/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Pháp luật triều Nguyễn quy định như thế nào về thừa kế có chúc thư?

Pháp luật triều Nguyễn quy định như thế nào về thừa kế có chúc thư?

12/11/2021 15:58 |

(LSVN) - Căn cứ vào chế độ để tang trong gia đình, có thể thấy thời điểm phát sinh thừa kế theo Luật Gia Long là sau khi đã để tang cha mẹ đủ 3 năm. Quy định này thể hiện sự nhất quán của pháp luật từ chế độ để tang, chia thừa kế, cho đến việc tranh chấp, kiện tụng về gia tài điền sản.

Ảnh minh họa.

Thừa kế trong cổ luật là "thừa kế theo quan hệ huyết thống xuôi, góp phần củng cố tài sản của dòng tộc và tài sản của gia đình truyền thống ăn chung, ở chung theo cơ cấu gia đình hạt nhân và gia đình gồm nhiều thế hệ, bề bậc khác nhau”. Gia đình nhiều thế hệ gồm những người có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống cùng chung sống với nhau mấy đời liên tiếp: Tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường, lý tưởng là ngũ đại đồng đường. Với mô hình gia đình nhiều thế hệ và ý nghĩa thừa kế trong cổ luật như trên đòi hỏi pháp luật thừa kế phải tôn trọng nguyên tắc "hiếu”, ‘‘lễ”, "nghĩa”.

Thừa kế thường (hay còn gọi là di sản) là tài sản mà người chết đã để lại cho các người thừa kế của mình. Di sản thường gồm có 2 phần là tích sản và tiêu sản. Tích sản là tất cả tài sản của người mệnh một để lại gồm cả bất động sản (ruộng, vườn, nhà, đất...) và động sản hay phù vật (gồm đồ đạc, quần áo, tiền bạc...). Còn tiêu sản là các món nợ mà người chết phải trả cho các đệ tam nhân và các chi phí về việc tang ma cho người ấy.

Nếu các người thừa kế được hưởng phần tích sản thì cũng phải gánh vác cả phần tiêu sản, vì theo nguyên tắc, tất cả gia tài (gồm cả tích sản lẫn tiêu sản) phải được chuyển dịch sang cho các người thừa kế. Cũng giống như pháp luật hiện đại, trong lĩnh vực thừa kế, cổ luật Việt Nam cũng phân biệt ra thành 2 loại là: thừa kế không có chúc thư và thừa kế có chúc thư.

Trong đó, thừa kế có chúc thư là loại thừa kế phát sinh do ý chí của người lập chúc phát biểu vào lúc sinh thời. Các con cháu bao giờ cũng phải tôn trọng đối với ý chí của ông bà, cha mẹ.

Luật Gia Long quy định: “Nếu ông bà, cha mẹ đã di chúc chia của cải thì tôn trưởng cũng không được đi thưa kiện". Đây là hình thức thừa kế phổ biến và thông dụng, nó tôn trọng những quan hệ trong gia đình và quyền của người chủ sở hữu.

Trong cổ luật có hai loại di chúc là di chúc miệng (có thể là lời trăn trối) và di chúc viết (còn gọi là chúc thư). Trong cổ luật Việt Nam, chúc thư là một chứng thư liên quan đến toàn thế gia đình, mặc dù nó có mục đích là ghi ý chí của người lập chúc. Trong bộ Luật Gia Long không thấy nhà làm luật quy định một cách cụ thể về thể thức trong việc viết chúc thư. Nhưng đây là một việc quan trọng, có liên quan đến gia đình và tộc họ, cho nên thông thường, khi lập chúc, thì người lập chúc thư thường muốn các thân thuộc và những người thừa kế của mình cùng tham dự.

