Đặt vấn đề
Liên tiếp trong thời gian qua, ở nước ta đã xảy ra nhiều vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng, điển hình như: vụ cháy đêm ngày 12/9/2023, tại ngõ 29, phố Khương Hạ, Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội (hậu quả làm 56 người chết, 37 người bị thương); vụ cháy hồi 0h30 ngày 24/5/2024, tại số 1 ngách 43/98/31 phố Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội (hỏa hoạn khiến 14 người tử vong, 06 người khác bị thương); vụ cháy sáng sớm ngày 30/5/2024, tại số 7, tổ 1, phố Ba La, Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội (vụ cháy may mắn không gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại đáng kể về tài sản); vụ cháy ngày 16/6/2024 tại số 207 Đinh Công Hạ, Hoàng Mai, Hà Nội (hậu quả làm 04 người chết)... Bên cạnh các vấn đề như thiệt hại do vụ cháy gây ra, xác định trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan có liên quan thì một nội dung được người dân và xã hội quan tâm đó là sự xuất hiện của các cá nhân, tổ chức tham gia chữa cháy và cứu nạn, những người được gọi là “anh hùng không cần mặc áo choàng” (Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel; người hùng Đồng Văn Tuấn, Hoàng Văn Tuấn, Phạm Quốc Luật, Nguyễn Kim Long; Lèng Văn Bằng…). Việc xuất hiện liên tục các cá nhân, tổ chức tình nguyện tham gia chữa cháy, cứu nạn là tín hiệu đáng mừng trong việc phát huy tinh thần dân tộc cũng như phương châm xã hội hóa công tác phòng cháy và chữa cháy (PCCC) tại Việt Nam trong thời gian qua.
Khái niệm “xã hội hóa” có nhiều cách hiểu khác nhau, trong nội dung bài viết thuật ngữ “xã hội hóa” được hiểu là để chỉ sự gia tăng, đẩy mạnh việc chú ý quan tâm, sự tham gia rộng rãi của xã hội (bao gồm các cá nhân, nhóm, tổ chức, cộng đồng...) về cả vật chất và tinh thần vào một số hoạt động mà trước đó chỉ được một đơn vị, một bộ phận hay một ngành chức năng nhất định của Nhà nước thực hiện; là một phương châm hành động của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, từ vi mô đến vĩ mô nhằm phát huy nội lực, huy động cộng đồng, hay huy động vốn xã hội từ nhân dân, theo cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Theo đó, nội dung của xã hội hóa công tác PCCC được giải thích là: “Phát triển công tác PCCC là sự nghiệp của Nhà nước và toàn dân; Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển công tác PCCC; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia phát triển công tác PCCC; mọi tổ chức, gia đình và công dân có trách nhiệm tham gia công tác PCCC”. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với nội dung tại Điều 4 Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (gọi tắt là Luật PCCC), đó là: “Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy”.
Phòng cháy và chữa cháy là hoạt động mang tính xã hội rộng lớn, có liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Vì vậy phải coi đây là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở, gia đình và mỗi các nhân. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) là lực lượng nòng cốt trong quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy(1). Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ và phát huy vai trò của các cấp chính quyền, các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương; sự kết hợp giữa lực lượng chuyên nghiệp với lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở; phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành và lực lượng phòng cháy và chữa cháy tình nguyện. Việc xã hội hóa công tác PCCC vừa là xu thế của các nước trên thế giới vừa đáp ứng tinh thần chung của pháp luật Việt Nam về phát triển công tác PCCC.
Một số kinh nghiệm phát triển lực lượng chữa cháy tình nguyện của các nước trên thế giớiTrên thế giới, việc xã hội hóa công tác PCCC, trong đó đặc biệt là phát triển mạng lưới cộng tác viên chữa cháy cũng được nhiều nước triển khai và thực hiện. Tại Hoa Kỳ, các nỗ lực phòng cháy và chữa cháy được xã hội hóa thông qua nhiều chương trình và sáng kiến khác nhau. Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy Quốc gia (NFPA) đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các tiêu chuẩn và giáo dục về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Ngoài ra, sở cứu hỏa địa phương thường cộng tác với các trường học, tổ chức cộng đồng và doanh nghiệp để nâng cao nhận thức về các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy. Các cuộc diễn tập chữa cháy thường xuyên được tiến hành tại các trường học và các tòa nhà công cộng để bảo đảm sự sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp về hỏa hoạn.
