/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Quy định về thành phần HĐXX sơ thẩm đối với vụ án hình sự có người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi

Quy định về thành phần HĐXX sơ thẩm đối với vụ án hình sự có người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi

05/01/2021 18:10 |

(LSO) - Bài viết phân tích và nêu ra điểm mới về thành phần Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm vụ án hình sự khi có người tham gia tố tụng (NTGTT) dưới 18 tuổi theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 và pháp luật có liên quan.

Các bị cáo trong phòng xử thân thiện của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên – Ảnh: An Dương/ BCL.

Thành phần HĐXX sơ thẩm vụ án hình sự có NTGTT dưới 18 tuổi là một trong những thủ tục đặc biệt được quy định tại Chương XXVIII, Phần thứ bảy của BLTTHS năm 2015, được thực hiện khi tiến hành giải quyết vụ án liên quan đến NTGTT dưới 18 tuổi, nhằm giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong hoạt động tố tụng. Vấn đề này tuy không mới, nhưng trên thực tiễn vẫn còn một số bản án công bố trên Cổng thông tin điện tử Tòa án, một số bản án mà tác giả đã đọc được, thì thành phần HĐXX sơ thẩm chưa đúng theo quy định (Hội thẩm bắt buộc). Đồng thời, vẫn còn một số quan điểm cho rằng đối với vụ án có người làm chứng là người dưới 18 tuổi, thì thành phần HĐXX không bắt buộc phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi. Nhằm làm rõ vấn đề này, tác giả diễn giải, phân tích các quy định của BLTTHS năm 2015 và pháp luật có liên quan để làm rõ quan điểm nêu trên có phù hợp với quy định của pháp luật hay không.

Quy định của BLTTHS năm 2003

Theo quy định tại khoản 1 Điều 307 BLTTHS năm 2003 thì: “Thành phần HĐXX phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc là cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh”. Tại Điều 301 BLTTHS năm 2003 quy định về phạm vi áp dụng của Chương XXXII Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên (NCTN): “Thủ tục tố tụng đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là NCTN được áp dụng theo quy định của Chương này, đồng thời theo những quy định khác của Bộ luật này không trái với những quy định của Chương này”. Như vậy, căn cứ vào phạm vi áp dụng của BLTTHS, chỉ khi vụ án có bị cáo là NCTN thì thành phần HĐXX sơ thẩm mới bắt buộc phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên.

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12/7/2011 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTHS đối với NTGTT là NCTN (gọi tắt là Thông tư liên tịch 01), giới hạn về phạm vi điều chỉnh: “Thông tư này hướng dẫn một số quy định của BLTTHS liên quan đến NTGTT là NCTN, bao gồm: người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; người bị hại, người làm chứng”. Theo đó, tại khoản 1 Điều 11 Thông tư liên tịch 01 quy định: “Thành phần HĐXX vụ án có bị cáo là NCTN phải có Hội thẩm nhân dân đang hoặc đã là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên”; Tại khoản 1 Điều 16 Thông tư liên tịch 01 quy định: “Khi tiến hành xét xử vụ án có người bị hại là NCTN, để bảo đảm lợi ích tốt nhất cho họ, Tòa án cần tạo điều kiện để thành phần HĐXX có Hội thẩm nhân dân hoặc đã là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn Thanh niên như trong trường hợp xét xử vụ án có bị cáo là NCTN”.

Như vậy, hơn 7 năm kể từ ngày BLTTHS năm 2003 có hiệu lực thi hành (1/7/2004), thì Thông tư liên tịch 01 ra đời và đã mở rộng thêm đối tượng NTGTT được áp dụng bao gồm cả người bị hại là NCTN. Do đó, khi xét xử vụ án có bị cáo hoặc bị hại là NCTN, thì bắt buộc thành phần HĐXX sơ thẩm phải có một Hội thẩm đã là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên.

Quy định của BLTTHS năm 2015

Nhằm cụ thể hóa thủ tục xét xử vụ án đối với NCTN, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và đáp ứng các yêu cầu mới, thống nhất với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Điều 423 BLTTHS năm 2015 quy định về thủ tục xét xử so với Điều 307 BLTTHS năm 2003 có nhiều nội dung mới được sửa đổi, bổ sung cụ thể và phù hợp hơn đối với NCTN. Trong lần sửa đổi, bổ sung này, BLTTHS năm 2015 đã cụ thể hóa khái niệm NCTN thành người dưới 18 tuổi.

