/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Quy định của pháp luật về nhận nuôi con nuôi và những bất cập

Quy định của pháp luật về nhận nuôi con nuôi và những bất cập

22/06/2023 06:21 |

(LSVN) - Nuôi con nuôi là một vấn đề nhân đạo, có ý nghĩa vô cùng sâu sắc trong đời sống xã hội. Chính vì vậy, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, đảm bảo lợi ích tốt nhất của người được nhận nuôi, cũng như xây dựng các quy tắc xử sự chung trong quan hệ cha, mẹ nuôi – con nuôi, Nhà nước đã ban hành Luật Nuôi con nuôi. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng vẫn còn một số bất cập về độ tuổi nhận nuôi con nuôi.

Ảnh minh họa.

Quy định của pháp luật về nhận nuôi con nuôi

Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về điều kiện của người được nhận làm con nuôi như sau:

“1. Trẻ em dưới 16 tuổi

2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;

b) Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.

Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi.”

Trẻ em là đối tượng đầu tiên được hướng đến trong việc nhận con nuôi. Bởi lẽ, những người ở độ tuổi này chưa có sự trưởng thành nhất định về cả thể chất lẫn tinh thần, họ rất cần sự chăm sóc, quan tâm, nuôi dưỡng và sự giáo dục từ người lớn. Tại Việt Nam, pháp luật quy định cụ thể về độ tuổi của người được nhận làm con nuôi. Cụ thể, đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên không thể trở thành con nuôi của người khác.  

Điều kiện đối với người nhận nuôi con nuôi

Để có thể tạo điều kiện cho người được nhận nuôi được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, phát triển toàn diện trong môi trường tốt nhất, thì cha, mẹ nuôi cần phải đảm bảo đủ các điều kiện được quy định tại Điều 14 của Luật Nuôi con nuôi 2010 như sau:

 “Điều 14. Điều kiện đối với người nhận con nuôi

1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

d) Có tư cách đạo đức tốt.

2. Những người sau đây không được nhận con nuôi:

a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

c) Đang chấp hành hình phạt tù;

d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

3. Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 điều này”.

Đối với trường hợp người Việt Nam định cư tại nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi thì ngoài các điều kiện nêu trên, người đó còn phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật tại quốc gia nơi người đó thường trú. Song song đó, các điều kiện nhận nuôi con của người nước ngoài thường trú ở quốc gia khác hay trường hợp người Việt Nam nhận trẻ nước ngoài làm con nuôi cũng được quy định cụ thể tại Điều 28, Điều 40 Luật Nuôi con nuôi 2010 cùng các luật khác có liên quan.

Bất cập về độ tuổi nhận nuôi con nuôi

Bên cạnh quy định về độ tuổi của người được nhận nuôi thì tại điểm b khoản 1 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 có quy định cha, mẹ nuôi phải lớn hơn con nuôi ít nhất là 20 tuổi. Quy định này đặt ra nhằm đảm bảo cha, mẹ nuôi có đủ điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở trong việc nuôi con. Tuy nhiên, không có quy định cụ thể về độ tuổi của cha, mẹ nuôi và con nuôi. Điều này dẫn đến việc các cặp vợ chồng lớn tuổi gặp khó khăn trong việc nhận con nuôi. 

Ví du: Bà X. đã 65 tuổi, không có chồng con, đảm bảo điều kiện về sức khỏe, kinh tế. Vừa qua, bà nhặt được đứa trẻ vài tháng tuổi bị bỏ rơi, bà đã trình báo với chính quyền địa phương và mong muốn được nhận cháu bé làm con nuôi để quan tâm chăm sóc, thủ thỉ lúc về già.

Xét 02 trường hợp xảy ra:

- Trường hợp 1: Công chức Tư pháp – Hộ tịch giải quyết cho bà làm mẹ nuôi của cháu bé. Bà X. đã đáp ứng điều kiện về độ tuổi (cách cháu bé hơn 20 tuổi). Nếu cháu bé trở thành con nuôi của bà X. thì liệu rằng bà X. có thể chăm lo, dạy dỗ đến khi cháu bé trưởng thành. Điều này lại không đảm bảo mục đích của việc nuôi con nuôi là nhằm tạo ra mái ấm gia đình bền vững cho trẻ em. Thực tế, khi tiếp nhận những hồ sơ tương tự, công chức Tư pháp – Hộ tịch thường từ chối hồ sơ đăng ký vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

- Trường hợp 2: Công chức Tư pháp – Hộ tịch từ chối hồ sơ đăng ký của bà X. Điều này tạo ra sự bất cập, trong khi ở thời điểm hiện tại, bà X. đáp ứng đủ điều kiện để nhận nuôi cháu bé, nhưng bị từ chối hồ sơ.

Về nguyên tắc chung, việc nuôi con nuôi nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, nhằm mang đến lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình (Điều 2 Luật Nuôi con nuôi 2010), việc từ chối hồ sơ của công chức Tư pháp – Hộ tịch là hợp tình, hợp lý. Tuy nhiên, điều này không mang lại lợi ích tốt nhất cho trẻ, mà còn có thể khiến trẻ rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì không nhận được sự nuôi dưỡng, quan tâm, chăm sóc.

Kiến nghị

Từ bất cập nêu trên, tác giả kiến nghị việc quy định độ chênh lệch tối thiểu và tối đa về tuổi tác giữa cha, mẹ nuôi – con nuôi sẽ tạo được sự chặt chẽ trong quy định của pháp luật.

Từ đó, tạo điều kiện để các cá nhân có nhu cầu nhận con nuôi, đặc biệt là những cặp vợ, chồng không có khả năng sinh con có thể dễ dàng trong việc lập kế hoạch, xây dựng lối sống, hoàn thiện về mặt vật chất lẫn tinh thần nhằm đáp ứng đầy đủ điều kiện nhận con nuôi. Mở ra cho người được nhận nuôi tương lai tươi sáng khi có gia đình quan tâm, chăm sóc, góp phần phát triển xã hội bền vững. 

Nhìn chung, đa số các trẻ em được nhận nuôi đều có hoàn cảnh khó khăn, cần sự chăm sóc, giúp đỡ. Việc đặt ra các quy định trên, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được nhận nuôi. Tuy nhiên, những quy định của pháp luật về vấn đề này cũng không tránh khỏi những điểm bất cập, thiếu sót làm sai lệch đi phần nào mục đích mà những quy định đó hướng đến. Vì vậy, cần có sự quan tâm sâu sát, sửa đổi của các cơ quan lập pháp nhằm hoàn thiện hơn quy định của pháp luật về việc nuôi con nuôi. 

PHẠM MINH ĐÔ

Tòa án quân sự Quân khu 7

Bùi Thị Thanh Loan