/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Quyền của Luật sư trong hoạt động thi hành án dân sự

Quyền của Luật sư trong hoạt động thi hành án dân sự

10/10/2021 23:10 |

(LSVN) - Luật Thi hành án dân sự hiện hành không quy định “đương sự được quyền nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình”. Vì lẽ đó mà quyền được hoạt động nghề nghiệp của Luật sư trong hoạt động thi hành án cũng bị ảnh hưởng và không được đảm bảo thực hiện.

Ảnh minh họa. 

Quyền của một chủ thể được xác định theo tư cách mà người đó tham gia các quan hệ pháp luật. Hiến pháp có quy định về quyền con người, quyền công dân. Theo đó, quyền con người là quyền cơ bản, tự nhiên mà khi sinh ra mọi người đều đương nhiên được hưởng, Nhà nước không ban phát cho người dân mà buộc phải thừa nhận và bảo đảm thực hiện các quyền đó. Bên cạnh những quyền cơ bản của con người, quyền của công dân cũng được quy định. Bên cạnh đó, khi tham gia các quan hệ pháp lý cụ thể, mỗi cá nhân lại có những quyền riêng biệt khác nhau. Quyền này được xác định dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.

Quyền của người phải thi hành án, của người được thi hành án (sau đây gọi tắt là đương sự) hiện nay được quy định cụ thể trong Luật Thi hành án dân sự. Điều 7 và Điều 7a Văn bản hợp nhất Luật Thi hành án dân sự năm 2020 của Văn phòng Quốc hội không hề có quy định “đương sự được quyền nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình” như trong hoạt động tố tụng hình sự và tố tụng dân sự. Từ thực tiễn đó, dẫn tới việc có Cơ quan thi hành án cho phép Luật sư được tham gia bảo vệ lợi ích hợp pháp cho đương sự khi làm việc cùng cơ quan thi hành án, nhưng cũng có không ít các cơ quan từ chối làm việc với Luật sư, vì trong quy định pháp luật không quy định. Từ đó, dẫn tới việc ứng xử tùy tiện, theo cảm tính của cơ quan thi hành án, xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm tới quyền được hoạt động nghề nghiệp của Luật sư.

Theo quan điểm của một số cơ quan thi hành án, khi pháp luật về thi hành án dân sự không quy định quyền được nhờ người khác bảo vệ, thì đương sự sẽ không có quyền đó. Tuy nhiên, có ý kiến khác trái chiều lại cho rằng, người dân được làm những điều mà pháp luật không cấm. Luật Thi hành án dân sự không cấm đương sự nhờ người khác bảo vệ quyền lợi cho mình, nên người dân được phép làm. Bên cạnh đó, tuy Luật Thi hành án dân sự không có quy định về quyền được nhờ người khác bảo vệ nhưng Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì lại có quy định. Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định đương sự được quyền tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Nếu coi thi hành án dân sự là một giai đoạn trong hoạt động tố tụng dân sự, vì thi hành án là một chương trong Bộ luật Tố tụng dân sự, thì đương sự trong quá trình thi hành án cũng có quyền như đương sự trong hoạt động tố tụng dân sự. Tức đương sự trong hoạt động tố tụng dân sự, người mà sau này có tư cách pháp lý là đương sự trong hoạt động thi hành án cũng có quyền được nhờ người khác bảo vệ.

Song song với đó, Điều 28 Văn bản hợp nhất Luật Luật sư năm 2015 của Văn phòng Quốc hội, cũng quy định Luật sư được thực hiện tư vấn pháp luật trong mọi lĩnh vực, trong đó có hoạt động thi hành án. Tư vấn pháp luật là việc Luật sư hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ. Như vậy, có thể thấy, tuy rằng Luật Thi hành án dân sự không quy định đương sự có quyền được nhờ người khác bảo vệ quyền lợi cho mình, nhưng không có quy định không có nghĩa là cấm không cho phép thực hiện. Trong khi đó, các luật liên quan như Luật Luật sư, Bộ luật Tố tụng dân sự lại có quy định về vấn đề này. Do đó, việc không cho Luật sư được hoạt động trong lĩnh vực thi hành án dân sự là xâm phạm tới quyền được hành nghề của Luật sư. Việc từ chối không cho đương sự được nhờ người khác bảo vệ quyền lợi trong hoạt động thi hành án là xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Trong hoạt động hành nghề thực tiễn của Luật sư cho thấy, các cơ quan thi hành án dân sự ứng xử rất khác nhau về vấn đề này. Có cơ quan cầu thị, thì tiếp thu và bảo đảm thực hiện quyền lợi cho nhân dân, nhưng ngược lại, có cơ quan thì lại vận dụng chính lỗ hổng này để làm căn cứ từ chối làm việc với Luật sư. Việc ứng xử không thống nhất trong hệ thống các Cơ quan thi hành án dân sự đã gây nên một rào cản không nhỏ trong hoạt động hành nghề của Luật sư, tạo nên những vướng mắc không đáng có trong hoạt động thi hành án dân sự.

Do đó, việc cho phép đương sự được nhờ người khác bảo vệ quyền lợi cho mình trong hoạt động thi hành án không hề vi phạm Luật Thi hành án dân sự. Chấp nhận cho đương sự được quyền nhờ người khác bảo vệ là phù hợp với các luật khác liên quan, cũng là quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân. 

Luật sư NGUYỄN THỊ KIỀU TRANG

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Cảm nhận về nghề Luật sư

Lê Minh Hoàng