/ Trao đổi - Ý kiến
/ Quyền con người về môi trường và việc bảo đảm thực thi

Quyền con người về môi trường và việc bảo đảm thực thi

11/03/2022 15:31 |

(LSVN) - Quyền con người được sống trong môi trường trong lành là nguyên tắc trụ cột, là quyền tự nhiên của con người, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống. Đó là quyền con người được sống trong một môi trường với chất lượng cho phép, cuộc sống được đảm bảo về mặt vệ sinh môi trường, được hài hòa với tự nhiên. Hay nói cách khác là quyền được sống trong một vùng không bị ô nhiễm, không bị suy thoái môi trường. Theo Tuyên bố của Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường con người (Stockholm - năm 1972), con người được sống trong một môi trường trong lành là một trong những nguyên tắc trọng tâm của quan hệ giữa các quốc gia. Nguyên tắc 01 trong Tuyên bố của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Môi trường và phát triển (Rio de Janeiro - 1992) cũng khẳng định: "Con người là trung tâm của những mối quan tâm về sự phát triển lâu dài. Con người có quyền được hưởng một cuộc sống hữu ích, lành mạnh và hài hòa với thiên nhiên".

Ảnh minh họa.

1. Một số vấn đề chung quyền con người về môi trường

Quyền con người (Human rights, Droits de LHomme) được hiểu là toàn bộ các quyền, tự do và đặc quyền được công nhận dành cho con người do tính chất nhân bản của nó, sinh ra từ bản chất con người chứ không phải được tạo ra bởi pháp luật hiện hành. Đây là những quyền tự nhiên, thiêng liêng và bất khả xâm phạm do đấng tạo hóa ban cho con người như quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc, những quyền tối thiểu của con người mà bất kỳ chính phủ nào cũng phải bảo vệ. Quyền con người không những được nhìn nhận trên quan điểm các quyền tự nhiên (natural rights) mà nó còn được nhìn nhận trên quan điểm các quyền pháp lý (legal right).

Theo đó quyền con người được hiểu là những đảm bảo pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cả nhân và các nhóm chổng lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và sự tự do cơ bản của con người. Quyền con người về môi trường được hiểu mối quan hệ giữa bảo vệ môi trường và đảm bảo quyền con người tồn tại ba cách hiểu như: i) Bảo vệ môi trường nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của con người có cùng giá trị xã hội với đảm bảo quyền con người; ii) Bảo vệ môi trường và đảm bảo quyền con người dựa trên giá trị xã hội khác nhau; iii) Đảm bảo quyền con người và bảo vệ môi trường là đại diện cho hai hướng khác nhau nhưng chồng lấn các giá trị xã hội. Có thể thấy quyền con người về môi trường là tổng thể các nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người đối với các yếu tố vật chất cấu tạo thành môi trường, được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế.

Cơ sở pháp lý xây dựng và thực thi quyền con người về môi trường được hiểu ở những khía cạnh khác nhau; Quyền con người và môi trường từ góc độ quyền có điều kiện sống, điều kiện làm việc thích hợp có thể thấy trong Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR), được tuyên bố năm 1966. Tuyên bố Stockholm năm 1972 được xác định là cột mốc đầu tiên cho sự gắn kết hai vấn đề tưởng chừng là hai lĩnh vực riêng biệt trong hoạch định chính sách công, nhưng lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau là quyền con người và môi trường.

Tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về môi trường và phát triển bền vững năm 1992 tại Rio de Janeiro, Brasil đã tuyên bố rằng con người "có quyền được sống một cuộc sống hữu ích và lành mạnh hài hòa với thiên nhiên". Nguyên tắc 10 tuyên bố: “Vấn đề môi trường phải được giải quyết một cách tốt nhất với sự tham gia của tất cả các cá nhân liên quan, ở cấp độ thích hợp…”.

Một số nhận thức của quyền con người về môi trường cũng như việc xây dựng cơ sở pháp lý và thực thi quyền con người với môi trường về cơ bản dựa trên ba bước tiếp cận: huy động và sử dụng các quyền đang tồn tại đã đạt được mục đích bảo vệ môi trường; giải thích lại các quyền hiện có, tính đến cả các mối quan tâm về môi trường; tạo ra các quyền mới bao hàm đủ các đặc tính của môi trường. Ngoài ra còn có thể kết hợp các cách tiếp cận khác nhau, trong đó bảo vệ môi trường có thể đạt được không chỉ bằng cách thông qua khẳng định các quyền con người hiện tại, mà qua sự phát triển của quyền con người mới liên quan đến môi trường, hoặc một quyền chung đối với môi trường.

