/ Luật sư - Bạn đọc
/ Phó trưởng Công an phường bắt người, đánh phụ nữ ở Cao Bằng có thể đối diện với 2 tội danh

Phó trưởng Công an phường bắt người, đánh phụ nữ ở Cao Bằng có thể đối diện với 2 tội danh

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Luật sư cho rằng, theo nội dung clip từ camera an ninh ghi lại thì hành vi của Phó trưởng Công an phường ở Cao Bằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật của tội "Cố ý gây thương tích" và "Bắt người trái pháp luật". Do đó, cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ sự việc để xử lý theo quy định của pháp luật.

Hình ảnh được camera an ninh ghi lại.

Tạm đình chỉ Phó trưởng Công an phường bắt người, đánh phụ nữ ở Cao Bằng

Vừa qua, Công an tỉnh Cao Bằng đã tạm đình chỉ công tác của Phó trưởng Công an phường Sông Bằng (TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) liên quan một đoạn clip gây xôn xao dư luận ngày 02/5.

Theo đó, camera giám sát của một tiệm cắt tóc ở phường Đề Thám, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng quay lại cảnh 6 người, trong đó có 3 người mặc quần áo Công an đi trên ô tô xuống trước cửa tiệm cắt và xảy ra xô xát. Một người mặc quần áo giống Công an lôi kéo nam thanh niên trẻ (mặc áo vàng) ở quán cắt tóc lên xe ô tô nhưng bị những người có mặt ngăn cản. Trong lúc giằng co, một người đàn ông mặc áo trắng từ xe bước xuống tát thẳng mặt nam thanh niên mặc áo vàng và một cô gái, sau đó người đàn ông mặc áo trắng tiếp tục đẩy mạnh khiến cô gái này suýt ngã.

Vụ việc chỉ được dừng lại khi Công an phường sở tại có mặt để giải quyết thì người đàn ông hành hung cô gái và 2 người mặc quần áo giống Công an mới chịu rời đi.

Trao đổi với báo chí, Trung tá Hoàng Đình Dũng - Trưởng Công an phường Đề Thám, TP. Cao Bằng cho biết, người có hành vi hành hung cô gái mặc áo màu nâu và nam thanh niên mặc áo vàng như trong clip đăng tải lên mạng xã hội là một vị Phó trưởng Công an phường Sông Bằng, TP. Cao Bằng.

Lãnh đạo Công an tỉnh Cao Bằng cho biết đã giao Công an TP. Cao Bằng làm báo cáo về vụ việc Phó trưởng Công an phường lao vào tiệm tóc đánh phụ nữ; đồng thời Công an tỉnh sẽ yêu cầu Công an TP. Cao Bằng điều tra, làm rõ sự việc này.

Có thể đối diện với 2 tội danh

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng cần xem xét và xử lý nghiêm về hành vi đánh phụ nữ và bắt giữ người trái pháp luật của Phó trưởng Công an phường theo phản ánh. Nếu kết quả xác minh chưa đến mức xử lý hình sự thì cũng phải xem xét kỷ luật thích đáng với vị cán bộ Công an phường này vì đã vi phạm kỷ luật Công an nhân dân.

Theo nội dung clip từ camera an ninh ghi lại thì hành vi của Phó trưởng Công an phường này có dấu hiệu vi phạm pháp luật của tội "Cố ý gây thương tích" và "Bắt người trái pháp luật" nên cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ sự việc để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp, người phụ nữ đi thăm khám, đề nghị giám định thương tích và có thương tích xảy ra thì dù tỉ lệ thương tích chưa tới 11%, Phó trưởng Công an phường này vẫn có thể bị xử lý hình sự về tội "Cố ý gây thương tích" theo Điều 134 Bộ luật Hình sự khi nạn nhân có yêu cầu.

Tội "Bắt người trái pháp luật" không phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại. Vì vậy trong trường hợp người bị hại không có yêu cầu nhưng kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy có đủ căn cứ xác định hành vi bắt giữ người trái pháp luật thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự để xử lý người vi phạm về tội "Bắt người trái pháp luật" theo Điều 157 Bộ luật Hình sự. 

Theo quy định của pháp luật thì cơ quan chức năng chỉ được phép bắt người phạm tội quả tang, bắt người theo lệnh truy nã, bắt bị can để tạm giam, bắt bị cáo để thi hành hình phạt tù, giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Tất cả các hoạt động tố tụng này phải theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và phải được Viện Kiểm sát cùng cấp phê chuẩn. Việc bắt giữ người phải được thực hiện theo quy trình, quy định của pháp luật. Khi bắt người phải có lệnh bắt người, công bố lệnh và có sự giám sát của Viện Kiểm sát cùng cấp. Người bị bắt có quyền được biết mình bị bắt vì lý do gì và được quyền khiếu nại đối với quyết định bắt người.

Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền tự do thân thể của công dân. Hành vi bắt giữ người phải được thực hiện theo quy định của pháp luật. Ngoài các trường hợp pháp luật quy định, cho phép bắt người thì các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như tất cả các tổ chức, cá nhân không được phép bắt giữ người, những trường hợp bắt giữ người ngoài trường hợp luật pháp quy định là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau: 

Điều 157. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người đang thi hành công vụ;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Đối với 02 người trở lên;

e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;

h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát;

b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện nay thì tội "Bắt giữ người trái pháp luật" có mức hình phạt cao nhất đến 12 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính pháp.

Cần xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật

Chia sẻ thêm, Luật sư Cường cho biết, đối với cán bộ, công chức, đặc biệt là Công an thì hành vi ứng xử với nhân dân phải đúng chuẩn mực, có văn hóa, thể hiện thái độ tôn trọng nhân dân, phục vụ nhân dân. Những hành vi lạm quyền, coi thường pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân thì cần phải xem xét xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì ngoài trách nhiệm pháp lý còn bị kỷ luật công chức và kỷ luật đảng. Với hành vi đánh người, bắt giữ người trái pháp luật thì mức hình thức kỷ luật có thể là tước danh hiệu Công an nhân dân và khai trừ ra khỏi đảng.

Theo quy định của pháp luật hiện nay thì việc xử lý kỷ luật công chức vi phạm sẽ được thực hiện theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP. Theo đó mức hình thức kỷ luật có thể áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là: Khiển trách; Cảnh cáo; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc.

"Có thể thấy, vụ việc này rất nghiêm trọng, làm xấu đi hình ảnh của người chiến sĩ Công an nhân dân, đe dọa đến sức khỏe, quyền được bảo vệ thân thể, danh dự uy tín của công dân. Vì vậy dù nạn nhân không đề nghị xử lý thì cơ quan chức năng vẫn cần vào cuộc xem xét xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Với bất cứ nguyên nhân gì thì hành vi của cán bộ Công an đánh người, đặc biệt là đánh phụ nữ là hành vi không thể chấp nhận được", Luật sư Cường nói.

TIẾN HƯNG

Thực tiễn hoạt động bào chữa của Luật sư trong tố tụng hình sự

Lê Minh Hoàng