Ảnh minh họa.
Giải quyết khiếu nại phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định: Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích họp pháp của mình.
Việc giải quyết khiếu nại là giải quyết xung đột về lợi ích giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân có thầm quyền với người khiếu nại, khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại. Việc xem xét tính hợp pháp của các quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được tiến hành với trình tự, thủ tục chặt chẽ, bao gồm các bước như kiểm tra, xác minh, kết luận và ban hành quyết định giải quyết. Trong giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết cần chú ý đến cả tính hợp pháp và hợp lý của các quyết định, hành vi trong hoạt động quản lý.
Có thể thấy rằng, việc giải quyết khiếu nại của công dân sẽ mang lại những lợi ích nhất định bảo đảm cho quyền làm chủ của nhân dân cũng như bảo đảm xem xét tính đúng đắn và hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Cụ thể:
Một là, giải quyết khiếu nại bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Thông qua việc giải quyết khiếu nại, các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân đã bị xâm hại hoặc đe dọa bị xâm hại sẽ được khôi phục. Ngoài ra, việc giải quyết khiếu nại giúp cho hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước có hiệu quả, các quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trái pháp luật được sửa đổi hoặc bãi bỏ kịp thời, từ đó phòng ngừa các vi phạm pháp luật xảy ra từ phía những người thực thi công vụ.
Quá trình giải quyết khiếu nại, đương sự, người có quyền và lợi ích liên quan có quyền đưa ra các thông tin tài liệu, chứng cứ chứng minh nội dung khiếu nại của mình là đúng, chính xác, khách quan phù hợp với chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước (trên thực tế nội dung khiếu nại luôn chứa đựng các bằng chứng về việc vi phạm quyền hoặc lợi ích của người khiếu nại đã được pháp luật quy định); việc làm này đồng nghĩa với việc chứng minh các tác động tiêu cực bởi các quyết định hoặc hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tới họ là vi phạm, không phù hợp pháp luật.
Hai là, giải quyết khiếu nại góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước. Thông qua hoạt động giải quyết khiếu nại, thủ trưởng cơ quan nhà nước, cơ quan nhà nước cấp trên kiểm tra, giám sát đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cán bộ cấp dưới, đồng thời sẽ có được những thông tin cần thiết về những bất cập thuộc lĩnh vực mình quản lý, từ đó có cơ sở xem xét, sửa đổi để hoạt động quản lý nhà nước phát triển lành mạnh theo đúng chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Ba là, qua giải quyết khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có được những thông tin quan trọng, tin cậy để kiểm tra tính đúng đắn, sự phù hợp của pháp luật và các quyết định của mình, từ đó có cơ sở để hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực mình quản lý, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực.
Giải quyết tố cáo nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018 quy định: Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Về bản chất, giải quyết tố cáo là việc cá nhân, cơ quan có thẩm quyền tiến hành các hoạt động cần thiết nhằm làm rõ việc tố cáo có đúng hay không? Từ đó đưa ra kết luận về từng nội dung tố cáo. Trong quá trình giải quyết tố cáo, cơ quan hoặc người có thầm quyền giải quyết tố cáo một mặt sử dựng những tài liệu, bằng chứng tiếp nhận từ người tố cáo, mặt khác có thể tổ chức xác minh, tổ chức đối thoại, thu nhập thêm thông tin, tài liệu để làm căn cứ cho việc kết luận nội dung tố cáo một cách chính xác. Từ đó, kết luận nội dung tố cáo là đúng, đúng một phần hoặc sai toàn bộ.
Như vậy, có thể nhận thấy hoạt động giải quyết tố cáo có vai trò nhất định trong việc bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, thể hiện ở những nội dung sau:
Một là, giải quyết tố cáo nhằm bảo đảm thực hiện quyền dân chủ, quyền con người của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật.
Hai là, giải quyết tố cáo là biện pháp hữu hiệu, góp phần quan trọng trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của xã hội và của cá nhân, tổ chức trước những hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ chủ thể nào.
Ba là, giải quyết tố cáo góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Một trong những nội dung, yêu cầu quan trọng của pháp chế xã hội chủ nghĩa đó là: mọi chủ thể phải thực hiện đúng pháp luật, mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Tố cáo và giải quyết tố cáo được bảo đảm thực hiện sẽ góp phần bảo đảm pháp chế trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, trong cách ứng xử theo quy định pháp luật của cá nhân.
Bốn là, giải quyết tố cáo là một biện pháp quan trọng và thiết thực để củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Giải quyết tố cáo thể hiện trực tiếp mối quan hệ giữa nhân dân với các tổ chức đảng, đảng viên, các cơ quan nhà nước.
Trong thời gian vừa qua, thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 2343/KH-TTCP ngày 02/10/2014 của Thanh tra Chính phủ, các cấp các ngành đã có nhiều cố gắng nỗ lực trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nên tình hình khiếu kiện có nhiều chuyển biến tích cực. Việc giải quyết tranh chấp trong nội bộ nhân dân và giữa người dân với cơ quan nhà nước được tiến hành đúng pháp luật, kỷ cương và có hiệu quả.
Theo Báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021 của Thanh tra tỉnh Quảng Ninh, số vụ việc khiếu nại trên địa bàn tăng 27,5% so với năm 2020, trong khi số vụ việc tố cáo trên địa bàn tỉnh giảm 36,7% so với năm 2020. Tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo cao hơn, tuy nhiên vẫn còn tình trạng nhiều vụ việc chưa giải quyết kịp thời(1).
Trong thời gian gần đây, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân diễn biến phức tạp, tình trạng khiếu kiện đông người vượt cấp tiếp tục gia tăng, phát sinh nhiều điểm nóng gây mất ổn định xã hội. Phần lớn những khiếu kiện của công dân liên quan đến đất đai như giải phóng mặt bằng, đền bù đất, đòi lại đất cũ, tranh chấp đất... hoặc liên quan đến việc giải quyết các chính sách chế độ về nhà ở, chế độ trợ cấp xã hội, tố cáo cán bộ lợi dụng chức quyền tham nhũng… Vấn đề bất cập này xuất phát từ nhiều nguyên nhân: bất cập về thể chế, việc phối kết hợp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền với các cơ quan Đảng, đoàn thể còn gặp nhiều khó khăn, đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ sở vật chất… còn nhiều hạn chế đang là rào cản, cần sớm có giải pháp khắc phục.
Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Thứ nhất, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải xuất phát từ thực tiễn, làm rõ nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo và đề ra chủ trương, giải pháp đúng đắn, tập trung giải quyết kịp thời những yêu cầu chính đáng của nhân dân; khắc phục tình trạng quan liêu, xa rời quần chúng. Khi giải quyết các khiếu nại, tố cáo, phải lắng nghe ý kiến của người dân, thu thập nhiều nguồn thông tin để xem xét, phân tích, đánh giá nội dung, yêu cầu của người khiếu nại, tố cáo thật khách quan và đưa ra quyết định chính xác.
- Thứ hai, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; làm tốt công tác chính trị, tư tưởng nhằm tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách; giáo dục, vận động, thuyết phục nhân dân, phát huy dân chủ, dựa vào dân để hòa giải, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân; kiên quyết xử lý những người lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, lợi dụng quyền dân chủ để gây rối, vi phạm pháp luật.
- Thứ ba, các cơ quan có thẩm quyền phải tăng cường thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc chấp hành các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật. Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan chức năng khác cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở nhằm phát huy dân chủ của nhân dân và tạo sự thống nhất chung trong việc giải quyết đơn thư của nhân dân.
(1) Khiếu nại: Tổng số vụ việc thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính các cấp là 825 vụ việc (tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2020), có 144 vụ việc từ kỳ trước chuyển sang. Đã giải quyết được 705/825 vụ việc, đạt 85,45% (tỷ lệ giải quyết cao hơn so với cùng kỳ 2020 là 80,21%). - Tố cáo: Tổng số vụ việc đã giải quyết 32/38 vụ việc, tỷ lệ giải quyết 84,21% (thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 là 90%). |
NGUYỄN THỊ NGỌC LAN
Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ (Quảng Ninh)