2. Nội dung của quyền con người về môi trường

Hiện nay, theo cách hiểu được cộng đồng quốc tế thừa nhận dựa trên các nội dung của quyền con người về môi trường quy định trong bản Dự thảo tuyên bố về quyền con người và môi trường thì nội dung của quyền con người về môi trường gồm hai nhóm quyền: Các quyền thiết yếu (Substantive rights) và các quyền thủ tục (Procedural rights). Theo đó, nhóm các quyền thiết yếu bao gồm: Quyền được sống trong môi trường an toàn, trong lành; Quyền được tiếp cận nước sạch; Quyền tiếp cận đất đai và nhóm quyền thủ tục (Quyền tiếp cận thông tin môi trường; Quyền tham gia vào các quyết định về môi trường; Quyền tiếp cận tư pháp).

Thứ nhất, quyền con người được sống trong môi trường an toàn, trong lành

Quyền con người được sống trong môi trường trong lành là nguyên tắc trụ cột, là quyền tự nhiên của con người, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống. Tuyên bố Stockholm 1972, nêu rõ: “Con người có quyền cơ bản được sống trong môi trường chất lượng, cho phép cuộc sống có phẩm giá và phúc lợi mà con người có trách nhiệm long trọng bảo vệ, cải thiện cho thế hệ hôm nay và mai sau”. Tương tự, trong tuyên bố Rio de janeiro 1992 cũng khẳng định: “Con người là trung tâm của các mối quan tâm về sự phát triển lâu dài. Con người có quyền được hưởng một cuộc sống hữu ích, lành mạnh và hài hòa với thiên nhiên”.

Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung nhiều nội dung mới về vấn đề bảo vệ môi trường cho thấy có sự chuyển đổi và quan tâm mạnh mẽ đến môi trường khi có đến 10 lần đề cập về môi trường. Chính vì lẽ đó, để cụ thể hóa bảo vệ quyền con người được sống trong môi trường trong lành bằng việc ghi nhận các chế tài bảo vệ môi trường trong pháp luật hình sự thông qua các lần pháp điển hóa Bộ luật Hình sự là cần thiết. Ngoài ra, trước yêu cầu đổi mới về nhận thức liên quan đến quyền con người được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh, việc xây dựng các quy định của Luật hình sự điều chỉnh tội phạm môi trường chính là đảm bảo quyền cơ bản này của con người.

Nhu cầu cơ bản của con người là được sống trong môi trường trong lành vốn được coi là món quà của tự nhiên, cần thiết cho mọi sinh vật. Quyền sống là quyền cơ bản nhất trong số các quyền và cũng là quyền cốt lõi của nhân loại, nó có nghĩa là một yêu cầu bảo đảm rằng sự tồn tại này không gây nguy hiểm cho sự tồn tại của những người khác.

Có một thực tế là môi trường mà chúng ta sống ảnh hưởng rất lớn đến chúng ta, có những căn bệnh không thể điều trị được do ô nhiễm môi trường mang lại. Vì vậy, môi trường không lành mạnh thực sự cản trở con người trong việc giữ gìn nhân phẩm và sự sống, do đó, ranh giới quyền con người đã được mở rộng bao gồm cả yếu tố bảo vệ môi trường. Sự suy kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng đã tác động to lớn và trực tiếp tới sức khỏe và cuộc sống nói chung của con người. Chính vì thế quyền được sống trong môi trường trong lành, đảm bảo sức khỏe môi trường ngày càng được thừa nhận rộng rãi (1). Môi trường trong lành, vì vậy, là cơ sở nền tảng thiết yếu để hiện thực hóa quyền con người, bởi tất cả những hành vi hủy hoại môi trường, gây ô nhiễm môi trường đều trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến chất lượng cuộc sống, hưởng thụ của con người.

