/ Trợ giúp pháp lý
/ Quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện thủ tục tạm ngừng phiên tòa dân sự

Quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện thủ tục tạm ngừng phiên tòa dân sự

13/02/2024 08:08 |

(LSVN) - Tạm ngừng phiên tòa là một trong những thủ tục được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Theo đó, tạm ngừng phiên tòa là hành vi tố tụng mà chủ thể tiến hành tố tụng có quyền quyết định trong quá trình giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật. Điều này giúp bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp của các đương sự, và góp phần vào việc giải quyết vụ án công bằng, khách quan. Do đó, pháp luật tố tụng dân sự quy định về tạm ngừng phiên tòa trong một số trường hợp nhất định.

Ảnh minh họa.

Thủ tục tạm ngừng phiên tòa trong vụ án hình sự và tạm ngừng phiên tòa trong vụ án dân sự nhìn chung không sự khác biệt quá nhiều, tại Điều 259, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về tạm ngừng phiên tòa dân sự như sau:

Thứ nhất, do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tiến hành tố tụng không thể tiếp tục tiến hành phiên tòa, trừ trường hợp thay thế được người tiến hành tố tụng.

Thứ hai, do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa, trừ trường hợp người tham gia tố tụng có yêu cầu xét xử vắng mặt.

Thứ ba, cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa.

Thứ tư, chờ kết quả giám định bổ sung, giám định lại.

Thứ năm, các đương sự thống nhất đề nghị Tòa án tạm ngừng phiên tòa để họ tự hòa giải.

Thứ sáu, cần phải báo cáo Chánh án Tòa án để đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 221 của Bộ luật này.

Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa, về thời gian tiếp tục phiên toà, Hội đồng xét xử (HĐXX) phải thông báo bằng văn bản cho những người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát cùng cấp. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa không quá 01 tháng, kể từ ngày HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn tạm ngừng, nhận thấy lý do để ngừng phiên tòa không còn thì HĐXX tiếp tục tiến hành phiên tòa, nếu lý do để ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì HĐXX ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Việc tạm ngừng phiên tòa dân sự phúc thẩm cũng được thực hiện theo quy định trên (Điều 304, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

Tại phiên tòa, HĐXX có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, pháp luật tố tụng dân sự không quy định về thời hạn ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong vòng bao lâu, mà khi có quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự thì quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự hết hiệu lực.

Có thể thấy, quy định về tạm ngừng phiên tòa là phù hợp nhằm hạn chế việc Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên toà nhiều lần, gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án dân sự. Đồng thời, quy định này cũng góp phần làm hạn chế tình trạng bản án, quyết định giải quyết án bị huỷ, sửa vì vi phạm thủ tục tố tụng.

Tuy nhiên trên thực tế, đối với việc xét xử các vụ án dân sự hiện nay vẫn còn kéo dài, khiến cho các đương sự hết sức mệt mỏi, để lại nhiều bất cập trong việc giải quyết dứt điểm các án tồn đọng. Do đó, các đương sự/đại diện của đương sự (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan,…) là những người đưa ra các chứng cứ, chứng minh cho yêu cầu của mình để giải quyết vụ án là có căn cứ và hợp pháp. Nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau do khách quan, hoặc chủ quan mà một trong các bên lưu giữ, không giao nộp các tài liệu, chứng cứ, hoặc tài liệu, chứng cứ bị thất lạc, mà tài liệu chứng cứ này có yếu tố chứng minh, làm rõ các tình tiết của vụ án thì HĐXX ra quyết định tạm ngừng phiên tòa, hoặc tạm ngừng phiên tòa theo yêu cầu đề nghị hòa giải của các đương sự; Tòa án có thể linh hoạt ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án ngay sau đó nếu hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa khi lý do tạm ngừng phiên tòa chưa được giải quyết.

Điều đặc biệt, các đương sự tự ý lạm dụng viện lý do tình trạng sức khỏe không đảm bảo để nhằm kéo dài việc tiếp tục xét xử của Tòa án, nhưng điều đáng nói ở đây một số đương sự không gửi văn bản cho Tòa nêu lý do tạm ngừng phiên tòa, mà chỉ thông báo bằng lời nói, gửi hình ảnh qua các phương tiện mạng xã hội,… có trường hợp cùng vụ án hết bị đơn, nguyên đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đều chia thời gian để “ốm” nhằm trì hoãn việc tiếp tục phiên tòa. Việc này khiến tòa án phải buộc vào các cơ sở khám chữa bệnh để xác minh thông tin sức khỏe của đương sự. Phương án tòa án đưa ra nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng tạm ngừng phiên tòa là yêu cầu các đương sự thực hiện việc ủy quyền của mình cho người khác tham gia phiên tòa. Linh hoạt hơn HĐXX có thể ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án đến khi làm rõ được lý do tạm ngừng phiên tòa, hoặc ra quyết định hoãn phiên tòa theo quy định tại Điều 233, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thời hạn hoãn phiên tòa không quá 01 tháng, đối với phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn không quá 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.

Việc tạm ngừng phiên tòa hình sự và tạm ngừng phiên tòa dân sự có những điểm khác biệt nhất định nguyên nhân sâu xa cũng xuất phát từ phạm vi và đặc thù của trong quá trình giải quyết án. Bởi đối với phiên tòa hình sự thì cơ quan, người tiến hành tố tụng là chủ thể đưa ra các chứng cứ, chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo nên họ hết sức thận trọng, cân nhắc một cách rất kỹ lưỡng. Còn đối với dân sự thì nghĩa vụ chứng minh, đưa ra các tài liệu, chứng cứ là phụ thuộc vào các bên, nên một số trường hợp, một hoặc nhiều bên muốn kéo dài việc giải quyết vụ án bằng cách đưa ra các nguyên nhân khác nhau.

Như vậy, khi có đủ điều kiện luật định, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cần kiểm tra, xác minh chính xác nguyên nhân của đương sự khi có thông báo, đề nghị tòa án tạm ngừng phiên tòa theo quy định của pháp luật, tránh trường hợp lạm dụng thủ tục tạm ngừng phiên tòa, hoãn phiên tòa, tạm đình chỉ giải quyết vụ án khiến cho việc xét xử kéo dài, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Luật sư TRẦN XUÂN TIỀN

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện thủ tục tạm ngừng phiên tòa hình sự

Nguyễn Hoàng Lâm