Quyền quyết định thực nghiệm điều tra của thẩm phán chủ tọa phiên tòa

09/02/2021 09:46 | 3 năm trước

(LSVN) - Quyền quyết định thực nghiệm điều tra là một quyền mới của thẩm phán chủ tọa phiên tòa được Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định so với BLTTHS năm 2003. Việc bổ sung quyền này cho thẩm phán chủ tọa phiên tòa nhằm giúp cho việc giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ. Tuy nhiên, đây là một quyền mới và trong thực tiễn vẫn còn thiếu văn bản hướng dẫn thi hành, nên trong quá trình áp dụng vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Cơ sở pháp lý

Điểm đ khoản 2 Điều 45 BLTTHS 2015 về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quy định quyền quyết định “thực nghiệm điều tra”, đây thực chất là hoạt động nhằm để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án.

Thực nghiệm điều tra được thực hiện trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, mặc dù trong quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 45 BLTTHS 2015 có quy định thẩm quyền của thẩm phán chủ tọa phiên tòa trong việc thực nghiệm điều tra, song, tại Điều 204 Bộ luật này lại quy định về thực nghiệm điều tra như sau: 

“1. Để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, Cơ quan Điều tra có thể thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết. Khi thực nghiệm điều tra phải đo đạc, chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ, ghi rõ kết quả thực nghiệm điều tra vào biên bản.
Nghiêm cấm việc thực nghiệm điều tra xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người tham gia thực nghiệm điều tra và người khác.
2. Trước khi tiến hành thực nghiệm điều tra, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian và địa điểm tiến hành thực nghiệm điều tra. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc thực nghiệm điều tra. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì phải ghi rõ vào biên bản.
3. Điều tra viên chủ trì tiến hành thực nghiệm điều tra và việc thực nghiệm điều tra phải có người chứng kiến.
Khi tiến hành thực nghiệm điều tra, Cơ quan Điều tra có thể mời người có chuyên môn tham gia. Trường hợp cần thiết, người bị tạm giữ, bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng có thể tham gia.
4. Trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát tiến hành thực nghiệm điều tra. Việc thực nghiệm điều tra được tiến hành theo quy định tại Điều này”.

Điều 204 BLTTHS 2015 không quy định hoạt động thực nghiệm điều tra có sự tham gia của thẩm phán chủ tọa phiên tòa, hoạt động này nằm trong giai đoạn điều tra. Xét về mặt bản chất, hoạt động thực nghiệm điều tra khi thẩm phán chủ tọa phiên tòa yêu cầu chỉ là một hoạt động nhằm kiểm tra, xác minh và đánh giá lại các tài liệu, tình tiết trong vụ án, nhất là quá trình thực nghiệm điều tra được thực hiện trong giai đoạn điều tra trước đó. Đặc biệt là, kiểm tra, đánh giá tính liên quan, sự trùng khớp giữa những lời khai, các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình mà người phạm tội thực hiện hành vi xem có phù hợp hay không. Bởi, bản chất thực sự của hoạt động thực nghiệm điều tra chính là dựng lại diễn biến vụ án, mà khi giai đoạn điều tra thì thẩm phán chủ tọa phiên tòa không được tham gia.

Như vậy, khi thẩm phán chủ tọa phiên tòa thực hiện quyền quyết định thực nghiệm điều tra thì thực chất tòa án là cơ quan yêu cầu còn cơ quan trực tiếp thực nghiệm điều tra là cơ quan điều tra.

Trình tự thủ tục thực nghiệm điều tra theo quyết định của thẩm phán chủ tọa phiên tòa

Mặc dù trong Điều 204 BLTTHS 2015 quy định về trình tự thủ tục thực nghiệm điều tra và tại mục 7 Công văn số 5024/VKSTC-V14 ngày 19/11/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải đáp vướng mắc liên quan đến quy định của BLTTHS và nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự trong ngành kiểm sát nhân dân có hướng dẫn: “Khi thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định việc thực nghiệm điều tra thì trình tự thủ tục phải được thực hiện theo quy định tại Điều 204 BLTTHS”. Tuy nhiên, quy định về trình tự thủ tục hoạt động thực nghiệm điều tra tại Điều 204 BLTTHS 2015 chỉ áp dụng và phù hợp với cơ quan trực tiếp thực nghiệm điều tra đó là cơ quan điều tra, còn quyết định thực nghiệm điều tra của thẩm phán chủ tọa phiên tòa thực chất là quyền yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành thực nghiệm điều tra lại để đánh giá các nội dung trong buổi thực nghiệm điều tra do cơ quan điều tra trực tiếp thực hiện trước đó, nên trình tự thủ tục có thể thực hiện như sau:

Bước 1: Ra văn bản yêu cầu thực nghiệm điều tra cho cơ quan điều tra, trong đó nêu rõ lý do thực nghiệm điều tra. Cơ quan điều tra hoặc thẩm phán chủ tọa phiên tòa đề xuất địa điểm và các vấn đề khác theo quy định của BLTTHS 2015, thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền yêu cầu bổ sung các nội dung, thành phần tham gia trong buổi thực nghiệm điều tra.

