/ Luật sư - Bạn đọc
/ Quy trình bãi nhiệm tư cách ĐBQH theo quy định pháp luật?

Quy trình bãi nhiệm tư cách ĐBQH theo quy định pháp luật?

07/06/2022 04:37 |

(LSVN) - Luật sư cho biết, tại Điều 40 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 đã quy định, khi đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì sẽ bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm.

Ngày 06/6, Ban Chấp hành Trung ương quyết định khai trừ Đảng với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh.

Theo đó, Quốc hội sẽ thực hiện quy trình bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Nguyễn Thanh Long vào sáng 07/6, nếu đại biểu đồng ý bổ sung chương trình kỳ họp.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, để đồng bộ, thống nhất giữ kỷ luật Đảng và Nhà nước, nếu được Quốc hội đồng ý bổ sung chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội sẽ thực hiện các quy trình công tác cán bộ theo thẩm quyền vào sáng nay theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, chiều 06/6, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; đồng thời "yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính theo đúng quy định đối với cá nhân đã bị kỷ luật đảng".

Ông Nguyễn Thanh Long hiện đang là đại biểu Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế. Ông Nguyễn Thanh Long bị xác định là "Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; Vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách Nhà nước...".

Vậy, các trường hợp nào bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội và quy trình theo quy định pháp luật thế nào?

Theo Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, tại Điều 40, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 đã quy định, khi đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì sẽ bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm.

Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do UBTV Quốc hội quy định.

Trình tự bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội được quy định tại Điều 41, Nội quy kỳ họp quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 102/2015/QH13.

Cụ thể, UBTV Quốc hội trình Quốc hội bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội. Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội, sau đó UBTV Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Quốc hội sẽ thành lập Ban kiểm phiếu và tiến hành bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết về công tác nhân sự.

HUY HOÀNG

Quy trình kỷ luật đối với trường hợp đảng viên là Ủy viên Trung ương

Lê Minh Hoàng