên chúa giáo. Trong thâm tâm của ông, đó là những người đã có công giúp vua Gia Long dựng nghiệp đế trong cuộc chiến khốc liệt một mất một còn với anh em nhà Tây Sơn.

Là vị quan cao cấp trấn trị vùng đất rộng lớn Gia Định thành, ở một mức độ nào đó mà nhìn nhận, với quyền lực và công lao của mình, bộ máy cai trị Gia Định thành của Tổng trấn Lê Văn Duyệt ít nhiều có tính chất như một chính quyền địa phương. Ở đó, vị Tổng trấn nắm độc quyền cai quản đất Nam Bộ, có quyền tiền trảm hậu tấu, một việc làm mà theo thông lệ nếu liên quan đến sinh mạng con người, luôn phải tâu lên vua để có quyết định cuối cùng. Theo nghiên cứu của Choi Byung Wook, ta thấy họ Lê có quyền chỉ định, bãi miễn quan lại địa phương, và ở mức độ nào đó, đội ngũ quan chức này sẽ có mối liên hệ chặt chẽ, phụ thuộc vào Tổng trấn hơn là vào chính quyền trung ương.

Có lẽ một phần do quyền hành của Tổng trấn Gia Định thành quá lớn, có nguy cơ trở thành một thế lực địa phương phân ly, không phụ thuộc sự chi phối của triều đình, mà gương nhãn tiền là Lê Văn Duyệt, nên ngay sau khi vị Tổng trấn họ Lê mất không lâu, vua Minh Mạng “bèn bỏ chức phận quan ấy đi, và chia xứ Nam Kỳ ra làm sáu tỉnh phân biệt nhau mà cho sáu quan tỉnh trị”[8]. Ý định của vua, không ngoài việc kiểm soát được vùng đất Nam Bộ càng nhiều càng tốt, để tạo nên được ý nghĩa đích thực của chế độ trung ương tập quyền mà khi Tổng trấn họ Lê còn sống, mong muốn ấy không thể thực hiện được.

Với đồng liêu: Đối với việc quân việc nước, bản tính của kẻ làm tướng được thể hiện rõ ở sự uy nghiêm hiếm kẻ bì kịp nơi Lê Văn Duyệt: “Tánh ngài ngay thẳng thanh bạch, hiệu lịnh nghiêm minh, các tướng sĩ và các quan không dám ngước mặt lên mà ngó ngài, mỗi khi nào ngài lại kính bái yết vua, thì các quan đại thần nội trào cả thảy đều sợ”[9]. Cái oai uy của Tả quân họ Lê, thật là hiếm có ở kẻ làm tướng. Nhất là khi thân lại là người đã tự cung từ nhỏ để làm thái giám.

Trong sự miêu tả về con người Lê Văn Duyệt, người ta tạo nên hình tượng ông là một vị quan cứng rắn và lạnh lùng. Bởi vậy mà trong mối quan hệ với các đồng liêu, ông luôn tạo nên một vị thế khiến họ e ngại ông, thậm chí có ý kiến cho rằng “những thuộc hạ và binh lính bình thường không thể trực tiếp nói chuyện với ông. Ngay cả đồng nghiệp cũng thường không dám gọi ông bởi vì ông quá cứng rắn, lạnh lùng”[10]. Những ý kiến này chỉ càng làm cho thấy rằng, rõ ràng là giữa chốn miếu đường, dù thân đi lên từ một hoạn quan, nhưng Lê Văn Duyệt luôn tạo nên được một vị thế khác biệt so với những quan đồng triều. Ngay cả như Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành, dạo bôn ba cùng ông chinh chiến giúp Nguyễn Ánh, vì mời rượu ông trước lúc ra trận với lý do để cho thêm phần hăng hái, đã bị ông thẳng thừng từ chối và có ý chê về lòng can đảm, cho thấy ông không ngại việc đụng chạm tới đồng liêu.

Với lân bang: Giữ đất Gia Định thành rộng lớn cả vùng Nam Bộ, việc quan hệ bang giao với láng giềng như Xiêm La (Thái Lan), Cao Miên (Chân Lạp tức Campuchia) luôn phải hết sức uyển chuyển, lúc cương, lúc nhu và vị Tổng trấn họ Lê đã trị yên biên giới, khiến láng giềng luôn phải nể sợ.

