/ Pháp luật - Đời sống
/ Bản án đã có hiệu lực nhưng Vietcombank Chi nhánh Sóc Trăng không thi hành án: Ý kiến của Luật sư 

Bản án đã có hiệu lực nhưng Vietcombank Chi nhánh Sóc Trăng không thi hành án: Ý kiến của Luật sư 

15/12/2023 14:47 |

(LSVN) - Thời gian gần đây các báo như Sài Gòn giải phóng, Báo Công lý, Tạp chí Luật sư Việt Nam,...đã phản ánh liên quan tới vụ việc “Ngân hàng Vietcombank Sóc Trăng không thi hành bản án có hiệu lực”. Dư luận đang đòi hỏi các cơ quan tư pháp ở Sóc Trăng nhanh chóng vào cuộc để bảo vệ công lý và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người được thi hành án khi án đã có hiệu lực pháp luật.

Ảnh minh họa.

Phóng viên đã có buổi làm việc với vợ chồng ông Đỗ Ngọc Quí và bà Nguyễn Thị Mỹ Linh. Qua trình bày của vợ chồng ông Quí, bà Linh và theo hồ sơ do bà Nguyễn Thị Mỹ Linh cung cấp được biết: Vào ngày 23/12/2020 của TAND TP. Sóc Trăng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai “vụ án tranh chấp Hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam và bị đơn là Công ty TNHH Kim Anh.

Theo Bản án số 13/2020/KDTM-ST của TAND TP. Sóc Trăng, thì TAND TP. Sóc Trăng đã chấp nhận yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Mỹ Linh và Tòa án đã tuyên Hợp đồng thế chấp số 105/2011/VCB.ST ngày 03/10/2011 là vô hiệu.

Không đồng ý với phán quyết của TAND TP. Sóc Trăng, nên Vietcombank đã kháng cáo. Ngày 28/02/2022, TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm đã bác yêu cầu độc lập của bà Nguyễn Thị Mỹ Linh và công nhận cho Vietcombank có quyền xử lý các tài sản thế chấp tại Hợp đồng thế chấp số 105/2011/VCB.ST.

Công ty TNHH Kim Anh và bà Linh có đơn đề nghị TAND Cấp cao tại TP. HCM xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Ngày 28/5/2022, VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị TAND Cấp cao tại TP. HCM hủy toàn bộ bản án phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Ngày 30/11/2022, Ủy ban Thẩm phán của TAND Cấp cao tại TP.HCM đã xét xử và chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP.HCM, tuyên hủy án phúc thẩm của TAND tỉnh Sóc Trăng, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND TP. Sóc Trăng.

Ngày 10/11, tại trụ sở Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Sóc Trăng, chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Sóc Trăng đã cùng cơ quan chức năng thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án, buộc ngân hàng xóa thế chấp 5 tài sản cho Công ty Kim Anh và vợ chồng bà Nguyễn Thị Mỹ Linh (ngụ phường 2, TP. Sóc Trăng). Việc cưỡng chế này thực hiện theo Quyết định giám đốc thẩm đã có hiệu lực pháp luật số 33/2022/KDMT-GĐT của TAND Cấp cao tại TP.HCM.

Mặc dù đã được, chấp hành viên động viên, thuyết phục đại diện Vietcombank Sóc Trăng xóa thế chấp và giao trả các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho gia đình bà Linh. Tuy nhiên, lấy lý lo Công ty Kim Anh vi phạm hợp đồng tín dụng, nghĩa vụ trả nợ và cần xin ý kiến của Hội sở và VKSND Tối cao có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 04/QĐ-VKS-KDTM ngày 13/11/2023 đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Cấp cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm đã có hiệu lực pháp luật số 33/2022/KDMT-GĐT của TAND Cấp cao tại TP.HCM nên Ngân hàng Vietcombank đã không chịu giao Giấy CNQSDĐ và xóa thế chấp đối với các tài sản của ông Quí và bà Linh.

Do hành vi chống đối, không chịu hợp tác thi hành án của Vietcombank Sóc trăng, nên trước đó, vào ngày 24/8/2023, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng đã có công văn gửi Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Sóc Trăng và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Sóc Trăng đề nghị huỷ Giấy CNQSDĐ đã cấp và cấp lại Giấy CNQSDĐ cho người được thi hành án là gia đình bà Linh.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Mạnh Linh, Giám Đốc Công ty Luật TNHH Tân Đại Thịnh và Công sự cho rằng: “Quyết định giám đốc thẩm số 33/2022/KDMT-GĐT của TAND Cấp cao tại TP.HCM đã có hiệu lực pháp luật do đó căn cứ theo Điều 106, Hiến pháp 2013 thì: “Bản án, quyết định của TAND có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Việc Ngân hàng Vietcombank nhiều lần từ chối thực hiện các quyết định của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng là hành vi chống đối và vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Hành vi này đã làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp của công dân và tạo ra nhiều dư luận xấu trong xã hội. 

Theo Luật sư Linh thì việc, những cá nhân có trách nhiệm của Ngân hàng Vietcombank cố tình không chấp hành bản án thì tùy theo tính chất, mức độ và hành vi vi phạm của từng cá nhân mà những người có trách nhiệm trong Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Sóc Trăng có thể bị xử lý hình sự theo Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc Vietcombank Sóc Trăng có thể bị phạt tiền theo Điều 64 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.