Môi trường sống đã trở thành một chỉ số đánh giá mức độ hưởng quyền con người ở nhiều quốc gia (2). Các hành vi hủy hoại môi trường như đã phân tích trên đây, suy rộng ra, đã trực tiếp và gián tiếp xâm hại đến quyền được thụ hưởng một bầu không khí trong lành và một môi trường tốt đẹp cho con người trong hiện tại và cả tương lai, rõ ràng đã xâm hại những quyền con người cơ bản. Hành vi xâm hại môi trường vì lợi nhuận, tức là có chủ đích, ngoài việc hủy diệt nghiêm trọng những thành tố môi trường, hậu quả là thiệt hại, khổ đau mà con người phải gánh chịu thì phải được coi đó là tội phạm chống lại các quyền cơ bản của con người (3). Quyền được sống trong môi trường an toàn đòi hỏi sự bảo vệ thông qua cơ chế pháp lý phù hợp và khả thi, trong đó có pháp luật hình sự. Cơ quan nhà nước cần phải nhận thức được sự xâm hại của tội phạm môi trường cả trên góc độ những quan hệ xã hội cụ thể, lẫn góc độ quyền con người để chấm dứt sự miễn trừ với những hành vi vi phạm nhân quyền, coi thường sự an toàn của con người.

Thứ hai, quyền con người về môi trường nước

Nội hàm của quyền được hiểu rằng mọi người đều có quyền tiếp cận với nguồn nước đầy đủ, an toàn, được chấp nhận và có thể chi trả cho những mục đích mang tính cá nhân và hộ gia đình (4).

Quyền về nước bao gồm cả các quyền tự do và sự cho phép. Mặc dù việc có đủ nước cho quyền này có thể rất phong phú tùy thuộc vào những điều kiện khác nhau, nhưng có thể hiểu bao gồm những nhân tố sau:

Tính sẵn có như việc cung cấp nước cho mỗi người phải đầy đủ và liên tục cho mục đích sử dụng cá nhân và hộ gia đình;

Chất lượng: Nước dùng cho cá nhân và hộ gia đình phải an toàn, có màu, mùi vị chấp nhận được, không chứa các vi chất, hợp chất hóa học và nguy hiểm sóng từ đe dọa đến sức khỏe con người;

Có thể tiếp cận: Mọi người, không phân biệt, theo pháp luật của quốc gia thành viên, có thể tiếp cận với nước và các điều kiện và dịch vụ về nước.

Thứ ba, quyền con người về môi trường đất

Tiếp cận đất đai là quyền thuộc nhóm quyền nội dung, được ghi nhận trong Dự thảo Tuyên ngôn về quyền con người và môi trường năm 1994. Trước Dự thảo tuyên ngôn về quyền con người và môi trường, Luật pháp quốc tế về quyền con người không quy định một cách rõ ràng quyền tiếp cận đất đai là quyền con người.

Có thể liệt kê nội dung của một số Công ước quốc tế về quyền con người có liên quan đến tiếp cận đất đai như: Điều 17, Tuyên ngôn Toàn thế giới về quyền con người 1948; Điều 1 của Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR); Điều 14, Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ 1979; Điều 13-19 của Công ước số 169 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về các dân tộc bản địa và bộ tộc 1989.

Ở Việt Nam, đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân. Từ đầu những năm 80, Việt Nam bắt đầu làm rõ các vấn đề sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai trong hệ thống chính sách và pháp luật về đất đai. Luật Đất đai 1988, 1993, 2003 đã bước đầu tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành và thúc đẩy quyền con người về đất đai ở Việt Nam.

Luật Đất đai 2013 tiếp tục kế thừa hệ thống pháp luật đất đai, quy định các nội dung liên quan đến quyền được công nhận, sử dụng, chuyển nhượng… đất đai của người sử dụng đất. Không những thế, Luật Đất đai năm 2013 cũng lần đầu tiên thể hiện sự quan tâm rõ nét sự quan tâm đến việc đảm bảo quyền sử dụng đất cho nhóm người dễ bị tổn thương như phụ nữ, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ tư, quyền con người trong tiếp cận thông tin, quyền tham gia vào các quyết định, hoạt động bảo vệ môi trường, quyền tiếp cận tư pháp về môi trường

Tầm quan trọng của các quyền tiếp cận thông tin về môi trường của công chúng, quyền tham gia vào các quyết định môi trường và tiếp cận tư pháp đã ghi rõ trong Nguyên tắc 10 của Tuyên bố Rio về môi trường và phát triển; Chương 23, Chương trình nghị sự 21.

