Đo thân nhiệt trước khi vào làm việc - Ảnh: Thanh Tâm/Báo ND.
1. Thực tiễn vận dụng quy định pháp luật lao động
Công văn số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL ngày 25/3/2020 về việc hướng dẫn trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19, quy định:
Thứ nhất, cần xác định các trường hợp gây ra ngừng việc, do lỗi của NSDLĐ hay NLĐ hay do nguyên nhân khách quan, các trường hợp NLĐ phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 để xác định trả lương ngưng việc cho người lao động căn cứ vào quy định tại khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động 2012 (BLLĐ 2012) : “… tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định”. Đây là điều khoản hạn chế với NSDLĐ, tạo áp lực tài chính rất lớn trong lúc khó khăn, NSDLĐ phải chi trả tiền lương ngừng việc ít nhất bằng mức lương tối thiểu vùng trong khoảng thời gian ngưng việc. Điều khoản này được sửa đổi bổ sung tại khoản 3 Điều 99 Bộ luật lao động 2019 ( BLLĐ 2019), có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Điểm mới, NLĐ được chi trả tiền lương ngừng việc ít nhất là mức lương tối thiểu vùng trong 14 ngày ngưng việc đầu tiên, từ ngày thứ 15 thì NSDLĐ có thể thoả thuận chi trả TLNV thấp hơn.
Thứ hai, “đối với trường hợp DN gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới không bố trí đủ việc làm, người sử dụng lao động có thể tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 31 BLLĐ 2012; nếu thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 32 BLLĐ 2012; nếu doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lao động theo Điều 38 hoặc Điều 44 BLLĐ 2012”.
Dễ dàng thấy sự nôn nóng khi NSDLĐ, chủ yếu ở các DN, tập đoàn lớn, thuộc nhóm ngành ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh như vận chuyển hành khách, nhà hàng, khách sạn, đã vận dụng ngay Điều 32 BLLĐ 2012, NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động không hưởng lương (bản chất là ngưng việc không được trả lương). NSDLĐ đã không vận dụng các quy định pháp luật lao động về ngưng việc có trả TLNV hay chuyển NLĐ làm công việc khác trước khi ngưng việc không hưởng lương. Mỗi hình thức giao kết hợp đồng lao động phải có điều kiện đi kèm đối với NSDLĐ và NLĐ. Việc này nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của hai bên. Tuy nhiên, với hình thức thoả thuận tạm hoãn hợp đồng lao động không hưởng lương thì NLĐ không có quyền, lợi ích gì được quy định tại khoản 2, Điều 30, BLLĐ 2019 “Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác”.
Khi pháp luật lao động không quy định NSDLĐ vận dụng pháp luật lao động nào trước đối với NLĐ khi gặp khó khăn khách quan thì nên quay trở lại nguyên tắc giao kết hợp đồng quy định tại Điều 17 BLLĐ 2012, Điều 15 BLLĐ 2019 hay các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 Bộ luật dân sự 2015. Có thể thấy “nguyên tắc giao kết hợp hợp đồng lao động” hay “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự” là thống nhất: “Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực; tự do giao kết nhưng không được trái pháp luật, thoả ước lao động tập thể và đạo đức xã hội”. Chỉ khi nào NSDLĐ đảm bảo được các điều kiện trên thì mới có môi trường lao động văn minh và bền vững.
Một số kiến nghị
- NSDLĐ cần vận dụng triệt để, đúng quy định pháp luật tại khoản 3 Điều 99 BLLĐ 2019 khi Bộ luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 vì đây là điểm mới có lợi với DN.
- Nhà làm luật nên xem xét, cân bằng quyền, lợi ích và nghĩa vụ xã hội của NSDLĐ cũng như NLĐ, kéo dài thời hạn hơn 14 ngày quy định tại khoản 3 Điều 99 BLLĐ 2019. Theo quy định này, tiền lương ngừng việc được đảm bảo trong 14 ngày đầu ngưng việc chỉ mang tính tượng trưng, không đảm bảo cuộc sống NLĐ.
- Nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở để đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí. Bởi lẽ, ở rất nhiều DN, tổ chức này chỉ mang tính chất hình thức hoặc hoạt động rất yếu, không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ,
- Cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ các lí do viện dẫn, cách vận dụng quy định pháp luật lao động của NSDLĐ có trung thực, có bất lợi cho NLĐ hay không.