Cũng theo Luật sư, trong trường hợp người phải thi hành án không giao, trả giấy tờ cho người được thi hành án theo nội dung bản án, quyết định thì chấp hành viên cưỡng chế buộc người phải thi hành án giao, trả giấy tờ đó. Trường hợp không thu hồi được Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và giấy tờ về tài sản khác thì Chấp hành viên có thể căn cứ theo khoản 4 Điều 106 của Luật Thi hành án dân sự để đề nghị cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Chính phủ. Sau 30 ngày ra thông báo nếu không phát sinh vấn đề gì mới, văn phòng đăng ký đất đai sẽ cấp Giấy CNQSDĐ cho vợ chồng bà Linh. Việc Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng có văn bản gửi Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Sóc Trăng và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Sóc Trăng đề nghị huỷ Giấy CNQSDĐ đã cấp và cấp lại Giấy CNQSDĐ cho người được thi hành án là gia đình bà Linh là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật và rất linh động trong việc xử lý công việc.

Tuy nhiên, vào ngày 13/11/2023 VKSND Tối cao có Quyết Định kháng nghị giám đốc thẩm số 04/QĐ-VKS-KDTM để đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Cấp cao xem xét lại Quyết định giám đốc thẩm đã có hiệu lực pháp luật số 33/2022/KDMT-GĐT của TAND Cấp cao tại TP.HCM. Theo quyết định kháng nghị giám đốc thẩm thì VKSND Tối cao quyết định tạm đình chỉ quyết định giám đốc thẩm nói trên đến khi có quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Đây là Quyết định trái với tinh thần của pháp luật, bởi thì theo khoản 2 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định thì: Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định của Toà án chỉ được yêu cầu hoãn thi hành án một lần để xem xét kháng nghị nhằm tránh hậu quả không thể khắc phục được. Thời hạn hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định là không quá 3 tháng, kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án.

Trao đổi với Luật gia Nguyễn Văn Mạnh, ông cho biết: Trước hết, về quy định đối với bản án phúc thẩm, theo quy định tại khoản 6 Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. Do đó, bản án phúc thẩm là bản án có hiệu lực thi hành ngay. Tòa án phải giải thích về quyền yêu cầu, nghĩa vụ và thời hiệu thi hành án cho đương sự trong Bản án, quyết định. Cụ thể Điều 26 của Luật Thi hành án dân sự quy định: “Khi ra bản án, quyết định, Tòa án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Trọng tài thương mại phải giải thích cho đương sự, đồng thời ghi rõ trong bản án, quyết định về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án".

Luật gia Nguyễn Văn Mạnh.

Thứ hai, về việc hoãn thi hành đối với bản án dân sự có hiệu lực pháp luật, theo Luật gia Nguyễn Văn Mạnh, căn cứ quy định tại Điều 48 Luật Thi hành án dân sự và Điều 14 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự thì căn cứ hoãn thi hành án dân sự cần được phân biệt bởi hai trường hợp như sau:

- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn chủ yếu vì lý do khách quan như: Khi người phải thi hành án bị ốm nặng, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án; chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án; đương sự đồng ý hoãn thi hành án; tài sản để thi hành án đã được Tòa án thụ lý để giải quyết,…

Luật không quy định thời hạn hoãn đối với quyết định hoãn của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự trong những trường hợp này.

- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị.

Đối với trường hợp này Luật quy định rõ về thời điểm tiếp nhận yêu cầu cũng như thời hạn hoãn:

- Thời điểm tiếp nhận yêu cầu chia làm hai mốc cụ thể:

+ Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn ít nhất 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế thi hành án đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế.

+ Trường hợp cơ quan thi hành án nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít hơn 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có quyền quyết định hoãn thi hành án khi xét thấy cần thiết. Trường hợp này được hiểu là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có quyền quyết định hoãn hoặc không.

- Số lần yêu cầu hoãn: Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án (Chánh án TAND Tối cao và và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Chánh án TAND Cấp cao và Viện Kiểm sát tương đương) chỉ được yêu cầu hoãn thi hành án một lần để xem xét kháng nghị nhằm tránh hậu quả không thể khắc phục được.

Thời hạn hoãn: Thời hạn hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định không quá 03 tháng, kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án.

Qua xem xét hồ sơ vụ án và xem xét hợp đồng thế chấp nói trên, có thể thấy tại thời điểm ký hợp đồng thế chấp, Phó Giám đốc Chi nhánh ngân hàng ký kết hợp đồng thế chấp với khách hàng nhưng không có văn bản uỷ quyền kèm theo, như vậy nếu xem xét theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 117 Bộ luật dân sự, và tại Khoản 2 điều điều kiện về chủ thể là một trong những điều kiện bắt buộc khi ký kết hợp đồng tín dụng, nếu vi phạm sẽ dẫn đến hợp đồng tín dụng bị vô hiệu. Vậy chiếu theo quy định của pháp luật thì chủ thể trên đã có đủ thẩm quyền hay chưa? Và liệu Hợp đồng số 105/2011/VCB-ST ngày 03/10/2011 do Phó Giám đốc Nguyễn Thị Bích Dung ký có vô hiệu ngay từ khi đặt bút ký hay không?

Theo dõi quá trình xử lý vụ việc, chúng tôi thấy nếu như Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng có văn bản gửi Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Sóc Trăng và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Sóc Trăng để phối hợp đề nghị huỷ Giấy CNQSDĐ đã cấp và cấp lại Giấy CNQSDĐ cho người được thi hành án là gia đình bà Linh sớm hơn thì có lẽ vụ việc đã không có kết quả như ngày hôm nay.

Dư luận cho rằng Viện Kiểm sát Tối cao và Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng cần xem xét tới vấn đề này để tránh mất thời gian của các cơ quan tiến hành tố tụng, thời gian, tiền bạc của những người tham gia tố tụng và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cùng chi phí của Nhà nước do bị kéo dài.

VIỆT HÙNG

Vì sao Vietcombank nhiều lần không chấp hành quyết định cưỡng chế thi hành án

Bùi Thị Thanh Loan