Tại Úc, cơ quan Cứu hỏa Quốc gia (CFA) nỗ lực hướng tới việc xã hội hóa các biện pháp phòng cháy, chữa cháy giữa các cộng đồng. Họ tổ chức các chương trình gắn kết cộng đồng như ngày mở cửa, hội thảo và các buổi cung cấp thông tin để giáo dục người dân về các biện pháp phòng ngừa an toàn cháy rừng. CFA cũng khuyến khích các cá nhân tham gia các hoạt động chữa cháy tình nguyện bằng cách cung cấp các cơ hội đào tạo. Vương quốc Anh lại có cách tiếp cận toàn diện về phòng cháy, bao gồm cả sáng kiến của chính phủ và sự tham gia của cộng đồng. Chiến dịch Fire Kills nâng cao nhận thức về việc ngăn chặn hỏa hoạn tại nhà thông qua các chiến dịch quảng cáo có mục tiêu, tài liệu giáo dục và hợp tác với chính quyền địa phương. Nhân viên An toàn phòng cháy, chữa cháy cộng đồng làm việc chặt chẽ với cư dân để đưa ra lời khuyên về việc lắp đặt thiết bị báo khói, kế hoạch thoát hiểm và các biện pháp phòng ngừa khác. Tại Đức đã thực hiện một cách tiếp cận phi tập trung khi nói đến xã hội hóa phòng cháy, chữa cháy. Lính cứu hỏa tình nguyện đóng một vai trò quan trọng trong khía cạnh này bằng cách tích cực tham gia với cộng đồng địa phương của họ thông qua các cuộc họp thường xuyên, các buổi đào tạo, trình diễn cách sử dụng thiết bị chữa cháy và tổ chức các sự kiện như buổi mở cửa hoặc hội thảo thông tin về an toàn cháy nổ. Nhật Bản cũng nhấn mạnh sự tham gia của cộng đồng trong các nỗ lực phòng chống cháy, nổ. Chương trình “Tình nguyện viên phòng cháy, chữa cháy” tuyển dụng những công dân được chính quyền địa phương đào tạo về chữa cháy cơ bản. Họ cũng giúp truyền bá nhận thức về các biện pháp phòng ngừa trong khu vực lân cận của họ thông qua các cuộc hội thảo hoặc phân phát tài liệu giáo dục. Đường dây nóng khẩn cấp 119 của Nhật Bản được người dân biết đến rộng rãi nhờ việc báo cáo các vụ cháy nhanh chóng để lực lượng cứu hỏa được đào tạo có thể hành động kịp thời. Những ví dụ này nêu bật cách các quốc gia khác nhau lồng ghép xã hội vào chiến lược chữa cháy của họ bằng cách nâng cao nhận thức, hỗ trợ tình nguyện viên và cung cấp nguồn lực cho các nỗ lực tập thể nhằm bảo đảm an toàn công cộng khỏi hỏa hoạn.
Một trong những nội dung được các nước trên thế giới quan tâm và phát triển đó là xã hội hóa lực lượng chữa cháy. “Lính cứu hỏa tình nguyện” là một lực lượng được trưng dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đội ngũ này làm việc bán thời gian, thường vào thời gian rảnh rỗi, được tuyển chọn và đào tạo. Đây là lực lượng có những đóng góp vô giá cho cộng đồng. Công tác chữa cháy của các nước trên thế giới có sự tham gia của đội ngũ tình nguyện viên rất lớn, nhà nước vẫn duy trì và quản lý hoạt động này, song sự vào cuộc của xã hội chiếm phần lớn các công việc.
