Thừa kế không có chúc thư theo quy định của pháp luật Triều Nguyễn

06/10/2021 02:56 | 2 năm trước

(LSVN) - Đối với thừa kế không có chúc thư, trong cổ pháp, khi một trong hai người phối ngẫu mệnh một, thì gia sản không phải được đem chia ngay cho các người thừa kế. Nếu vợ chồng có con chung, thì người phối ngẫu còn sống vẫn tiếp tục điều khiển khối cộng đồng gia sản.

Ảnh minh họa.

Trong cổ luật, bản chất của pháp luật thừa kế là bổn phận của cá nhân đối với con cháu. Thừa kế hướng đến việc bảo vệ lợi ích của gia đình, dòng họ thông qua việc đời trước để lại di sản cho đời sau. Thừa kế trong cổ luật là "thừa kế theo quan hệ huyết thống xuôi, đã góp phần củng cố tài sản của dòng tộc và tài sản của gia đình truyền thống ăn chung, ở chung theo cơ cấu gia đình hạt nhân và gia đình gồm nhiều thế hệ, bề bậc khác nhau”. Gia đình nhiều thế hệ gồm những người có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống cùng chung sống với nhau mấy đời liên tiếp: Tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường, lý tưởng là ngũ đại đồng đường. Mô hình gia đình cổ phổ biến là gia đình nhiều thế hệ gồm có các cụ, ông bà, cha mẹ, chú bác, con, cháu, chắt,... Với mô hình gia đình nhiều thế hệ và ý nghĩa thừa kế trong cổ luật như trên đòi hỏi pháp luật thừa kế phải tôn trọng nguyên tắc "hiếu”, ‘‘lễ”, "nghĩa”.

Thừa kế thường (hay còn gọi là di sản) là tài sản mà người chết đã để lại cho các người thừa kế của mình. Di sản thường gồm có 2 phần là tích sản và tiêu sản. Tích sản là tất cả tài sản của người mệnh một để lại gồm cả bất động sản (ruộng, vườn, nhà, đất...) và động sản hay phù vật (gồm đồ đạc, quần áo, tiền bạc...). Còn tiêu sản là các món nợ mà người chết phải trả cho các đệ tam nhân và các chi phí về việc tang ma cho người ấy. Nếu các người thừa kế được hưởng phần tích sản thì cũng phải gánh vác cả phần tiêu sản, vì theo nguyên tắc, tất cả gia tài (gồm cả tích sản lẫn tiêu sản) phải được chuyển dịch sang cho các người thừa kế. Cũng giống như pháp luật hiện đại, trong lĩnh vực thừa kế, cổ luật Việt Nam cũng phân biệt ra thành 2 loại là: thừa kế không có chúc thư và thừa kế có chúc thư.

Đối với thừa kế không có chúc thư, trong cổ pháp, khi một trong hai người phối ngẫu mệnh một, thì gia sản không phải được đem chia ngay cho các người thừa kế. Nếu vợ chồng có con chung, thì người phối ngẫu còn sống vẫn tiếp tục điều khiển khối cộng đồng gia sản.

Đối với di sản chỉ được truyền thừa cho các người thừa kế khi nào người phối ngẫu còn lại bị mệnh một. Trong trường hợp người mẹ chết trước, các con tiếp tục sống dưới quyền của người cha là gia trưởng nên không có quyền được có tài sản riêng. Trong trường hợp người cha chết trước, nếu người mẹ vẫn tiếp tục thủ tiết ở vậy thì luật pháp công nhận cho người mẹ được tiếp tục điều khiển toàn thể khối tài sản cộng đồng của gia đình. Và các con cháu dưới quyền của bà ta không được phép xin lập sổ hộ tịch riêng biệt và phân chia tài sản do người cha để lại. Chỉ khi nào người quả phụ tái giá hoặc là cả cha lẫn mẹ đều đã chết thì con cái mới được quyền phân chia gia tài do cha mẹ để lại.

Điều 82 của Luật Gia Long quy định: Phàm ông bà cha mẹ còn sống, cháu con không được phép tách sổ hộ khẩu và phân chia gia tài. Ai trái thì bị phạt 100 trượng, nếu ông bà cha mẹ mà thưa lên là người con cháu ấy lập tức bị buộc tội. Nếu vào lúc đang còn phải để tang cha mẹ mà anh em trong gia đình đòi tách về hộ khẩu và phân chia gia tài thì bị phạt 80 trượng. Trong thời gian đó mà tôn trưởng đi thưa thì những cháu con đòi phân chia gia tài đó đều bị buộc tội; trái lại nếu là phân chia theo di chúc của người mệnh một thì không bắt tội.

