Anh Bùi Minh Lý (Long An) bị quy tội "Cướp giật tài sản", bị TAND quận Bình Thạnh (TP. HCM) tuyên phạt 3 năm tù giam và thực tế anh đã phải ở trong trại giam hơn 2 năm.
Tình cảnh của anh đúng là "cái ách giữa đàng quàng vào cổ", đang đi xe máy trên đường thì bị 2 người ép vào lề, đánh đập vu cho cướp giật và giao nộp Công an. Cỗ máy tố tụng cuốn anh vào mặc dù anh ra sức kêu oan và chẳng có chứng cứ gì cáo buộc anh phạm tội.
Giam giữ, hoàn tất kết luận điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm. Sau vài tháng bản án sơ thẩm bị hủy, tòa phúc thẩm đã chỉ ra rất nhiều điểm khiên cưỡng, áp đặt trong bản án này. Tuy nhiên, anh vẫn phải tiếp tục ở trong tù cho đến người ta không thể tìm ra chứng cứ xác đáng buộc tội anh. Ra tù, chỉ là tạm tha thôi nên anh phải đeo đẳng thân phận bị can một thời gian dài anh mới được xóa bỏ tư cách đó sau khi cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án.
"Phạm tội" vào tháng 01/2014, bị giam ngay, xét xử vào năm 2015, tam tha vào năm 2016 và mãi đến tháng 7 năm 2018 anh mới được xóa tư cách bị can. Và, cho dù cả một quá trình kêu oan dài cùng với Luật sư của mình nhưng cho đến hôm nay mới có một động thái từ Tòa án Bình Thạnh dự kiến sẽ tổ chức xin lỗi anh vào ngày 24 tháng 3 tới.
Hẳn là động thái trả lại danh dự công dân và sinh mạng pháp lý cho anh diễn ra sát vào ngày kỷ niệm thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là có chủ đích. Anh Bùi Minh Lý lúc bị bắt là Bí thư chi đoàn, Ấp đội trưởng, đảng viên dự bị và khi vướng vào vòng lao lý không ai để ý đến nhân thân tốt của anh, tất cả đã bị sổ toẹt cả quá khứ lẫn tương lai, giờ thì anh trở thành người phụ hồ lam lũ, đó không phải con đường anh đã chọn!
Ở vụ án oan sai này, bằng "mắt thường" cũng nhận thấy tất cả những nguyên tắc tố tụng bị phớt lờ như trọng chứng, khách quan, công minh, suy đoán vô tội,... và những lời kêu oan cũng như tiếng nói tranh tụng của Luật sư đều chìm vào vô vọng.
Trong đội ngũ cán bộ của chúng ta, kể cả cơ quan hành pháp và tư pháp vẫn có những người thờ ơ, vô trách nhiệm với công việc của mình, vô cảm với nỗi đau đồng loại và chính bộ phận "thoái hóa" này làm giảm đi đáng kể sức mạnh của bộ máy chính quyền và lòng tin của nhân dân vào bộ máy đó. Mới đây, trường hợp của Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi là một dẫn chứng điển hình về nạn nhân của sự vô cảm, vô trách nhiệm đó.
Ông là một quân nhân, là cán bộ của Ủy ban Thống nhất, ông tốt nghiệp bác sĩ mà không được hành nghề, không hộ khẩu, không cơ quan nào nhận làm việc, đơn giản là người ta đã làm "thất lạc" hồ sơ của ông. Khiếu nại 32 năm ròng rã, chịu đựng rất nhiều sự phi lý và bất công, cuối cùng khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thanh tra Chính phủ vào cuộc, chỉ 15 ngày sau mọi việc đã được giải quyết xong, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi được "trở lại làm người" khi ông đã ở ngưỡng cửa tuổi 70.
Chia vui cùng ông mà lòng đau xót quá!
NHỊ NGỌC