Qua nghiên cứu các mô hình lực lượng chữa cháy tình nguyện của các nước trên thế giới có thể nhận thấy một số đặc điểm chung như sau:
(1) Đối tượng tham gia lực lượng chữa cháy tình nguyện rất đa dạng, ở mọi lứa tuổi, tầng lớp, họ tới từ đủ các ngành nghề - từ công nhân xây dựng cho tới luật sư (ở Phần Lan, công tác chữa cháy ở vùng nông thôn chủ yếu phụ thuộc vào các đội cứu hỏa tình nguyện; thậm chí, ở nước này còn có cả đội lính cứu hỏa nhỏ tuổi. Các em thường ở độ tuổi từ 10 đến 17 nhưng cũng có một số em chỉ từ 07 đến 09 tuổi).
(2) Các cá nhân, tổ chức tham gia lực lượng chữa cháy tình nguyện có thể được trả lương hoặc không. Điển hình như tổ chức “Lực lượng cứu hỏa nông thôn” (RFS) của Úc với khoảng hơn 72.000 thành viên ở mọi lứa tuổi và thành phần xã hội. Những người làm việc trong tổ chức tình nguyện này hoàn toàn không nhận lương hay trợ cấp từ Chính phủ. Đối với Mỹ thì lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp và lực lượng chữa cháy tình nguyện (đây là lực lượng chữa cháy lớn nhất và nổi tiếng nhất thế giới) có thể được trả lương. Nhưng điểm chung của các nước có lực lượng chưa cháy tình nguyện đó là họ đều được tạo điều kiện để thụ hưởng và phát triển các dịch vụ phúc lợi xã hội. Những người lính chữa cháy tình nguyện này có cơ hội học các kỹ năng an toàn và chuyên nghiệp để giúp ích cho chính bản thân họ và trong các môi trường nghề nghiệp khác. Là lính cứu hỏa tình nguyện, họ có thể đủ điều kiện nhận tín dụng thuế, chương trình hưu trí và thậm chí cả học bổng. Những người đảm nhận vai trò này thường làm công việc tình nguyện trong thời gian rảnh rỗi, mà vẫn có một công việc chính khác được trả lương. Với các chính sách mở và bảo đảm quyền lợi nhất định, chính phủ các nước đã huy động và duy trì được đội ngũ chữa cháy tình nguyện đông đảo và gắn bó lâu dài.
(3) Lực lượng cứu hỏa gồm có 02 thành phần: lực lượng chính quy (được nhà nước trả lương và được huấn luyện chính quy) và các nhân viên cứu hỏa tình nguyện. Trong đó, lực lượng chữa cháy tình nguyện tại các nước trên thế giới chiếm phần lớn lực lượng chữa cháy. Lực lượng chữa cháy chính quy, thuộc quản lý trực tiếp của chính phủ chỉ chiếm số lượng nhỏ, trong khi đó, mạng lưới lực lượng chữa cháy tình nguyện được phát triển và bố trí rộng khắp từ thành thị tới nông thôn (theo số liệu từ Hiệp hội Chống hỏa hoạn quốc gia Mỹ, 54% lính cứu hỏa là tình nguyện viên; con số này ở Pháp lên tới 80%; Bồ Đào Nha, có hơn 90% là tình nguyện viên). Điều đặc biệt, các cơ quan cứu hỏa tình nguyện ở nước này hoạt động dựa vào tiền tài trợ của các mạnh thường quân và nguồn thu từ việc họ phục vụ các sự kiện của tư nhân - những người trả tiền để đội cứu hỏa tình nguyện mua các trang thiết bị.
(4) Tất cả các đối tượng tham gia lực lượng chữa cháy tình nguyện đều phải đăng ký, được tuyển chọn và phải được tập huấn, huấn luyện bài bản, bảo đảm các điều kiện về sức khỏe và kỹ năng để tham gia chữa cháy.
