/ Tích hợp văn bản mới
/ Quy định mới về tổ chức đại diện người lao động trong Bộ luật Lao động 2019

Quy định mới về tổ chức đại diện người lao động trong Bộ luật Lao động 2019

05/01/2021 18:14 |

(LSVN) - Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 quy định về tổ chức đại diện người lao động tại Chương XIII: Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (từ Điều 170 đến Điều 178). Theo đó, người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và lựa chọn tham gia vào một trong các tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệpthay vì một tổ chức đại diện là tổ chức Công đoàn như quy định theo BLLĐ 2012.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Quyền tự do gia nhập, thành lập tổ chức đại diện người lao động

Điều 170 BLLĐ 2019 quy định về quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Theo đó, người lao động có quyền lựa chọn thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn hoặc người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định tại Điều 172, 173 và 174 BLLĐ 2019. Các tổ chức đại diện người lao động nói trên đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.

Quy định trên cho thấy, người lao động dù làm việc ở bất cứ đâu đều có quyền lựa chọn tham gia tổ chức đại diện thuộc hệ thống Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Người lao động làm việc ở doanh nghiệp có thêm quyền lựa chọn tổ chức không thuộc tổ chức công đoàn thuộc hệ thống Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

Điều này là phù hợp khi tham chiếu đến quy định tại Công ước số 87 của ILO về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức.

Điều 2Công ước số 87 của ILO về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức
Người lao động và người sử dụng lao động, không phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào, đều không phải xin phép trước mà vẫn có quyền được tổ chức và gia nhập các tổ chức theo sự lựa chọn của mình, với một điều kiện duy nhất là phải tuân theo điều lệ của chính tổ chức đó.

Tổ chức và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động

Một trong những nội dung quan trọng của pháp luật lao động là quy định về trình tự, thủ tục và hoạt động của đại diện người lao động. Các quy định này một mặt nhằm thể hiện sự ghi nhận của Nhà nước về khuôn khổ pháp lý cho sự ra đời hợp pháp của tổ chức đại diện. Mặt khác, đây cũng được coi là công cụ để nhà nước kiểm soát, thể hiện ý chí của mình. Các quy định của BLLĐ 2019 về tổ chức, hoạt động của tổ chức đại diện người lao động gồm:

- Quy định về thành lập, gia nhập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (Điều 172 BLLĐ 2019)

- Quy định về ban lãnh đạo và thành viên tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (Điều 173 BLLĐ 2019)

- Quy định về điều lệ tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (Điều 174 BLLĐ 2019)

Đảm bảo hoạt động của tổ chức đại diện người lao động

Tiếp đó, quy định liên quan đến đảm bảo hoạt động của tổ chức đại diện người lao động là hết sức cần thiết bởi đây là điều kiện bảo hộ về mặt pháp lý cho tính thực chất của tổ chức đại diện.

Kế thừa và phát triển quy định liên quan đến đảm bảo hoạt động của tổ chức đại diện người lao động theo quy định của BLLĐ 2012, BLLĐ 2019 ghi nhận các nội dung chủ yếu sau: Các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động liên quan đến thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; Quyền của thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; Nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; Quyền và nghĩa vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trong quan hệ lao động.

Đánh giá quy định của BLLĐ năm 2019 về tổ chức đại diện người lao động

Quy định của BLLĐ 2019 về tổ chức đại diện người lao động đã tạo ra cơ hội cho người lao động có thể tự do lựa chọn tổ chức đại diện cho mình (lưu ý chỉ áp dụng trong các doanh nghiệp chứ không bao hàm các đơn vị sử dụng lao động khác như cơ quan nhà nước, quân đội…). Các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp nằm ngoài hệ thống Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có quyền không kém hơn các tổ chức công đoàn cơ sở thuộc hệ thống Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

Tuy nhiên các quy định của BLLĐ 2019 cũng còn không ít thách thức mà các văn bản hướng dẫn cần giải quyết như:

Thứ nhất, khi một doanh nghiệp có nhiều tổ chức đại diện người lao động thì tổ chức nào sẽ là người đại diện chính cho người lao động hay các tổ chức đó đều có tư cách đại diện như nhau.

Thứ hai, về tài chính công đoàn, hiện nay, người sử dụng lao động hàng tháng đóng 02% phí công đoàn và trong đó công đoàn thuộc hệ thống Tổng liên đoàn lao động Việt Nam được sử dụng 30% tổng số phí nói trên. Tuy nhiên, trong bối cảnh có nhiều tổ chức công đoàn thì việc đóng và sử dụng 02% phí công đoàn của người sử dụng lao động sẽ thực hiện như thế nào.

Thứ ba, một số nội dung khác cũng cần phải làm rõ như: Vấn đề liên kết dọc, liên kết ngang của tổ chức đại diện người lao động; vấn đề tiếp nhận hỗ trợ thuật; nhận diện hành vi phân biệt đối xử, can thiệp, thao túng trong hoạt động của tổ chức đại diện người lao động vẫn chưa có quy định rõ ràng, cụ thể.

MỸ LINH

/sai-sot-sgk-tieng-viet-lop-1-bo-giao-duc-va-dao-tao-phai-chiu-trach-nhiem-can-phai-thu-hoi-ngay.html