/ Pháp luật - Đời sống
/ Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật

11/01/2022 10:24 |

(LSVN) - Chiều 11/01, với tỉ lệ 87,37% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút tán thành việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật.

Kết quả biểu quyết cho thấy, có 436/466 đại biểu Quốc hội có mặt (chiếm 87,37%) tán thành với việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự

Tại Kỳ họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật trên.

Theo đó, ngày 06/01/2022 và ngày 10/01/2022, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Luật, tổng hợp có 273 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại Tổ và 31 ý kiến phát biểu, 9 ý kiến tranh luận tại Hội trường. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và có báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình đầy đủ gửi đại biểu Quốc hội.

Cụ thể, với Luật Đầu tư công, Quốc hội thống nhất sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 17: Sửa đổi, bổ sung điểm b và điểm c khoản 4 như sau: “Chương trình, dự án đầu tư nhóm A sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, trừ chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này”.

Với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư: Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 12 sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 12: “Dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công sử dụng một hoặc một số nguồn vốn sau: Vốn ngân sách Trung ương do bộ, cơ quan Trung ương quản lý; vốn vay ODA; vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài”.

Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 của Luật Nhà ở: “Có quyền sử dụng đất hợp pháp thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, điểm b khoản này mà việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp thuộc diện Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật”.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu: Bổ sung Điều 33a vào sau Điều 33: “Các hoạt động thực hiện trước đối với dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi. Việc lập, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm của dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi được thực hiện trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi”.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực: Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 4: “Xây dựng và phát triển thị trường điện lực theo nguyên tắc công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, có sự điều tiết của Nhà nước để nâng cao hiệu quả trong hoạt động điện lực; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện; thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh và theo quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và tư vấn chuyên ngành điện lực.

Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng”.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp: Sửa đổi, bổ sung tên điều và đoạn mở đầu Điều 50, khoản 3 như sau: “Trường hợp chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp thì biên bản này có hiệu lực nếu được tất cả thành viên khác của Hội đồng thành viên đã tham dự và đồng ý thông qua biên bản họp ký và có đầy đủ nội dung theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 2 Điều này. Biên bản họp ghi rõ việc chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp. Người ký biên bản họp chịu trách nhiệm liên đới về tính chính xác và trung thực của nội dung biên bản họp Hội đồng thành viên. Chủ tọa, người ghi biên bản chịu trách nhiệm cá nhân về thiệt hại xảy ra đối với doanh nghiệp do từ chối ký biên bản họp theo quy định của Luật này, Điều lệ công ty và pháp luật có liên quan”.

Bên cạnh đó, còn sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 109 Luật Doanh nghiệp như sau: “Báo cáo và tóm tắt báo cáo tài chính giữa năm, bao gồm cả báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất (nếu có); việc công bố phải thực hiện trước ngày 31 tháng 7 hằng năm”. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 217 như sau: “Căn cứ vào quy định của Luật này, Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn do doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật này nắm giữ 100% vốn điều lệ”.

Với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 4 Mục I của Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt tại Điều 7 của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự đã dành cho Điều 55 như sau:

“Điều 55. Ủy thác thi hành án và ủy thác xử lý tài sản

1. Cơ quan thi hành án dân sự phải ủy thác thi hành án trong các trường hợp sau đây:

a) Ủy thác thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở sau khi đã xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên trên địa bàn có liên quan đến khoản ủy thác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này.

Trường hợp thi hành nghĩa vụ về tài sản thì ủy thác đến cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản; trường hợp không xác định được nơi có tài sản thì ủy thác đến cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án làm việc, cư trú hoặc có trụ sở.

Trường hợp thi hành nghĩa vụ liên đới mà người phải thi hành án làm việc, cư trú, có trụ sở hoặc có tài sản ở các địa phương khác nhau thì ủy thác toàn bộ nghĩa vụ thi hành án đến cơ quan thi hành án dân sự thuộc một trong các địa phương nơi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án;

b) Ủy thác thi hành án đối với khoản phải thi hành án cụ thể có tài sản bảo đảm theo bản án, quyết định cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản.

2. Cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản trên địa bàn, đồng thời có thể ủy thác xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản được bản án, quyết định tuyên kê biên, phong tỏa hoặc xử lý tài sản để bảo đảm thi hành án mà tài sản ở nhiều địa phương khác nhau”.

HỒNG HẠNH

Trường hợp nào người vi phạm được bảo quản phương tiện giao thông vi phạm?

Lê Minh Hoàng