Nếu một người dân muốn trở thành lính cứu hỏa tình nguyện, họ cần liên hệ với cơ quan cứu hỏa địa phương để tìm hiểu về các yêu cầu và thủ tục. Trước khi quyết định tham gia, người nộp đơn có thể tìm hiểu các điều kiện bảo đảm cho bản thân đáp ứng được các yêu cầu cơ bản nhất khi thực hiện nhiệm vụ này. Mặc dù mỗi phòng ban và mỗi cơ quan cứu hỏa sẽ có những yêu cầu khác nhau nhưng vẫn có một số yêu cầu chung, gồm: đã tốt nghiệp trung học, vượt qua bài kiểm tra lý lịch, có bằng lái xe…
Sau khi nộp đơn, ứng viên sẽ được sàng lọc hồ sơ hoặc phỏng vấn trước khi được nhận chính thức. Quá trình này thường bao gồm việc kiểm tra lý lịch, khám sức khỏe, xét nghiệm ma túy. Nếu cần phỏng vấn, ứng viên cũng có thể gặp các câu hỏi như: tại sao muốn trở thành lính cứu hỏa tình nguyện, chia sẻ về một thời điểm bạn phải vượt qua thử thách, chìa khóa để làm việc nhóm hiệu quả là gì, làm thế nào để giữ vóc dáng cân đối… Đặc biệt, thể lực là một yếu tố quan trọng cần có. Vì thế, thường sẽ có một bài kiểm tra thể lực để bảo đảm ứng viên đủ khả năng làm công việc nặng nhọc này.
Sau khi đã vượt qua tất cả các bài kiểm tra, ứng viên sẽ được đào tạo để có đủ kỹ năng và kiến thức xử lý các tình huống khẩn cấp, đặc biệt là cách dập lửa và thực hiện sơ cứu. Họ cũng có thể phải hoàn thành một số chứng chỉ hoặc nội dung đào tạo về kỹ thuật cứu sống cơ bản, hồi sức tim phổi, kỹ thuật viên y tế khẩn cấp… Lính cứu hỏa tình nguyện cũng được khuyến khích tham dự các hội thảo, học hỏi từ các chuyên gia và đọc thêm tài liệu tham khảo. Các cơ quan cứu hỏa thường đề nghị người tình nguyện tham gia đào tạo thường xuyên để ghi nhớ quy trình và cập nhật những tiến bộ của ngành.
Thực trạng phát triển lực lượng chữa cháy tình nguyện tại Việt Nam hiện nay
Tại Việt Nam, trong những năm qua, công tác xã hội hóa về PCCC đã xuất hiện ở một số lĩnh vực và đã đạt được những kết quả, cụ thể như: cho phép các cá nhân, tổ chức tham gia trong lĩnh vực hoạt động tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về PCCC (hiện nay, trên cả nước có khoảng 15 đơn vị đã đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm hoạt động kiểm định về PCCC); nhiều tổ chức, doanh nghiệp đăng ký hoạt động tư vấn thẩm định về PCCC, huấn luyện về nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy… (đến nay có khoảng 4.00 doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ PCCC). Để tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCCC đối với một số nội dung quản lý nhà nước về PCCC, trong thời gian sắp tới đây cũng sẽ bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh dịch vụ “thẩm tra về phòng cháy và chữa cháy” và “kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy” nhưng đặt dưới sự quản lý của Nhà nước dưới hình thức là các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời Chính phủ chịu trách nhiệm quy định chi tiết các nội dung này. Trên cơ sở đó, Bộ Công an tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành chính sách quản lý các doanh nghiệp, cơ sở làm dịch vụ thẩm tra về phòng cháy và chữa cháy, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy. Đối với các cơ sở, hộ gia đình không thực hiện được việc tự kiểm tra an toàn PCCC thì có thể thuê các đơn vị tư vấn kiểm tra an toàn PCCC để thực hiện hoạt động tự kiểm tra an toàn PCCC của đối tượng được kiểm tra. Đối với các cơ sở đã thực hiện hoạt động tư vấn kiểm tra an toàn PCCC thì cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH sẽ giảm số lần, số lượt kiểm tra an toàn PCCC của cơ sở theo quy định mà chỉ tiến hành kiểm tra đột xuất hoặc thực hiện hoạt động thanh tra PCCC.