Nguyên tắc 10 của Tuyên bố Rio nêu rõ: "Những vấn đề môi trường được giải quyết tốt nhất với sự tham gia của các công dân quan tâm, ở cấp độ thích hợp, ở cấp độ quốc gia, mỗi cá nhân sẽ có quyền thông tin thích hợp liên quan đến môi trường do các nhà chức trách nắm giữ, bao gồm thông tin về những nguyên liệu và hoạt động nguy hiểm trong cộng đồng, và cơ hội tham gia vào những quá trình quyết định".

Với nhận thức rằng việc thực hiện Nguyên tắc 10 của Tuyên bố Rio 1992 về môi trường và phát triển đòi hỏi phải có các chính sách và hệ thống có hiệu quả, năm 2001, một số tổ chức xã hội dân sự của các nước Chilê, Hungary, Thái Lan, Uganda và Mỹ đã khởi xướng việc thành lập Liên minh về Tiếp cận môi trường (Liên minh TAI). Từ 05 nước khởi xướng ban đầu, ngày nay, tại 42 quốc gia đã có các liên minh xã hội dân sự đang thực hiện đánh giá, tìm kiếm tài trợ hoặc bắt đầu lập kế hoạch cho đánh giá TAI.

3. Thực trạng pháp luật Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người về môi trường

Một là, pháp luật đảm bảo quyền con người được sống trong môi trường an toàn, trong lành

Trước đây, quyền con người về môi trường chưa được ghi nhận trong Hiến pháp. Hiến pháp 2013 lần đầu tiên ghi nhận quyền này tại Điều 43. Cụ thể hóa Hiến pháp 2013, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 cũng lần đầu tiên ghi nhận quyền con người về môi trường tại khoản 2, Điều 4 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, ghi nhận tại khoản 3, Điều 4. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường của các cơ quan chức năng còn thấp. Hệ thống luật pháp và chính sách về bảo vệ môi trường, nhất là môi trường công nghiệp chưa đầy đủ, đồng bộ. Các quy định của hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực môi trường vẫn còn chưa giải quyết được hết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Mặc dù trong Luật Bảo vệ môi trường đã có quy định về bồi thường thiệt hại, nhưng không có cơ chế giám sát. Các quy định của pháp luật về đánh giá tác động môi trường - một trong những biện pháp quan trọng mà các quốc gia sử dụng để bảo vệ môi trường vẫn còn một số bất cập.

Hai là, pháp luật đảm bảo quyền con người về môi trường nước

Nghị định số 120/2008/NĐ-CP ngày 01/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý lưu vực sông; Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước đã quy định cụ thể về các biện pháp bảo vệ môi trường nước; Phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông; Kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm và bảo vệ chất lượng nước trên lưu vực; Kế hoạch phòng chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông.

Bên cạnh các văn bản quy phạm pháp luật, nhà nước ta còn đưa ra các Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cùng những chiến lược, chính sách về tài nguyên nước bước đầu xây dựng được cơ sở pháp lý về bảo vệ và quản lý nguồn tài nguyên nước. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế nhất định. Thứ nhất là các quy định của pháp luật về lĩnh vực tài nguyên nước còn chồng chéo. Thứ hai là hệ thống các văn bản dưới luật cũng chưa đầy đủ và hoàn thiện. Thứ ba là việc áp dụng một số văn bản pháp luật trong thực tế còn nhiều bất hợp lý dẫn tới hiệu quả thấp.

Ba là, pháp luật bảo đảm quyền con người về môi trường đất

Pháp luật về đất đai đang dần ghi nhận và đảm bảo quyền con người về môi trường đất.

Luật Đất đai 2013 được ban hành với những quy định tiến bộ, ghi nhận rõ ràng sự quan tâm của Nhà nước trong quản lý nguồn tài nguyên đất đai, coi trọng hơn việc bảo đảm phát triển bền vững môi trường đất. Mục 3, Chương VI, Luật Bảo vệ môi trường 2014 có quy định chung về bảo vệ môi trường đất (Điều 59), thực hiện quản lý chất lượng môi trường đất thông qua điều tra, đánh giá, phân loại, quản lý và công khai thông tin về đất đai đối với tổ chức, cá nhân có liên quan (Điều 60) và kiểm soát ô nhiễm môi trường đất (Điều 61).

