Ảnh minh họa.
Luật sư góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng ngừa các vi phạm, tội phạm trong xã hội. Luật sư phản biện chính sách, bảo vệ pháp luật, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, làm sáng tỏ các góc khuất trong hồ sơ vụ án, giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ việc khách quan, công bằng, đúng pháp luật, tránh oan sai và không bỏ lọt tội phạm. Luật sư có vai trò rất lớn trong việc giúp cá nhân, tổ chức hiểu biết pháp luật và thực hiện đúng pháp luật. Hoạt động của Luật sư góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm bình đẳng, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ở các nước phát triển thì Luật sư và nghề Luật sư từ khi mới ra đời đã được ghi nhận và tôn vinh. Hoạt động hành nghề Luật sư là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc. Mỗi hoạt động hành nghề Luật sư như tư vấn pháp luật, tranh tụng hay thực hiện các dịch vụ pháp lý khác đều hướng tới con người và vì con người. Những hoạt động này liên quan đến tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín, liên quan đến quá khứ, hiện tại và tương lai của một con người, một tổ chức. Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, những mâu thuẫn, tranh chấp không thể tránh khỏi, do đó, nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý cũng tăng lên, tạo cơ hội cho nghề Luật sư phát triển. Cốt lõi của nghề Luật sư không chỉ là kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, mà là đạo đức. Luật sư vừa phải thấm nhuần tinh thần phục vụ vừa phải thể hiện kỹ năng đấu tranh vì lẽ phải, công lý, công bằng, như vậy mới được xã hội tôn vinh, đó chính là đạo đức nghề nghiệp hành nghề Luật sư, cũng chính là chức năng xã hội của Luật sư.
Những đóng góp của Luật sư đối với xã hội
Trong việc xây dựng pháp luật: Luật sư là người có kiến thức sâu rộng về pháp luật, mối quan hệ giữa pháp luật với các lĩnh vực khác nhau, đồng thời Luật sư cũng là người tiếp xúc thường xuyên với pháp luật, sử dụng pháp luật, áp dụng, vận dụng pháp luật vào thực tiễn nên có thể phát hiện được những mâu thuẫn, bất cập của pháp luật, những vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật. Thông qua hoạt động hành nghề của mình, Luật sư nhận thấy được thực trạng tuân thủ pháp luật trong nhân dân, nguyện vọng và thái độ của nhân dân đối với pháp luật, những vướng mắc trong việc thực thi hiệu quả pháp luật. Qua đó, những ý kiến, đóng góp của Luật sư vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là rất đáng được ghi nhận.
Trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật: Luật sư có vai trò quan trọng trong việc giải đáp các vấn đề pháp luật, hướng dẫn ứng xử đúng pháp luật thông qua hoạt động tư vấn pháp luật.
Tư vấn pháp luật: Luật sư tham gia tư vấn pháp luật cho tổ chức, cá nhân. Khi thực hiện tư vấn pháp luật, Luật sư giúp khách hàng thực hiện đúng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Bên cạnh đó, Luật sư cũng tư vấn cho các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết các hoạt động hành chính, pháp lý của các cơ quan này.
Tham gia tố tụng, tham gia các vụ án chỉ định bắt buộc phải có người bào chữa: Hoạt động tranh tụng của Luật sư góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, công dân, các tổ chức kinh tế - xã hội và Nhà nước. Trong hoạt động tư pháp, việc có sự tham gia của Luật sư góp phần xây dựng một nền tư pháp dân chủ, minh bạch, công khai, củng cố niềm tin của người dân đối với công lý, niềm tin vào chế độ xã hội, đặc biệt trong những vụ án có dấu hiệu oan sai.
Hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý: Luật sư thông qua tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác hay đại diện ngoài tố tụng không những giúp cho khách hàng có khả năng giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn, kinh tế, xã hội một cách văn minh, trên tinh thần thượng tôn pháp luật mà còn góp phần làm cho xã hội ổn định, an toàn cho mọi người, ngăn ngừa các rủi ro có thể xảy ra, phòng tránh việc giải quyết bằng các biện pháp cực đoan.
