/ Pháp luật - Đời sống
/ Phụ huynh phải trả tiền cho những bài trong sách giáo khoa mà con mình không được học, tình trạng này kéo dài đến bao giờ?

Phụ huynh phải trả tiền cho những bài trong sách giáo khoa mà con mình không được học, tình trạng này kéo dài đến bao giờ?

19/04/2023 11:08 |

(LSVN) - Năm học 2023 – 2024 tới đây, chuyện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không thể cung cấp đủ sách giáo khoa đầu năm học là hoàn toàn có thể xảy ra, và nó không chỉ dừng lại ở diện “một vài địa phương” như năm 2022 mà có thể là ở tất cả các địa phương chọn sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Mỗi năm cả nước có khoảng 20 triệu học sinh, với công bố nắm giữ hơn 70% thị phần sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục, vậy bao nhiêu học sinh sẽ thiếu sách học?

Đầu năm học 2022 – 2023, báo chí từng lên tiếng gay gắt vì tình trạng vào năm học mới nhưng học sinh không có sách giáo khoa để học. Cụ thể, Báo laodong.vn ngày 10/9/2022 có bài “Vì sao vào đầu năm học mới, học sinh vẫn chưa có đủ sách giáo khoa” ghi nhận tình trạng thiếu sách giáo khoa khi năm học mới bắt đầu; ngày 22/9/2022, Báo nld.com.vn có bài “Nhiều nơi vẫn thiếu sách giáo khoa” cho biết “phụ huynh khốn khổ vì chạy ngược xuôi tìm sách cho con. Dù phải đi gom từ rất nhiều nhà sách nhưng vẫn chưa đủ bộ”; ngày 20/9/2022, Báo danviet.vn có bài “Một số trường vẫn thiếu sách giáo khoa, học sinh phải dùng bản photo và điện tử”…

Trước tình trạng này, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải lên tiếng, giải thích nguyên nhân là do dịch Covid-19 khiến các Hội đồng Thẩm định họp muộn, việc công bố danh mục sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 lựa chọn sử dụng trong nhà trường diễn ra chậm hơn nhiều so với thời gian quy định nên các Nhà xuất bản không in sách kịp tiến độ.

Năm học 2022 – 2023 sắp kết thúc, tình hình dịch bệnh cũng thuyên giảm và không còn gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống thường ngày, ngỡ rằng nỗi lo thiếu sách giáo khoa năm cũ đã nguôi ngoai. Đùng cái, ngày 12/4/2023, trong buổi làm việc với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, kết luận của Bộ trưởng có đoạn: “Cân nhắc thời điểm đăng tải sách giáo khoa PDF trong trường hợp sách giấy chậm tiến độ, công bố rộng rãi để xã hội biết và đảm bảo người dùng dễ tiếp cận và dễ sử dụng”. Điều này cộng với đồn đoán Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang thiếu nguồn giấy in sách giáo khoa trong dư luận lâu nay càng có cơ sở. 

1 trang trong Thông báo kết luận của Bộ trưởng về buổi làm việc với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Việt Nam ngày 12/4/2023.

Như vậy, năm học 2023 – 2024 tới đây, chuyện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không thể cung cấp đủ sách giáo khoa đầu năm học là hoàn toàn có thể xảy ra, và nó không chỉ dừng lại ở diện “một vài địa phương” như năm 2022 mà có thể là ở tất cả các địa phương chọn sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Mỗi năm cả nước có khoảng 20 triệu học sinh, với công bố nắm giữ hơn 70% thị phần sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục, bao nhiêu học sinh sẽ thiếu sách học?

Việc Nhà xuất bản Giáo dục công bố bản PDF sách giáo khoa không phải là cách làm để giải quyết triệt để vấn đề. Anh Phạm Phú H. phụ huynh có 2 con đang học nói: “Mỗi quyển sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục tôi mua cho con tôi là hơn 20 nghìn đồng. Nhưng chỉ in 2 tuần từ bản PDF cho con tôi học tạm, số tiền mỗi môn đã vượt quá giá quyển sách đó, đây là sự lãng phí rất lớn”.

Chị Nguyễn Ngọc O. bức xúc: “Năm ngoái, tôi phải in cho con tôi học 2 tuần trước khi mua được sách giáo khoa. Nghĩa là trong các quyển sách giáo khoa đó, mỗi quyển có 2 tuần con tôi không được học, nhưng tôi vẫn phải trả tiền cho những bài con tôi không học đó. Nếu tính rộng ra cả nước, phụ huynh phải trả tiền cho những bài mà con mình không học như vậy là rất nhiều. Tại sao chúng tôi lại phải làm việc này?”. 

Sắp bước vào năm học 2023- 2024, nếu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không cung cấp đủ sách giáo khoa cho những địa phương lựa chọn bộ sách của họ, liệu họ có phải chịu trách nhiệm, hay vẫn bắt phụ huynh tiếp tục trả tiền cho những bài mà con họ không được học. Các địa phương biết trước tình trạng có thể sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ chậm tiến độ, gây nhiều khó khăn cho việc dạy và học, nhưng vẫn khăng khăng lựa chọn một bộ sách duy nhất của Nhà xuất bản Giáo dục, liệu có phải chịu trách nhiệm? Vai trò của Bộ Giáo dục ở đâu nếu sự việc được nhìn thấy trước, cảnh báo trước vẫn có thể xảy ra? Xã hội đang chờ câu trả lời từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và đơn vị chủ quản của họ.

MINH CHÂU

Năm học 2023 – 2024, nếu học sinh thiếu sách giáo khoa để học, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Bùi Thị Thanh Loan