Mục 3, chương II, Luật bảo vệ môi trường 2020 có quy định chung về bảo vệ môi trường đất (Điều 15), phân loại khu vực ô nhiễm môi trường đất (Điều 16); quản lý chất lượng môi trường đất (Điều 17), xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất (Điều 18), trách nhiệm bảo vệ môi trường đất (Điều 19).

Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành đã tạo điều kiện cho việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất, số lượng giao dịch chính thức đã tăng lên rõ rệt, đặc biệt tại những địa phương có nền kinh tế phát triển, có giá đất cao. Một số nội dung quyền pháp lý về đất đai được bảo đảm tuy nhiên vẫn còn những hạn chế nhất định.

Nhìn chung những hạn chế của hệ thống pháp luật đất đai 2003 đã phần nào được hoàn thiện bởi Luật Đất đai năm 2013. Đặc biệt các nội dung liên quan đến quyền của người sử dụng đất trong vấn đề tiếp cận đất đai đang ngày càng được Nhà nước quan tâm, nâng cao và bảo đảm thực hiện. Tuy nhiên đây là lĩnh vực khá nhạy cảm, do đó cần có thời gian để hệ thống luật đất đai 2013 đi vào thực tiễn điều chỉnh các mối quan hệ xã hội và sửa đổi cho phù hợp với tình hình phát triển trong thời gian tới.

Bốn là, Pháp luật bảo đảm quyền con người về môi trường không khí

Hiện nay hệ thống pháp luật về môi trường không khí bao gồm các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường không khí; có hệ thống pháp luật về kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí; pháp luật về phòng chống, khắc phục ô nhiễm môi trường không khí, cải thiện chất lượng môi trường không khí, xử lý vi phạm pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.

Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường không khí vừa được xem là công cụ kỹ thuật vừa là công cụ pháp lý giúp Nhà nước quản lý có hiệu quả môi trường không khí.

Hệ thống pháp luật về kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí, pháp luật về phòng chống, khắc phục ô nhiễm môi trường không khí, cải thiện chất lượng môi trường không khí, hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí cũng đóng góp vào việc đảm bảo quyền con người được có một môi trường không khí trong lành.

- Pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn;

- Pháp luật về kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí;

- Pháp luật về phòng chống, khắc phục ô nhiễm môi trường không khí, cải thiện chất lượng không khí.

Năm là, pháp luật bảo đảm quyền con người khi tiếp cận thông tin về môi trường

Hệ thống pháp luật về môi trường cũng có quy định các nội dung liên quan đến quyền tiếp cận thông tin về môi trường. Cụ thể: Điều 104, Luật Bảo vệ môi trường 2003; Điều 131, Luật bảo vệ môi trường 2014; Điểm b, khoản 1, Điều 6, Điều 8, điểm b, khoản 4, Điều 32, điểm d, khoản 1, Điều 43, Luật Tài nguyên nước năm 2010; Khoản 3, Điều 114, Điều 129, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Phân tích những quy định liên quan đến quyền tiếp cận thông tin môi trường trong các văn bản pháp luật và dưới luật cho thấy, khung pháp lý hiện hành đã bao quát toàn diện những thông tin phải được công khai, và những thông tin không công khai. Tuy vậy vẫn tồn tại nhiều bất cập trong cơ chế, quy trình thực hiện.

Trước hết do tính chất riêng của thông tin về môi trường, Bộ Công an đã ban hành Thông tư quy định Danh mục bí mật nhà nước độ mật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Thứ hai đối với thông tin được miễn trừ, luật pháp chưa có quy định về việc xem xét “lợi ích công cộng” của việc các thông tin này được bảo mật hay công khai với yêu cầu là các cơ quan nhà nước và các cơ quan chịu trách nhiệm giám sát việc thi hành Luật phải cân bằng lợi ích công này.

Thứ ba, quy định về các loại thông tin phải công khai và hình thức công khai, tổ chức có trách nhiệm cung cấp thông tin này nằm rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, gây khó khăn và mất thời gian cho người người có nhu cầu tiếp cận thông tin trong việc xác định cơ quan cần tiếp cận để có loại thông tin cần thiết.

Quyền yêu cầu thông tin môi trường cũng không được quy định một cách rõ ràng trong văn bản quy phạm pháp luật.