Hoạt động trợ giúp pháp lý của Luật sư: Đây là hoạt động thể hiện tinh thần phục vụ cộng đồng của Luật sư đối với những người có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn theo Luật Trợ giúp pháp lý. Sự cống hiến đối với xã hội của đội ngũ Luật sư trong hoạt động trợ giúp pháp lý là những giá trị xã hội của nghề Luật sư. Những năm vừa qua, đội ngũ Luật sư cùng với sự quan tâm của các Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, của Nhà nước và xã hội đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện các chính sách xã hội, các chương trình trợ giúp pháp lý miễn phí cho nhiều đối tượng, góp phần xây dựng xã hội phát triển bền vững.
Yêu cầu phát triển đội ngũ Luật sư trong tình hình mới
Theo thống kê của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, số lượng Luật sư hiện nay so với dân số Việt Nam thì vẫn còn thiếu để đáp ứng được nhu cầu dịch vụ pháp lý của xã hội, đặc biệt là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy do thực trạng chất lượng đội ngũ Luật sư chưa đồng đều nên nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của xã hội chỉ chủ yếu tập trung tại một số thành phố lớn, nhiều địa phương nhu cầu này chỉ ở mức hạn chế. Bên cạnh đó, việc hành nghề Luật sư vẫn còn gặp nhiều rào cản dẫn tới sự phát triển đội ngũ Luật sư và nghề Luật sư bị ảnh hưởng. Trong rất nhiều Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư đang hoạt động hiện nay thì số lượng Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư có thương hiệu, uy tín và có khả năng cung cấp dịch vụ pháp lý xuyên quốc gia vẫn còn rất ít. Đây cũng là vấn đề cần phải quan tâm khi phát triển đội ngũ Luật sư.
Nhìn chung, việc xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư trong tình hình mới, trọng tâm nhất vẫn cần quan tâm về vấn đề chất lượng, đội ngũ Luật sư phải đáp ứng được tất cả nhu cầu sử dụng pháp lý của xã hội, không kể là tổ chức/cá nhân trong nước hay nước ngoài. Chỉ như vậy thì vị trí, vai trò, chức năng xã hội của Luật sư mới bao hàm được những ý nghĩa xã hội to lớn mà chế độ xã hội mang lại cho Luật sư và nghề Luật sư, mới xứng đáng với sự tôn trọng, tôn vinh của xã hội cho nghề nghiệp này.
Để đạt được mục tiêu phát triển về chất lượng đội ngũ Luật sư, cần chú trọng kiện toàn hệ thống tổ chức trong đó có Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư ở các địa phương; chú trọng hơn đến công tác đào tạo Luật sư, đặc biệt là đối với tập sự hành nghề Luật sư và bồi dưỡng nghiệp vụ Luật sư hàng năm. Chương trình đào tạo Luật sư ở Việt Nam cần thay đổi cả về nội dung và phương pháp. Cùng với đó, mỗi Luật sư phải không ngừng học tập, bồi dưỡng, rèn luyện về kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức.
Đặc biệt, cần tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng các hoạt động hành nghề Luật sư ra phạm vi quốc tế. Nhất thể hóa hoạt động tư vấn pháp luật vào đối tượng hành nghề chuyên nghiệp là đội ngũ Luật sư và thể chế hóa phương hướng tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động Luật sư; xây dựng cơ chế pháp lý cho việc tham gia ngày càng nhiều hơn của Luật sư trong đàm phán thương mại quốc tế, giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài, tạo môi trường cạnh tranh dịch vụ pháp lý lành mạnh trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc bình đẳng và chủ quyền.
Việc xây dựng cơ chế chính sách để ghi nhận quyền cũng như bảo đảm quyền hành nghề Luật sư trong tình hình mới cũng cần phải được quan tâm hơn nữa. Cần sửa đổi một số quy định của pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư thể hiện đầy đủ vai trò của mình trong quá trình hành nghề, giúp đội ngũ Luật sư phát huy tối đa được năng lực, trình độ chuyên môn của mình, góp phần bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Tiến sĩ, Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG
Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội