Tại cuộc họp báo công bố luật do Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức ngày 28/02, báo chí đặt câu hỏi về việc có tiến hành sửa Hiến pháp và các luật liên quan không, khi thực hiện định hướng bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện) theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Theo đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận 126-KL/TW về một số nội dung tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện).

Ảnh minh họa.
Cùng với đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư định hướng xây dựng phương án tiếp tục sắp xếp cấp xã phù hợp với mô hình tổ chức mới, đề xuất tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cấp xã; định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Đi kèm với việc này, theo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan cần đề xuất chủ trương sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan, báo cáo Bộ Chính trị trong quý III/2025.
Liên quan đến vấn đề trên, tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy nhắc đến Luật Tổ chức chính quyền địa phương vừa sửa đổi có nhiều điểm mới.
Tuy nhiên, Luật vẫn đảm bảo phù hợp quy định tại Hiến pháp 2013. Theo đó, các đơn vị hành chính vẫn đang duy trì 3 cấp gồm: tỉnh, huyện, xã. Các quy định tổ chức HĐND, UBND, cấp chính quyền địa phương cũng đảm bảo phù hợp quy định của Hiến pháp.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, các quy định hiện nay tại luật cơ bản vẫn bám sát quy định Hiến pháp 2013.
Với Kết luận 126-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư vừa qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy cho biết, đã đặt ra yêu cầu mới, nhiệm vụ mới tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy, đặc biệt là địa phương, trong đó có định hướng nghiên cứu bỏ cấp huyện.
Nhấn mạnh kết quả nghiên cứu sẽ được báo cáo cấp có thẩm quyền, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho hay, nếu có chỉ đạo về việc triển khai sắp xếp bỏ cấp huyện, chắc chắn phải tính đến sửa Hiến pháp. Vì Điều 110 Hiến pháp đang nói rất rõ về hệ thống đơn vị hành chính của nước Việt Nam.
Điều 110 Hiến pháp 2013 quy định như sau:
1. Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau:
Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Tỉnh chia thành huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương;
Huyện chia thành xã, thị trấn; thị xã và thành phố thuộc tỉnh chia thành phường và xã; quận chia thành phường.
Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.
2. Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định.
Trong trường hợp sửa Hiến pháp, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, cần sửa quy định tại Điều 120 của Hiến pháp. Theo đó, trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc của 1/3 tổng số đại biểu thì Quốc hội quyết định có cần sửa Hiến pháp hay không. Nếu được 2/3 đại biểu Quốc hội đồng ý sẽ tiến hành sửa đổi. Quốc hội sẽ thành lập Ủy ban sửa đổi hoặc dự thảo Hiến pháp.
Ủy ban này sẽ nghiên cứu, soạn dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tổ chức lấy ý kiến nhân dân cả nước về nội dung sửa đổi Hiến pháp. Sau đó, sẽ báo cáo Quốc hội để thông qua các nội dung sửa đổi.
Cùng với sửa đổi Hiến pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy cũng cho rằng chắc chắn phải điều chỉnh các luật như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhất là nội dung liên quan cấp hành chính, chính quyền; điều chỉnh lại quyền hạn nhiệm vụ các cấp chính quyền từ 03 cấp sang 02 cấp. Đó là những vấn đề các cơ quan đang nghiên cứu. Khi nào có chỉ đạo, chủ trương chính thức sẽ thông tin đến báo chí.