Ảnh minh họa.
Theo cổ luật Việt Nam, quan niệm giá thú là sự phối hợp, được hai bên gia đình và pháp luật công nhận, giữa một người đàn ông và một người đàn bà với mục đích tạo lập gia đình, sinh con đẻ cái để nối dõi tông đường và thờ phụng tổ tiên. Xét về tính chất, giá thú là một hành vi dân sự, đồng thời vừa là một hành vi trọng thể. Về bản chất pháp lý, đứng ở góc độ tạo lập, giá thú là một khế ước, nhưng đứng ở góc độ hiệu lực, thì giá thú là một chế định.
Vì giá thú là một loại chứng thư đặc biệt quan trọng đối với vợ, chồng và con cái, cũng như đối với gia tộc và xã hội, nên nhà làm luật đã giới hạn về những trường hợp có thể xin tiêu hủy giá thú và phân biệt: các trường hợp cấm chỉ đơn thường không làm cho giá thú bị vô hiệu, các trường hợp bị chế tài về những sự xâm phạm vào các điều kiện thiết yếu của giá thú.
Do đó, các sự chế tài về điều kiện giá thú có thể được chia ra làm 2 bậc:
Thứ nhất, trường hợp cấm đoán không tiêu hủy giá thú:
Đây là các trường hợp cấm chi đơn thường, không dẫn đến sự tiêu hủy giá thú. Trong các trường hợp cấm chỉ đơn thường, Luật Gia Long chỉ phạt trượng hay phạt roi, tùy theo trường hợp nặng hay nhẹ, còn đối với giá thú thì cũng vẫn được công nhận.
Chẳng hạn như theo Điều 98 Luật Gia Long, đối với giá thú được cử hành trong khi cư tang ông bà hay thân thuộc, không phải là cha mẹ, thì chỉ bị phạt 80 trượng, và không bắt vợ chồng phải ly dị.
Ở Điều 99 của Luật Gia Long quy định, trường hợp ông bà, cha mẹ phạm tội chết và đang bị giam ở trong tù mà con cháu làm giá thú thì bị phạt 80 trượng. Nếu là con trai lấy thiếp và con gái gả làm thiếp thì được cho giảm 2 bậc tội. Nhưng nêu ông bà cha mẹ đang ở trong tù mà ra lệnh cho phép việc gả cưới thì không bắt tội, nhưng trong khi cưới thì không được phép làm cỗ bàn linh đình, nếu làm trái thì sẽ bị phạt 80 trượng và luật không quy định là phải tiêu hủy giá thú.
Thứ hai, trường hợp cấm đoán buộc tiêu hủy giá thú:
Trong các trường hợp mà hai bên trai gái, hay đúng hơn là chủ hôn của hai bên nhà trai và nhà gái, đã vi phạm nghiêm trọng vào sự quy định của luật lệ, thì nhà làm luật sẽ không công nhận về sự hữu hiệu của các giá thú đã được cử hành. Đây là trường hợp các giá thú đã bị phân dị và bắt buộc phải tiêu hủy.
Chẳng hạn như Điều 96 Luật Gia Long quy định: "Nếu đã có vợ cả mà còn cưới vợ cả nữa thì phải phạt 90 trượng. Vợ cưới sau buộc phải ly dị và trả về cho tông tộc”.
Điều 100 của Luật Gia Long quy định: “Phàm cưới người cùng dòng họ thì chủ hôn và hai bên trai gái, mỗi người bị phạt 60 trượng và bắt phải ly dị, đối với phụ nữ thì trả về cho tông tộc, và tiền cưới được đem sung công".
Hoặc ở Điều 104 Luật Gia Long, nhà làm luật quy định: "Phàm phụ nữ phạm tội bị phát giác ra ở quan rồi mà lại chạy trốn ra bên ngoài, lại có người cưới làm vợ cả hay vợ lẽ thì nếu là có biết chuyện chạy trốn mà vẫn cưới thì bị xử y tội của người phụ nữ ấy. Nhưng đối với người phụ nữ kia thì bắt phải tăng thêm 2 bậc tội do lỗi đã chạy trốn, còn người cưới thì không phải tăng tội. Nếu đến tội chết thì được cho giảm đi 1 bậc và bắt phải ly dị”.
Tuy nhiên, những sự tiêu hủy giá thú này chỉ có hiệu lực trong tương lai, và không mang tính chất hồi tố. Nhưng nếu ở pháp luật hiện đại, sự tiêu hủy về giá thú bất hợp pháp đã mang tính chất hiệu lực về hồi tố, tức là người ta xem như các giá thú ấy không hề có trong quá khứ lẫn trong tương lai, và do đó nó không thể phát xuất ra được một hiệu lực gì trong quá khứ lẫn trong tương lai, thì ở Luật Gia Long, người ta đã chấp nhận một giải pháp có tính sát hợp với thực tế hơn là bắt hai vợ chồng phải “phân dị", nghĩa là phải chia lìa nhau từ đây, cho nên nó chỉ có hiệu lực thuộc về tương lai mà thôi.
Nói chung, trong mọi trường hợp, đối với cổ luật, các hiệu lực của một giá thú bất hợp pháp vẫn được tồn tại và duy trì trong quá khứ. Sự phân dị chỉ phát sinh hiệu lực trong tương lai. Và như vậy, sự tiêu hủy giá thú trong cổ luật đã được đồng hóa với trường hợp ly hôn về phương diện hiệu lực. Và điều đó có ảnh hưởng nhân đạo đến số phận của những con cái do họ sinh ra trước ngày bị phân dị.
So với quy định của pháp luật hiện hành tại khoản 5, Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình nêu rõ: “Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch. Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định thì không có giá trị pháp lý. Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức theo quy định yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định. Cụ thể, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này: - Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật; - Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; - Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; - Hội liên hiệp phụ nữ. |
CẨM NGỌC
Quy định về nơi xử án và thời hạn xử án theo Bộ Luật Gia Long