/ Góc nhìn
/ Phải tạo môi trường kinh doanh lành mạnh

Phải tạo môi trường kinh doanh lành mạnh

16/07/2022 11:12 |

(LSVN) - Một trong những chức năng và nhiệm vụ quan trọng của Bộ Công thương là tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh. Nghĩa là môi trường ấy đảm bảo được lợi ích hài hòa của nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội. Cạnh tranh trong kinh doanh tất yếu phải có nhưng trong một môi trường kinh doanh lành mạnh thì thủ đoạn chụp giật, câu kết, nâng giá, tạo khan hiếm giả, đầu cơ, móc túi người tiêu dùng,… sẽ bị hạn chế và loại trừ.

Ảnh minh họa.

Hiện tại, còn rất lâu xã hội ta mới đạt được một môi trường kinh doanh lành mạnh bởi trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh đều nhìn thấy sự thao túng giá cả từ bất động sản cho đến các mặt hàng thiết yếu, thịnh hành sự lừa dối khách hàng từ chất lượng sản phẩm cho đến những cam kết bảo hành.

Lẽ ra, Bộ Công thương nên tập trung vào việc điều hành và quản lý từ vĩ mô đến vi mô để có một môi trường kinh doanh lành mạnh, xử lý và tháo gỡ những vật cản, tạo ra một hành lang pháp lý thông thoáng cho thương trường và năng lực cạnh tranh, nhưng thực tế không như mong muốn, cơ quan quản lý đặt ra những quy định hoặc bất hợp lý hoặc không thể khả thi, làm khó cho người kinh doanh và cho cả người tiêu dùng như mới đây dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình thương mại là một ví dụ. 

Nhưng quy định này dựa trên một văn bản đã ban hành cách đây gần 20 năm thì đã là lạc hậu, đã rất cần một Nghị định mới thay thế để phù hợp với hiện tại. Tình hình đã thay đổi rất nhiều so với 20 năm trước khi các loại hình kinh doanh khác nhau “nở rộ” ở nước ta và cái cách buôn bán trong thời buổi 4.0 với sự trợ giúp của công nghệ thì cách quản lý cũng phải “4.0” chứ!

Những cái xem ra là vụn vặt như treo biển tên đúng quy định, như phân loại cửa hàng tiện ích với hiệu tạp hóa,… có lẽ là nó chẳng giúp gì cho việc thúc đẩy một một trường kinh doanh lành mạnh và nhà nước cũng chẳng thu thêm được đồng thuế nào. Nhưng vô lý nhất là dự thảo đưa ra cái quy định cửa hàng tiện ích chỉ được bán cho dân cư trong bán kính 500 mét. Hãy tưởng tượng khi quy định này thành hiện thực thì người tiêu dùng hẳn phải mang Sổ hộ khẩu theo, hoặc nhân viên cửa hàng phải kiểm tra Căn cước công dân khách hàng. Quan trọng nhất là cái quy định bất hợp lý này dù có thành bắt buộc thì cũng bất khả thi.

Cái dự thảo đó dù không tác động lớn đến môi trường kinh doanh của toàn xã hội nhưng nó thể hiện “cái tầm, cái tâm” của những người soạn thảo ra nó. Cứ quản lý và đưa ra quy định theo kiểu “ngực lép không được lái xe” hoặc “cao dưới 1,6m không được lái tàu” thì xã hội còn phải chờ đợi rất lâu mới có một môi trường kinh doanh lành mạnh!

NHỊ NGỌC

Cửa hàng tiện lợi bán cho khách phạm vi dưới 500m: Hạn chế quyền tự do lựa chọn sản phẩm, quyền tự do kinh doanh

Lê Minh Hoàng