Thể thức này có hai điều lợi: một là sự hiện diện của thân thuộc sẽ chứng minh cho sự công băng của việc phân sản; hai là để bảo đảm một cách hữu hiệu đối với các người thừa kế, nhằm tránh sự tranh chấp gia tài về sau. Do sự tham dự của các người thừa kế, nên chúc thư được lập thành nhiều bản và giao cho mỗi người thừa kế giữ một bản.

Về điều kiện nội dung của chúc thư, cổ luật quy định người lập chúc phải có đầy đủ về năng lực và sự ưng thuận. Theo Điều 223 và 224 Luật Gia Long, đối với những người vô năng lực vì phạm tội đại ác hoặc vì chưa thoát quyền của người gia trưởng đều không được phép lập chúc. Đối với người phối ngẫu còn sống cũng được quyền lập chúc bởi vì họ vẫn được quyền điều khiển về khối tài sản của cộng đồng, chỉ khi người quả phụ tái giá thì mới bị mất quyền này. Điều 76 của Luật Gia Long quy định rõ về sự ưng thuận của người lập chúc, cổ luật gián tiếp phủ định về năng lực lập chúc của người điên và minh thị nghiêm trị loại chúc thư giả mạo hoặc do bị cưỡng bách trong khi lập chúc.

Ngoài ra, cổ luật cũng còn có sự quy định về sự tự do lập chúc của người gia trưởng. Với một quyền hạn rất rộng của mình đối với gia sản, nên người gia trưởng có quyền tự do trong việc ấn định về kỷ phần của các người thừa kế và có quyền truất phần thừa kế đối với những người thừa kê bất xứng (như bất hiểu, bất tuân tranh giành...). Sự tự do lập chúc của người gia trưởng chỉ có một giới hạn duy nhất là sự tôn trọng các luật lệ chỉ định người ăn hương hỏa và kỷ phân hương hỏa mà thôi.

Về hiệu lực của chúc thư chỉ phát sinh sau khi người lập chúc mệnh một. Tuy nhiên, nhiều khi để tránh sự tranh giành về sau, nên ngay sau khi lập chúc, vào lúc đang còn sống, nhưng người lập chúc đã tiến hành giao phần thừa kế cho những người được thừa kế. Nếu việc đó không được thực hiện khi người lập chúc còn sống, thì thời điểm mở thừa kế nói chung và thừa kế có chúc thư nói riêng, được luật pháp quy định như sau: “Đương lúc còn để tang cha mẹ, mà anh em tách hộ khẩu, chia hẳn gia sản thì phải phạt 80 trượng".

Như vậy, căn cứ vào chế độ để tang trong gia đình, chúng ta có thể thấy thời điểm phát sinh thừa kế theo Luật Gia Long là sau khi đã để tang cha mẹ đủ 3 năm. Quy định này thể hiện sự nhất quán của pháp luật từ chế độ để tang, chia thừa kế, cho đến việc tranh chấp, kiện tụng về gia tài điền sản.

Luật Gia Long đã ghi rõ là sau 5 năm trở lên thì mới giải quyết về việc thưa kiện chia gia tài điền sản; trừ trường hợp có văn bản phân chia được nộp lên cùng với văn tự bán đất có thật thì mới phải giải quyết, theo đó thì người chủ cũ không được phân chia, không được chuộc lại. Nghĩa là tài sản đó đã được chuyển quyền, mọi việc thưa kiện đều không có giá trị (Điều 89 Lệ 1 của Luật Gia Long).

Có thể thấy, về phương diện hiệu lực, các chúc thư trong cổ luật Việt Nam nói chung và pháp luật của triều Nguyễn nói riêng, đã chứng tỏ là một định chế đặc thù nhằm bảo vệ hữu hiệu về quyền lợi của gia đình cũng như của các người thừa kế. Định chế ấy không thể xếp vào những phạm trù sẵn có trong nên kỹ thuật pháp lý của Tây phương.

CẨM NGỌC

Thừa kế không có chúc thư theo quy định của pháp luật Triều Nguyễn

Lê Minh Hoàng