Hiện nay, pháp luật về PCCC đã cho phép thành lập các cơ sở kinh doanh dịch vụ về tư vấn thẩm định về PCCC. Hơn nữa, trong pháp luật về quản lý xây dựng cũng cho phép sử dụng kết quả của đơn vị tư vấn thẩm tra đối với hồ sơ thiết kế về xây dựng để cơ quan quản lý về xây dựng xem xét cấp phép đối với hồ sơ thiết kế xây dựng công trình. Trong khi đó, thiết kế về PCCC là một bộ phận trong tổng thể thiết kế công trình. Vì vậy, việc bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ “thẩm tra về phòng cháy và chữa cháy” là cơ sở để Chính phủ, Bộ Công an ban hành các quy định cụ thể đối với các đối tượng công trình cần tổ chức tư vấn thẩm tra, thẩm định về PCCC và quy định cụ thể các thủ tục thẩm tra, thẩm định về PCCC để vừa rút ngắn thủ tục hành chính trong công tác thẩm định về PCCC, vừa nâng cao vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, thẩm tra về thực hiện quy định của pháp luật, quy chuẩn tiêu chuẩn về PCCC của dự án, công trình.
Đối với việc phát triển đội ngũ chữa cháy tình nguyện ở Việt Nam, nội dung này cũng đã được quy định tại Điều 46a Luật PCCC: “Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ sở, lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm tạo điều kiện, khuyến khích tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia phòng cháy và chữa cháy”.
Trên cơ sở quy định của pháp luật, trong thời gian qua, trên cả nước đã đẩy mạnh và phát triển rất đa dạng các loại hình PCCC mang tính xã hội và cộng đồng như: mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy; Điểm chữa cháy công cộng. Xuất hiện nhiều cá nhân, tổ chức hoạt động có liên quan đến công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ như Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel… Đặc biệt, gần đây Công an TP. Hà Nội và Công an TP. Hồ Chí Minh tổ chức Lễ ra mắt Trung tâm giáo dục cộng đồng về PCCC&CNCH. Trung tâm giáo dục cộng đồng về PCCC&CNCH ra mắt nhằm phổ biến kiến thức pháp luật và các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC&CNCH, hướng dẫn kỹ năng xử lý tình huống cháy nổ, thoát nạn tại hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh, nhà và chung cư cao tầng, nơi tập trung đông người.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các cá nhân, tổ chức tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ở Việt Nam vẫn mang tính tự phát, hoạt động độc lập và thường mang tính “thời vụ”, không lâu dài. Việc tự hoạt động dẫn đến rất nhiều các mối nguy hại và hệ quả pháp lý khi có sự cố xảy ra.
Có nhiều nguyên nhân làm cho việc phát triển đội ngũ chữa cháy tình nguyện tại Việt Nam còn hạn chế, như việc quy định của pháp luật chưa cụ thể và còn nhiều thủ tục khó khăn trong việc đăng ký tham gia của cá nhân, tổ chức (cá nhân tình nguyện tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy phải đăng ký với ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc, ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận, lập danh sách gửi cơ quan công an quản lý địa bàn; tổ chức tình nguyện tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy phải đăng ký với cơ quan công an quản lý địa bàn; tổ chức, cá nhân khi đã đăng ký tình nguyện tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy phải thực hiện nhiệm vụ và chịu sự chỉ đạo của đội trưởng, đội phó đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở hoặc người có thẩm quyền khác theo quy định)(2). Một nguyên nhân khác đó là các chế độ, chính sách đối với những người tham gia lực lượng PCCC tự nguyện chưa bảo đảm. Mặc dù là tổ chức tự nguyện, tuy nhiên, để bảo đảm duy trì và phát triển đội ngũ này cũng cần có các chế độ đãi ngộ phù hợp, hiện nay pháp luật mới chỉ quy định chung chung (chế độ, chính sách đối với cá nhân tình nguyện tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy được áp dụng như thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở)(3). Một số nước trên thế giới đã áp dụng rất nhiều chế độ đãi ngộ phù hợp để lôi kéo và giữ chân những người tham gia lực lượng PCCC tự nguyện.
