Theo báo cáo từ Hội nghị tổng kết của Bộ Công thương mới đây, thương mại điện tử vẫn là kênh phân phối quan trọng, hỗ trợ tiêu thụ lượng lớn hàng hóa, nông sản cho doanh nghiệp, người dân, đặc biệt khi vào vụ thu hoạch. Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng kênh bán này. Cùng với đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới tăng cao với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước vượt mốc 25 tỉ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2023. Việt Nam đang được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Điều này tạo động lực phát triển kinh tế, dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Thời gian gần đây, bên cạnh sự hiện diện của các sàn online bán lẻ trong nước như Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo, thị trường đang chứng kiến cuộc đổ bộ của các sàn xuyên biên giới như Temu, Shein khiến mô hình thương mại điện tử ngày càng phức tạp, đa dạng và chưa có quy định điều chỉnh riêng biệt. Chẳng hạn, livestreams bán hàng đang chịu điều chỉnh bởi các quy định chung về thương mại điện tử, như một hoạt động quảng cáo đi kèm bán hàng, mà chưa có quy định riêng với người livestream, định danh chủ tài khoản và các vấn đề về kiểm soát thông tin trong phiên live. Cùng với đó, vấn đề kiểm soát hàng giả, kém chất lượng còn phức tạp trong bối cảnh những vi phạm trên không gian mạng ngày càng tinh vi.
Với các hoạt động xuyên biên giới, Bộ Công thương thừa nhận còn gặp khó trong quản lý do các quy định chưa đủ mạnh. Điều này dẫn đến nhiều nền tảng bán lẻ online xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam khi chưa hoàn thành thủ tục pháp lý chính thức, như Temu, Shein... Việc các sàn này chưa được giám sát, kiểm soát chặt chẽ cũng khiến hàng hóa từ các nước lân cận được tiêu thụ tại thị trường trong nước, ảnh hưởng đến hàng hóa nội địa. Ngoài ra, nhiều hoạt động bán hàng trên các ứng dụng mạng xã hội chưa được quản lý, thống kê vào số liệu tiêu thụ trong nước. Việc này khiến số liệu thống kê chưa phản ánh đúng sức mua của người dân.
Về giải pháp, nhà điều hành cho biết họ đang nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Thương mại điện tử. Cơ quan này sẽ tăng phân cấp, quyền trong quản lý Nhà nước và giám sát, thanh tra vi phạm, đặc biệt với nền tảng số xuyên biên giới.
Hiện cả nước có gần 725.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, tổng giá trị giao dịch hơn 75.000 tỉ đồng, theo dữ liệu từ 439 sàn cung cấp cho cơ quan thuế. Năm nay, số thuế thu từ thương mại điện tử tăng 20% so với cùng kỳ, đạt 116.000 tỉ đồng.