4. Một số vấn đề cần đặt ra về quyền con người với môi trường

Cần phải thúc đẩy quyền con người được sống trong môi trường an toàn, trong lành

Nhà nước cần có tầm nhìn tổng thể, toàn diện và dài hạn trong việc hoạch định chính sách về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tiến hành củng cố bộ máy quản lý nhà nước về môi trường, nhất là cấp tỉnh, huyện, xã, đề xuất thành lập một Ủy ban chuyên trách về quyền con người của Quốc hội thực hiện việc giám sát, quản lý các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong việc bảo đảm quyền con người nói chung trong đó có nội dung quyền con người về môi trường nói riêng.

Tăng cường kết hợp giữa đầu tư nhà nước với xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, kiên quyết thực hiện đúng pháp luật về môi trường, đặc biệt đối với các khu công nghiệp. Mở rộng vai trò kiểm soát dân sự của người dân và cộng đồng đối với vấn đề ô nhiễm môi trường, đẩy mạnh hoạt động giám sát xã hội đối với hoạt động bảo vệ môi trường. Nâng cao hơn nữa vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng và dư luận xã hội, thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân trong việc thay đổi sinh kế sang các hoạt động thân thiện với môi trường, nâng cao nhận thức cho các nhà quản lý, tăng cường vai trò của các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, quỹ bảo tồn, quỹ môi trường.

Thúc đẩy quyền con người khi tiếp cận thông tin về môi trường

Pháp luật cần quy định cụ thể về các loại thông tin môi trường phải công khai rộng rãi theo thẩm quyền và các hình thức công khai. Nâng cao năng lực thực hiện hoạt động thu thập, xây dựng, quản lý, cung cấp thông tin cả về tài chính và con người. Nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tài nguyên môi trường ở địa phương.

Cần có các phong trào tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp cận thông tin, quyền tiếp cận thông tin môi trường, nâng cao nhận thức cho người dân về trình tự, thủ tục, nội dung được yêu cầu về môi trường, thẩm quyền, thời hạn khi thực hiện yêu cầu tiếp cận thông tin nói chung và thông tin môi trường nói riêng.

Thúc đẩy quyền được bảo vệ, ứng phó với biến đổi khí hậu

Hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Cần bổ sung quy định tổng lượng thải đối với các tiêu chuẩn khí thải. Nên quy định thời điểm xả thải để tránh tình trạng quá tải đối với nguồn tiếp nhận, gây ra ô nhiễm môi trường không khí. Đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm một số tiêu chuẩn khí thải cho các cơ sở công nghiệp.

Thúc đẩy quyền con người khi tiếp cận thông tin về môi trường

Pháp luật cần quy định cụ thể về các loại thông tin môi trường phải công khai rộng rãi theo thẩm quyền và các hình thức công khai. Nâng cao năng lực thực hiện hoạt động thu thập, xây dựng, quản lý, cung cấp thông tin cả về tài chính và con người.

Nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tài nguyên môi trường ở địa phương. Cần có các phong trào tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp cận thông tin, quyền tiếp cận thông tin môi trường, nâng cao nhận thức cho người dân về trình tự, thủ tục, nội dung được yêu cầu về môi trường, thẩm quyền, thời hạn khi thực hiện yêu cầu tiếp cận thông tin nói chung và thông tin môi trường nói riêng.

Tài liệu tham khảo:

1. David Kamweti et al (2009), Nature and extent of environmental crimes in Kenya, institute for security studies (ISS).

2. Richard Wortley và Michael Townsley (2016), Environmental Criminology and Crime Analysis, Taylor & Francis Ltd Publisher, London, UK.

3. Steven Freeland (2005), Human rights, the environment and conflict: addressing crimes against the environment, Sur, Rev. int. direitos human. vol.2 no.2 São Paulo, On-line version ISSN 1983-3342.

4. Dương Thị Thanh Hà, Quyền con người về môi trường và việc bảo đảm thực hiện ở Việt Nam, Luận văn, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội.

5. Ngô Ngọc Diễm, Một số vấn đề về tội phạm về môi trường trong quy định của pháp luật hình sự, Tạp chí TAND (17-2019).

Tiến sĩ, Luật sư NGÔ NGỌC DIỄM

NGUYỄN THỊ MINH NHẬT

Công ty Luật ThinkSmart - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Vấn đề áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh

Lê Minh Hoàng