Ảnh minh họa.
Lại càng đáng mừng hơn, báo cáo tại Quốc hội mới đây của Chánh án TANDTC đã nhận định trong cả một nhiệm kỳ không để xảy ra một trường hợp hợp oan sai nào. Đó là một tiến bộ vượt bậc, có thể nói là không tưởng, kết quả của một nỗ lực rất lớn của ngành Tòa án.
Tuy nhiên, như chúng ta từng biết, oan sai không phải là một sớm, một chiều mà phát hiện ra ngay, phải trải qua một quá trình dài lâu và có những tình tiết bất ngờ xuất hiện (thủ phạm đích thực ra đầu thú chẳng hạn) hoặc do nỗ lực không mệt mỏi trên chặng đường khó khăn của luật sư đi tìm công lý. Nhiều trường hợp oan sai phải hàng chục năm mới "lộ diện", có trường hợp kéo dài đến hơn 40 năm như vụ án ở Tây Ninh vừa được minh oan và bồi thường mới đây là một ví dụ. Bởi vậy, khẳng định không có oan sai là hơi sớm, ở thời điểm này, chúng ta chỉ nên vui mừng có mức độ là chưa phát hiện được trường hợp oan sai nào trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua.
Nhân đây, cũng phải đề cập những trường hợp có dấu hiệu oan sai, đã phát hiện chứng cứ mới để minh oan hoặc chỉ ra những vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động tố tụng nhưng vẫn còn treo đó, bỏ lửng, gây bức xúc và hoài nghi rất lớn trong dư luận xã hội. Trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, có những đại biểu lên tiếng băn khoăn về những trường hợp đó, đặc biệt là với tử tù Hồ Duy Hải, sinh mạng của anh ta vẫn treo đó, chưa rõ số phận thế nào mặc dù sự quan tâm của xã hội rất lớn đối với vụ án này.
Nguyên tắc "suy đoán vô tội" dẫn tới một mệnh đề khác trong xét xử "thà bỏ lọt tội phạm còn hơn xử nhầm người". Vụ oan sai của anh Bùi Minh Lý vừa qua là một dẫn chứng sinh động và cũng đầy xót xa cho thân phận con người bị hàm oan, nuối tiếc và cả sự giận dữ nữa cho những người đã "bỏ quên" nguyên tắc này.
Dù sao, cũng chúc mừng ngành Tòa án đã hạn chế đến mức tối thiểu các vụ án oan sai và kỳ vọng sau này sẽ không phát hiện được vụ án oan sai nào trong 5 năm vừa qua!
NHỊ NGỌC