Giải thích về điều này, nhà làm luật đã cho biết là: Ông bà cha mẹ đang còn sống, thì cháu con phải giữ lễ không được phép có của cải riêng. Còn khi đang cư tang thì anh em phải chầu hầu bên linh cữu hay mộ phần của cha mẹ, mà lại tách hộ khẩu và phân chia gia tài thì đều là làm việc bất hiếu, nên bị phạt 100 trượng hoặc là 80 trượng, và bắt phải giữ chung sổ hộ tịch cùng của cải. Nhưng nếu ông bà đã cho phép (khi có di chúc) thì xem như là ông bà không có ý kiến gì và trong trường hợp này thì tôn trưởng cũng không được phép đi thưa, vì đó là một việc làm bình thường trong đời sống.

Về việc phân chia tài sản, Lệ 1 của Điều 83 Luật Gia Long quy định: Ngoại trừ phẩm tước tập ấm và tự sản, các tài sản còn lại của người chết được chia đều cho các con, không phân biệt là con của vợ cả, con của vợ thứ hay con của nàng hầu. Nếu tôn trưởng chia gia tài không đồng đều thì bị xử phạt từ 20 roi cho đến 100 trượng. Đối với con tư sinh do người cha thừa nhận thì cũng được hưởng quyền thừa kế như các người con khác của người cha đó. Nếu không được người cha thừa nhận thì con tư sinh chỉ được thừa kế của người mẹ đẻ với điều kiện là người mẹ đó không có chồng khác với cha nó.

Điều 76 của Luật Gia Long cho phép nghĩa tử cũng được hưởng thừa kế nếu như chúng đã bị vứt bỏ và được thu nuôi từ lúc còn dưới 3 tuổi. Theo tục lệ, đôi với những nghĩa tử khác (ngoài người con nuôi lập tự được thừa kế hương hỏa) thì cũng được hưởng phần gia tài nếu như có chúc thư của cha mę nuôi (vấn đề này sẽ được xem xét sau). Trường hợp các con rể ở gửi rể, tuy không được lập tự nhưng cũng được chia cho gia tài cùng với người lập tự (theo Lệ 3 của Điều 76 Luật Gia Long).

Trong Luật Gia Long không thấy minh thị quy định về quyền thừa kế của cha mẹ người mệnh một. Nhưng theo tục lệ ở nước ta, nếu như người vợ góa còn sống và không đi cải giá thì cả cha mẹ và ông bà của người chồng đã chết đó không có quyền gì đối với những tài sản do người con cháu đã chết của mình để lại và người vợ góa của người đó có bổn phận phải thay thế chồng đã chết trong việc phụng dưỡng đối với ông bà và cha mẹ chồng.

Trong trường hợp người chết có con thì tài sản đó sẽ để lại cho con. Nếu người chết không có con và người vợ đã cải giá thì quyền thừa kế của cha mẹ chồng hoặc tôn nhân nhà chồng mới được đặt ra và có liên quan đến vấn đề lập tự cho người chết ấy. Cũng theo cổ luật, sự thừa kế của con cái là một sự chuyển dịch đương nhiên, và do đó cũng phải chịu trách nhiệm về những món nợ để lại của người đó một cách đương nhiên theo nguyên tắc “phụ trái tử hoàn” (cha mắc nợ thì con phải trả).

Ngoài ra, đối với con cháu mà bổn phận là phải thờ phụng cha mẹ, ông bà và tổ tiên, do đó họ không có quyền được từ khước sự thừa kế. Người phối ngẫu còn sống cũng là người thừa kế và phải chịu trách nhiệm đương nhiên đối với các trái khoản (tức các món nợ) của người mệnh một. Còn đối với cha mẹ và các tôn nhân thì đều có quyền được khước từ về sự thừa kế của mình.

Cũng theo cổ luật, trừ trường hợp có chúc thư minh định về kỷ phần của mỗi người thừa kế, còn không thì nếu sự phân sản diễn ra không công bằng và hợp lý thì các người thừa kế có quyền đi kiện để bảo vệ quyền thừa kế của mình.

So với quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rõ những trường hợp thừa kế theo pháp luật. Theo đó, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây: không có di chúc; di chúc không hợp pháp; những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này.

Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này.

Trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản. Trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.

Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản.

CẨM NGỌC

Hiệu lực của ly hôn về nhân thân trong pháp luật triều Nguyễn

Từ khoá : lsvn.vn LSVN