Theo Điều 413 BLTTHS năm 2015 quy định về phạm vi áp dụng của Chương XXVIII Thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi: “Thủ tục tố tụng đối với người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi được áp dụng theo quy định của Chương này, đồng thời theo những quy định khác của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này”. Theo đó, tại khoản 1 Điều 423 BLTTHS năm 2015 quy định: “Thành phần HĐXX sơ thẩm vụ án phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi”. Như vậy, so với BLTTHS năm 2003 và Thông tư liên tịch 01, BLTTHS năm 2015 đã mở rộng thêm đối tượng NTGTT là người làm chứng và bổ sung đối tượng là người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi cũng có thể tham gia xét xử với tư cách là Hội thẩm nhằm mở rộng, đa dạng hóa đối tượng tham gia Hội thẩm và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn xét xử vụ án có NCTN.

Do đó, khi xét xử vụ án có bị cáo hoặc bị hại hoặc người làm chứng là người dưới 18 tuổi, thì thành phần HĐXX sơ thẩm vụ án phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 của Chánh án TANDTC quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có NTGTT là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và NCTN (gọi tắt là Thông tư 02/2018/TT-TANDTC), giới hạn về phạm điều chỉnh: “Thông tư này quy định về việc xét xử vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc vụ án hình sự có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và NCTN”. Theo đó, tại Điều 3 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC quy định về thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự của Tòa gia đình và NCTN bao gồm: (1) Vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi; (2) Vụ án hình sự có bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác.[1] Như vậy, đối với những vụ án thỏa mãn một trong hai điều kiện nêu trên, thì thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và NCTN.

Tuy nhiên, đối với các Tòa án chưa tổ chức Tòa gia đình và NCTN thì việc xét xử các vụ án này sẽ do Thẩm phán chuyên trách thực hiện. Đồng thời, khi giải quyết vụ án trong trường hợp (1) và (2) nêu trên, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán, Hội thẩm phải bảo đảm các điều kiện: (1) Thẩm phán là người có kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi hoặc đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có NTGTT là người dưới 18 tuổi hoặc đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục với người dưới 18 tuổi; (2) Có 01 Hội thẩm là giáo viên, cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.[2] Do đó, khi xét xử vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác, thì thành phần HĐXX sơ thẩm phải có một Hội thẩm là giáo viên, cán bộ Đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.

Qua phân tích nêu trên cho thấy, đối với vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa gia đình và NCTN, nhưng có bị cáo hoặc bị hại hoặc người làm chứng là người dưới 18 tuổi và vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa gia đình và NCTN, thì thành phần HĐXX sơ thẩm vụ án phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.

Tuy nhiên, đối với những vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và NCTN xét xử tại Phòng xử án thân thiện, thì khi xét xử Thẩm phán phải mặc trang phục hành chính của Tòa án nhân dân (không mặc áo choàng)[3]; còn đối với những vụ án không thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và NCTN xét xử tại Phòng xử án thân thiện mà có bị cáo hoặc bị hại hoặc người làm chứng là người dưới 18 tuổi, thì khi xét xử Thẩm phán vẫn mặc áo choàng.

Tóm lại, người dưới 18 tuổi là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm thần, là những đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là khi họ tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó, tùy theo lứa tuổi, mức độ trưởng thành và nhu cầu cá nhân mà họ cần được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật khi tham gia tố tụng hình sự. Quy định về thành phần HĐXX sơ thẩm đối với vụ án có NTGTT dưới 18 tuổi nhằm bảo đảm cho HĐXX có điều kiện nhận thức đầy đủ, chính xác hơn về nguyên nhân, điều kiện và hoàn cảnh phạm tội, cũng như các đặc điểm về nhân thân của bị cáo dưới 18 tuổi,… nhằm đánh giá đúng các yếu tố thuộc về chủ thể và mặt chủ quan của tội phạm (yếu tố lỗi, động cơ, mục đích phạm tội). Thông qua đó, HĐXX áp dụng các loại, mức hình phạt phù hợp, đảm bảo cho quá trình xử lý trách nhiệm hình sự đối với họ chủ yếu mang tính chất giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân tốt, người có ích cho xã hội.

-----‐---------------------
[1] Điều 3 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC.
[2] Điều 6 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC.
[3] Điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC.

ThS. PHAN THÀNH NHÂN/TẠP CHÍ TÒA ÁN

/can-cu-ly-hon-trong-phap-luat-viet-nam.html