Một số khuyến nghịXã hội hóa các hoạt động PCCC nói chung và phát triển đội ngũ phòng cháy và chữa cháy tình nguyện nói riêng là xu hướng của thế giới. Trong những năm vừa qua, lĩnh vực PCCC ở Việt Nam cũng đã được mở rộng, xã hội hóa các hoạt động cơ bản để huy động sức mạnh của cộng đồng và xã hội. Việc xây dựng, phát triển lực lượng phòng cháy và chữa cháy tình nguyện cũng đã được các cơ quan chức năng quan tâm, đầu tư và phát triển. Tuy nhiên, để phù hợp với đặc điểm tình hình chính trị, văn hóa ở Việt Nam, để phát huy hiệu quả hoạt động này, đồng thời bảo đảm đúng quy định của pháp luật, tác giả cho rằng cần chú trọng một số nội dung sau:
Một là, quán triệt quan điểm xã hội hóa không đồng nhất với giao cho xã hội và các tổ chức tự phát mà việc xây dựng, phát triển các lực lượng, hội, nhóm tham gia công tác PCCC phải đặt dưới sự quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Xã hội hóa công tác PCCC đồng thời tăng cường vai trò của Nhà nước trong việc bảo đảm tổ chức và cung ứng các dịch vụ đi kèm nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác PCCC tốt hơn. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động về PCCC là một phương thức phát triển công tác PCCC nói riêng và bảo đảm an ninh trật tự nói chung của Đảng và Nhà nước ta trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội hội chủ nghĩa, chứ không đơn thuần là tăng đóng góp của cộng đồng để giảm bớt gánh nặng ngân sách, nhân lực của Nhà nước hoặc hạn chế vai trò của Nhà nước.
Hai là, tổ chức triển khai có hiệu quả nội dung Điều 46a Luật PCCC về phòng cháy và chữa cháy tình nguyện. Với việc luật hóa nội dung trên đã tạo cơ sở và hành lang pháp lý quan trọng trong việc thu hút các cá nhân, tổ chức tham gia lực lượng phòng cháy và chữa cháy tình nguyện. Tuy nhiên, thực tế triển khai nội dung này còn gặp nhiều khó khăn, mang tính hình thức.
Bộ Công an (trực tiếp là Cục C07) cần tham mưu, xây dựng quy trình, quy chế và các nội dung liên quan để tổ chức triển khai có hiệu quả. Trong đó cần nhanh chóng thực hiện các quy định về thủ tục đăng ký tham gia phòng cháy, chữa cháy tình nguyện theo hướng đơn giản hóa thủ tục; tổ chức tập huấn, huấn luyện về chuyên môn cho các cá nhân tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ…; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội..., để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho những cá nhân tham gia hoạt động này.
Ba là, xây dựng, nhân rộng mô hình các Trung tâm giáo dục cộng đồng về PCCC&CNCH trên cả nước. Bên cạnh việc tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và giới thiệu các kiến thức, kỹ năng về PCCC tại các trung tâm này cần tổ chức các buổi sinh hoạt, giao lưu giữa những cá nhân đã trực tiếp tham gia chữa cháy, cứu hộ cứu nạn trong các vụ cháy với người dân. Đây là một hình thức tuyên truyền có giá trị rất lớn, vừa gần gũi lại thu hút và lan tỏa được tinh thần cống hiến, tham gia của các đối tượng khác.
Bốn là, bảo đảm các quyền và lợi ích cho những người tham gia phòng cháy và chữa cháy tình nguyện. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tham mưu, đề xuất trong việc đa dạng hóa hình thức hỗ trợ cho các cá nhân tham gia chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, bên cạnh việc trao giấy khen, tiền thưởng cần có các chính sách hỗ trợ về đời sống để các cá nhân yên tâm cống hiến, đồng thời tôn vinh lâu dài những tấm gương này. Các chế độ xã hội như miễn phí dịch vụ đi lại công cộng (vé xe bus, tàu điện trên cao…); tổ chức học tập, bồi dưỡng kiến thức về PCCC&CNCH miễn phí…
(1) Hoàng Ngọc Hải, Đào Hữu Dân, Giáo trình Quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2020, tr 149.
(2) Khoản 1, 2 Điều 32 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
(3) Khoản 3 Điều 32 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.