Vốn Xiêm La từng bảo hộ Chân Lạp, rồi hậu thuẫn cho việc tranh đoạt cung đình nơi Cao Miên. Xiêm La thì ủng hộ Nặc Ông Nguyên, Ông Lam, Ông Đôn, còn Việt Nam thì ủng hộ Nặc Ông Chân. Năm Quý Dậu (1813), vị Tổng trấn họ Lê đích thân đem hơn một vạn quân hộ tống Nặc Ông Chân về nước. Xiêm La không dám kháng cự, phải rút quân khỏi Cao Miên. Dù vậy, họ còn “lưu luyến” nên để quan ở lại giữ tỉnh Battambang. Sau bị Lê Văn Duyệt gửi thư trách, phải rút về[11].

Riêng đối với người Miên thì khiếp sợ uy danh vị Tổng trấn. Cứ mỗi lần có loạn người Miên nổi lên là ông lại đem quân đi đánh dẹp. Còn với triều đình Cao Miên, thời nhà Nguyễn, quốc gia này nằm dưới sự bảo hộ của Việt Nam (sau đổi làm Đại Nam thời Minh Mạng) từ năm Đinh Mão (1807). Quan Tổng trấn Gia Định thành cũng kiêm luôn việc bảo hộ Cao Miên. Người Cao Miên xem ông là ông tướng trời. Chỉ riêng một việc dưới đây, đã tỏ rõ sức mạnh của ông với ngoại quốc như thế nào.

Vốn nằm dưới quyền bảo hộ của nước ta, nên dịp tết hàng năm, vua Miên sang Sài Gòn để mừng hoàng đế nước ta và mừng quan Tổng trấn. Ấy nhưng một sơ sót ngoại giao đã xảy ra khi vào hôm trước tết, vua Miên và tùy tùng đáng lẽ phải đến ngay dinh Tổng trấn ở Sài Gòn (khu vực quận 1), thì lại nghỉ qua đêm ở Chợ Lớn (khu vực quận 5). Thế là “Khoảng canh năm sáng sớm, giữa tiếng âm nhạc, ông Tổng trấn cử hành nghi lễ và không chờ đợi nhà vua. Lễ xong, nhà vua mới tới, liền bị phạt 3.000 quan không chút thương hại và buộc nộp ngay trước lúc về Cao Miên”[12]. Đến vua Miên còn chịu sự trừng phạt của quan Tổng trấn như thế, thì không sợ phục sao cho được.

Với dân: Sự cai trị của quan Tổng trấn họ Lê được dân Nam Bộ rất mực tin tưởng, ngưỡng mộ, bởi ngài được nhận xét là “đối với dân Nam thì ông tỏ ra tốt bụng, công bằng và không khoan nhượng”[13]; “trong khi cầm vận mệnh thành Gia Định, Lê vẫn luôn nghĩ đến tình dân vừa qua cơn binh lửa, nên hết sức mở mang trong xứ. Lòng người ai cũng kính phục. Uy chấn tứ phương”[14]. Có thể thấy qua những vụ việc cụ thể, ông đề cao quyền lợi của dân hơn hết thảy và sẵn sàng nghiêm trị những sự lấn quyền, lạm dụng chức vụ của cấp dưới mà làm nhiễu nhương, ảnh hưởng đến đời sống của dân. Thế nên ta sẽ không ngạc nhiên khi ông gần như ngay lập tức ra lệnh xử chém một viên thư lại trong dinh của ông chỉ vì hắn tự ý đặt tay lên tráp trầu của một chị bán hàng, làm cho chị tưởng bị cướp giật mà la lên. Viên thư lại bị bắt tức thì và Tổng trấn Lê Văn Duyệt ra lệnh trảm quyết ngay, không cần xét xử. Vụ xử tử ấy theo lời thuật, đã vang dội khắp đất Nam Bộ dạo đó[15]. Và hẳn là, tính nghiêm cẩn, coi trọng dân lành của quan họ Lê cũng như thái độ không dung túng cho kẻ dưới quyền khiến dân tình thêm ngưỡng mộ sự cai trị của ông.

Quyền hạn của vị quan Tổng trấn Gia Định thành có thể xem như một vị vương cai quản một nước nhỏ ở phương Đông, hay lãnh chúa cai trị một thành bang ở phương Tây. Vì về mặt quyền hành thì “Ông được toàn quyền, được trao phó đặc nhiệm, là nhà cai trị bất khả xâm phạm, được miễn trừ tội chết. Ông có quyền xử trảm và cho thi hành bản án trước khi xin chuẩn định của Bộ hình. Ông chỉ phải báo cáo theo thủ tục “tiền trảm hậu tấu”[16]. Dẫn chứng cho quyền hành cực lớn của vị Tổng trấn, cứ xem qua một số vụ việc ông thực hiện, ta sẽ thấy được oai quyền trấn trị của ông với dân Gia Định thành. Tỷ như có lần đi ra phố, quan Tổng trấn thấy tên ăn trộm đã nẫng được cuộn giấy vấn thuốc lá đang chạy thục mạng[17]. Ông liền lệnh cho quân lính đuổi theo bắt tên đạo chích kia, không cần tống giam hay xét xử, ông cho chém đầu công khai tên ăn trộm ngay tại chỗ. Đông đảo dân tình chứng kiến sự việc cũng phải kinh sợ trước sự nghiêm khắc của ông, còn những tên muốn đi theo vết xe đổ của kẻ vừa rơi đầu, hẳn phải hối mà bỏ nghề chôm chỉa.

Sau khi mất: Uy danh của Tổng trấn Lê Văn Duyệt còn trường tồn đến cả sau khi ông qua đời. Dẫu sau khi quan Tổng trấn quy tiên không lâu, đặc biệt là sau sự biến thành Phiên An (1833-1835) của Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng đã thi hành nhiều hình phạt lên nấm mồ và cả danh tiếng vị khai quốc công thần quá cố, nhưng các đời vua sau dần phục hồi lại phẩm tước và danh tiếng cho ông. Dân Gia Định thì coi ông như một vị thần đầy linh thiêng: “Ông được tôn thờ, được coi là một trong những vị thần quyền năng nhất trong các thần bản xứ. Bên cạnh lăng của ông ở Bình-Hòa, một trong những lăng lớn nhất đã được xây dựng, người ta cũng dựng lên một ngôi miếu để  những người sùng bái ông đến thờ cúng”[18]. Dĩ nhiên là trong miêu tả trên qua con mắt của người Pháp, họ chưa hiểu hoàn toàn sâu sắc về tín ngưỡng của người Việt, nên cụm từ “một trong những vị thần quyền năng nhất trong các thần bản xứ” ta có thể hiểu được phần thậm xưng.

Minh chứng cho sự ngưỡng vọng của dân đối với ông, đó là số người tham dự lễ hội tổ chức ở lăng ông luôn đến hàng chục vạn. Trong số đó, người Hoa đi lễ chiếm khoảng 50%, “người Hoa coi ông như một vị phúc thần mà lúc sinh thời làm Tổng trấn đã có nhiều chủ trương, chính sách nâng đỡ họ, tạo điều kiện cho họ an cư lạc nghiệp”[19]. Nhưng không chỉ có thế, lăng Ông Bà Chiểu sau này, còn là nơi phân giải đúng sai cho những vụ tranh chấp. Nhiều giai thoại truyền lại luôn tỏ ra sự linh thiêng, công bằng cho các vụ phán xử đó: “Lại có nhiều khi, người mình có ức hiếp điều chi, thì thường thách nhau vô lăng Ông thề; ấy là lăng của quan Tả quân vậy; bởi lúc ngài còn sống là một vị trung quân ái quốc, đến chết thì hiển thánh thành thần”[20].

Thú tiêu khiển đầy sức mạnh

Vị Tổng trấn dành một phần đời mình trên mình voi, lưng ngựa để tham gia những trận chiến sinh tử, góp phần dựng nên cơ nghiệp cho vua Gia Long (Nguyễn Ánh). Nhưng ngoài những lúc bận bịu với việc công, ông cũng dành cho bản thân những giờ phút hiếm hoi để tiêu khiển, như một thú vui riêng để giải tỏa những áp lực công việc.

Thú vui của ông, cũng đầy tính chiến đấu, mà lại có phần quyết liệt nữa. Điều ấy phần nào cho thấy ảnh hưởng của nghiệp cầm quân nơi vị Tổng trấn, mà cũng chất chứa đầy tinh thần thượng võ. Ấy là cho hổ đấu với voi, chọi gà: “Ông đã cho lập một thao trường để cho người, hổ và voi vật lộn nhau. Ông còn ưa các cuộc chọi gà”[21]. Những trò tiêu khiển ấy luôn tạo nên sự hồi hộp, gay cấn và căng thẳng đến phút cuối cùng. “Người ta kể lại rằng những con hổ ông nuôi để đấu vật đều sợ ông và tuân theo giọng nói của ông”[22]. Đó là một đoạn trích trong Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận khi nói về khả năng khuất phục động vật của Lê Văn Duyệt. Cái uy lực của quan Tổng trấn họ Lê có thể nói là lên đến đỉnh điểm, đến nỗi một loài vật hoang dã và cực kỳ dữ tợn, khó thuần phục như “ông ba mươi” mà cũng khiếp sợ khi đứng trước vị quan cai quản đất Nam Bộ này.

Về cái tài xem tướng gà của Lê Văn Duyệt xem ra cũng rất đáng nể. Có lẽ vì ham thích chọi gà mà ông trở nên rất giỏi xem tướng gà “coi chạn[23] gà định ăn thua hay lắm, mỗi khi ngài bước tới trường gà, thời mấy ông chủ kê đều mượn ngài coi, ngài coi rồi, định chạn ăn thua mười chạn không sai một, cho nên bữa nào có đá gà, thì ngài đều có đặn tiền thưởng nhiều ít”[24].

Riêng cái việc luyện voi của ông, đáng để người đời khâm phục, mà cũng phần nào thấy được sự uy dũng của ông trước loài vật to lớn mà chẳng hiền lành này, dù về mặt hình hài, so với sự đồ sộ của voi thì có vẻ lệch quá. Cứ xem sự miêu tả hình dáng của ngài thì rõ: “Hình dung nhỏ thó, thấp, vắn, có sức mạnh, tánh nết nhậm lẹ thông minh, gan ruột khí khái”[25]. Dẫu hình dung bé nhỏ, thấp lùn, nhưng bù lại khí chất hiếm ai bì kịp. Thế nên đoạn miêu tả dưới đây, xem ra có thể tin tưởng được lắm: “Những con voi bất trị nhất, đặc biệt trong thời kỳ muốn giao hợp, chỉ sợ một mình quan Tổng trấn. Voi lớn nhất và dữ nhất tên là voi Vinh; một khi nó nổi cơn điên thì tàn phá, lôi kéo, lật đổ tất cả những gì gặp trên lối đi qua. Khi được tin ấy, ông Tổng trấn lên một chiếc cáng trống trải, đến thẳng mặt chú voi khổng lồ, ông kêu tên nó và ra lệnh cho nó phải trở nên yên lặng. Voi ta như hiểu biết, nguôi giận tức thì”[26]. Chúng ta chú ý rằng, vốn loài voi đã hung hãn, dẫu được thuần phục, thì chất hoang dã vẫn không mất đi hẳn, nhất là voi được huấn luyện để chiến đấu với hổ, thì sự hung hăng vẫn còn đó. Vậy mà dù là con vật dữ nhất như voi Vinh, vẫn phải trở nên ngoan ngoãn trước ông.

Riêng những cuộc đấu giữa hổ và voi trong đó có cả sự tham gia mang tính trợ chiến của con người, độc giả nếu quan tâm, nên xem qua Hồi ký Huế (Souvenirs de Hué)[27] của Michel Đức Chaigneau, con trai của sĩ quan Pháp Jean Baptiste Chaigneau thời Gia Long, Minh Mạng, sẽ được tỏ tường hơn, và có thể, thêm cảm giác khiếp sợ nữa. Bạn đọc cũng chú ý cho, thời Minh Mạng, theo tường thuật của Michel Đức Chaigneau, thì ngoài quân đội và vua, các hoàng tử cũng được nuôi 1-2 con để sử dụng; vậy rõ là Tổng trấn họ Lê cũng có một đặc quyền không kém.

Bên cạnh những thú vui tạo cảm giác mạnh và đầy hồi hộp ấy, Lê Văn Duyệt còn có những thú tiêu khiển cũng rất văn nghệ, đậm chất phong lưu. Khi xây dựng cho bản thân một nhà nghỉ ở Bình Hòa thuộc khu đất có ngôi mộ của ông về sau (nay thuộc khu vực Bà Chiểu, quận Bình Thạnh), vị Tổng trấn ở nơi ấy còn có một khu vườn rộng lớn trải dài đến tận rạch Cầu Bông và rạch Thị Nghè: “Đây là nơi ông thích đến để nghỉ ngơi giữa hoa lá - vườn của vị quan này có những loại hoa rất hiếm, với bầy gà chọi (bầy gia cầm nổi tiếng trong vương quốc), bầy ngựa và các tài tử của ông”[28]. Các tài tử được nói tới ở đây là chỉ những nghệ sĩ hát tuồng, một bộ môn nghệ thuật giải trí ưa thích của vị Tổng trấn. Riêng việc thưởng ngoạn vườn hoa thì trong các sử liệu Việt lại không thấy đề cập tới. Về nghệ sĩ hát tuồng, quan Tổng trấn là người đích thân nuôi, bảo trợ cho họ và ngài cũng dựng rạp hát riêng. Theo ý kiến của Trương Vĩnh Ký, sân khấu dành cho những trò tiêu khiển trên được dựng ở ngoài cổ thành, mà ngày nay vị trí ấy nằm trên địa phận của Hội trường Thống Nhất (dinh Thống đốc xưa) và Trường THPT Lê Quý Đôn sát ngay cạnh (xưa là Trường Chasseloup Laubat) đều thuộc cung đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