- NSDLĐ phải tạo mọi điều kiện phổ biến kiến thức pháp luật cho NLĐ thực hiện quyền của mình. NLĐ cần chủ động tìm hiểu, tham gia tích cực, không hình thức vào việc xây dựng Thoả ước lao động tập thể, các tổ chức công đoàn.
2. Thực tiễn về việc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH)
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, khái niệm bảo hiểm xã hội được quy định như sau: “Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội “.
Thứ nhất, khi NLĐ ngưng việc có hưởng lương, NSDLĐ và NLĐ cùng đóng BHXH bắt buộc, bao gồm các khoản: ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất, quy định tại khoản 6, Điều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 “Trong thời gian người lao động ngừng việc theo quy định của pháp luật về lao động mà vẫn được hưởng tiền lương thì NLĐ và NSDLĐ thực hiện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo mức tiền lương người lao động được hưởng trong thời gian ngừng việc”. Theo tác giả, đây là quy định pháp luật mang tính nhân văn, cân bằng được quyền và lợi ích hợp pháp ba bên giữa NSDLĐ, NLĐ và cơ quan quản lý Nhà nước.
Thứ hai, khi NLĐ ngưng việc không hưởng lương thì NLĐ có thể tham gia BHXH tự nguyện, bao gồm 2 khoản hưu trí, tử tuất. Hoặc NLĐ không cần tham gia BHXH quy định tại khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 “ Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH”. Quy định này là phù hợp với khoản 3 Điều 99 BLLĐ 2019. Tuy nhiên, có hiện tượng NLĐ bỏ mặc hoặc mang sổ BHXH đi cầm cố hoặc phát sinh một số đối tượng trục lợi khi mua bán sổ BHXH trái pháp luật gây áp lực lên quỹ BHXH. Hiện tượng này lâu dài tạo gánh nặng an sinh xã hội là tất yếu.
Thứ ba, NSDLĐ có thể tạm ngưng đóng BHXH khi NSDLĐ “gặp khó khăn” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 hay “khó khăn do dịch bệnh” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015. Khi thực hiện tạm ngưng đóng BHXH, thời hạn tối đa 12 tháng, sau đó NSDLĐ và NLĐ vẫn phải đóng bù khoản đã gia hạn quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 88, Luật BHXH 2014 “hết thời hạn tạm dừng đóng quy định tại điểm a khoản này, người sử dụng lao động và người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng, số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 của luật này”, và trong thời gian tạm hoãn này, NSDLĐ vẫn có nghĩa vụ đóng quỹ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại điểm a, điểm b khoản 3, Điều 16, Nghị định 115/2015/NĐ-CP:
“a) Thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo tháng và không quá 12 tháng. Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, NSDLĐ vẫn đóng vào quỹ ốm đau và thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. NSDLĐ và NLĐ đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí và tử tuất hoặc chấm dứt hợp đồng lao động thực hiện đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng để giải quyết chế độ cho NLĐ trong thời gian tạm dừng đóng.
b) Hết thời hạn tạm dừng đóng quy định tại điểm a khoản này, NSDLĐ và NLĐ tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng, số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật Bảo hiểm xã hội”.
Nhận định bản chất của việc tạm ngưng đóng BHXH của NSDLD chỉ là trì hoãn một phần phần đóng BHXH và vẫn phải đóng bù sau 12 tháng, vì vậy, việc NSDLĐ chọn phương án ngưng việc không hưởng lương đối với NLĐ là không tránh khỏi.
Một số kiến nghị
- Cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ, luật phải chế tài mạnh việc DN doanh nghiệp cố tình chây ỳ, trốn đóng, nợ đọng BHXH gây ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ và khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHXH.
- Mức xử phạt còn quá thấp so với số tiền mà doanh nghiệp chiếm dụng quỹ BHXH, hơn nữa các thủ tục để xử phạt còn rườm rà, kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh mức phạt và hình thức xử phạt các đơn vị vi phạm trong Luật BHXH, mức phạt ít nhất cũng phải lớn hơn lãi suất ngân hàng
- Giải quyết hiện tượng đóng vào quỹ BHXH của khối DN Nhà nước có tỉ lệ chênh lệch thấp hơn so với DN có vốn đầu tư nước ngoài, cần phổ biến, tuyên truyền và hiểu đúng bản chất, lợi ích của việc tham gia đóng BHXH cho cả NSDLĐ và NLĐ.
- Đưa việc thực hiện thu, nộp BHXH cho NLĐ là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm và bình xét thi đua, khen thưởng, công nhận các danh hiệu thi đua của các đơn vị.
TRẦN TRUNG THÀNH
(Theo Tạp chí Tòa án)