---*---

Ths Trần Đình Ba

[1] Nguyễn Tống San (1939), Quốc sử ngâm, Iprimerie Thuy Ky, Hà Nội, tr. 38.

[2] Trần Trọng Kim (1971), Việt Nam sử lược, Quyển II, Trung tâm Học liệu, Sài Gòn, tr. 172.

[3] Choi Byung Wook (2011), Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng, Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr. 80.

[4] Huỳnh Minh (2006), Gia Định xưa, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 128.

[5] Quốc sử quán triều Nguyễn (1994), Đại Nam liệt truyện, tập II, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 382 - 383.

[6] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập II, Sđd, tr. 391.

[7] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập II, Sđd, tr. 396.

[8] Alfred Schreiner (Nguyễn Văn Nhàn dịch) (1905), Đại Nam quốc lược sử, Sài Gòn, tr. 205-206.

[9] Nguyễn Liên Phong (2013), Điếu cổ hạ kim thi tập, Nxb. Văn hóa Văn nghệ, thành phố Hồ Chí Minh, tr. 55.

[10] Choi Byung Wook, Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng, Sđd, tr. 93.

[11] Nhật Nham, “Tả quân Lê Văn Duyệt”, Tri Tân tạp chí, số 28, ngày 19/12/1941, tr. 12-13.

[12] Trương Vĩnh Ký (Nguyễn Đình Đầu dịch) (1997), Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận (Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs), Nxb. Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, tr. 31.

[13] Trương Vĩnh Ký (Nguyễn Đình Đầu dịch), Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận (Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs), Sđd, tr. 10.

[14] Nhật Nham, “Tả quân Lê Văn Duyệt”, Tlđd, tr. 12.

[15] Trương Vĩnh Ký (Nguyễn Đình Đầu dịch), Ký ức lịch sử về Sài Gòn và vùng phụ cận (Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs), Sđd, tr. 31.

[16] Trương Vĩnh Ký (Nguyễn Đình Đầu dịch), Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận (Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs), Sđd, tr. 10.

[17] Nguyễn Văn Trung (2015), Hồ sơ về Lục châu học - Tìm hiểu con người ở vùng đất mới dựa vào tài liệu văn, sử bằng quốc ngữ ở miền Nam từ 1865 - 1930, Nxb. Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, tr. 221.

[18] Hội Nghiên cứu Đông Dương (Nguyễn Nghị, Nguyễn Thanh Long dịch) (2017), Chuyên khảo về tỉnh Gia Định, Nxb. Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, tr. 150.

[19] Thạch Phương, Lê Trung Hoa chủ biên (2008), Từ điển Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, tr. 838.

[20] Vương Quang (1928), Việt Nam danh tướng yếu mục, Imprimerie Thạch Thị Mau, Sài Gòn, tr. 5.

[21] Trương Vĩnh Ký (Nguyễn Đình Đầu dịch), Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận (Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs), Sđd, tr. 11.

[22] Trương Vĩnh Ký (Nguyễn Đình Đầu dịch), Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận (Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs), Sđd, tr. 31.

[23] Cao Tự Thanh cho rằng chạn để chỉ vóc dáng bề ngoài. Còn Huỳnh Công Tín thì cho rằng đó là cỡ, xét ra cũng tương đồng. Xem Huỳnh Công Tín (2007), Từ điển từ ngữ Nam Bộ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 289.

[24] Nguyễn Liên Phong, Điếu cổ hạ kim thi tập, Sđd, tr. 50.

[25] Nguyễn Liên Phong, Điếu cổ hạ kim thi tập, Sđd, tr. 50.

[26] Trương Vĩnh Ký (Nguyễn Đình Đầu dịch), Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận (Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs), Sđd, tr. 31-32.

[27] Michel Đức Chaigneau (2011), Hồi ký Huế (Souvenirs de Hué), Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 82-87.

[28] Hội Nghiên cứu Đông Dương (Nguyễn Nghị, Nguyễn Thanh Long dịch), Chuyên khảo về tỉnh Gia Định, Sđd, tr. 150.