Bước 2: Thông báo cho đại diện viện kiểm sát cùng cấp cử kiểm sát viên tham dự thực nghiệm điều tra, nếu kiểm sát viên vắng mặt, thì phải ghi rõ vào biên bản.

Bước 3: Nội dung thực nghiệm điều tra thực hiện theo quy định của BLTTHS 2015 và các văn bản có liên quan.

Bước 4: Lập biên bản thực nghiệm điều tra, thẩm phán chủ tọa phiên tòa và các thành phần ký vào biên bản thực nghiệm điều tra.

Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện

Thứ nhất: BLTTHS năm 2015 có quy định về quyền quyết định thực nghiệm điều tra của thẩm phán chủ tọa phiên tòa như đã phân tích ở trên. Bản chất thực sự của quyền quyết định thực nghiệm điều tra của thẩm phán chủ tọa phiên tòa là nhằm kiểm tra, đánh giá diễn biến vụ án bằng thực tế nhằm so sánh có hay không sự trùng khớp với các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Kết quả thực nghiệm điều tra do thẩm phán chủ tọa phiên tòa yêu cầu và chứng kiến là một căn cứ quan trọng nhằm đánh giá một cách khách quan toàn diện vụ án, để đưa ra một bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Mặc dù BLTTHS năm 2015 quy định thẩm quyền của chủ tọa phiên tòa về quyết định thực nghiệm điều tra nhưng lại không quy định trình tự, thủ tục thực nghiệm điều tra và thời hạn thực nghiệm điều tra nên trong thực tiễn thi hành gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ hai: Bản chất của quyền quyết định thực nghiệm điều tra của thẩm phán chủ tọa phiên tòa là yêu cầu cơ quan điều tra thực hiện thực nghiệm điều tra lại, điều tra bổ sung, nhưng BLTTHS năm 2015 không quy định việc thực nghiệm điều tra lại, bổ sung, vì thực nghiệm điều tra lại là hoạt động thực nghiệm điều tra được tiến hành theo quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự về vấn đề đã được thực nghiệm điều tra khi có nghi ngờ biên bản thực nghiệm điều tra lần đầu không chính xác; thực nghiệm điều tra bổ sung là hoạt động thực nghiệm được tiến hành khi nội dung biên bản thực nghiệm điều tra chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ án đã được nêu trong biên bản thực nghiệm điều tra trước đó. Như vậy, thực nghiệm điều tra lại hoặc bổ sung là hai nội dung quan trọng nhằm hoàn thiện biên bản thực nghiệm điều tra lần đầu, bảo đảm giải quyết vụ án khách quan, toàn diện cần được bổ sung trong BLTTHS năm 2015.

Ngoài ra, vấn đề đặt ra là, khi có sự mâu thuẫn giữa biên bản thực nghiệm điều tra trong giai đoạn điều tra với biên bản thực nghiệm điều tra do cơ quan tiến hành tố tụng khác quyết định, thì sử dụng kết quả nào, nội dung này luật không quy định.

Nhằm hoàn thiện các quy định liên quan đến thẩm quyền quyết định thực nghiệm điều tra của thẩm phán chủ tọa phiên tòa, tác giả kiến nghị một số nội dung sau đây:

Một là: Cần có văn bản hướng dẫn quy định trình tự thủ tục, thời hạn thực nghiệm điều tra trong trường hợp thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định thực nghiệm điều tra.

Hai là: Bổ sung trong BLTTHS năm 2015 quy định về thực nghiệm điều tra lại, thực nghiệm điều tra bổ sung, thực nghiệm điều tra trong trường hợp đặc biệt như sau:

Điều...: Thực nghiệm điều tra lại

1. Việc thực nghiệm điều tra lại được thực hiện khi có nghi ngờ biên bản thực nghiệm điều tra lần đầu không chính xác. Việc thực nghiệm điều tra lại phải do người khác thực hiện.

2. Trình tự, thủ tục thực nghiệm điều tra lại thực hiện như thực nghiệm điều tra lần đầu.3. Trường hợp có sự khác nhau giữa biên bản thực nghiệm điều tra lần đầu và biên bản thực nghiệm điều tra lại về cùng một nội dung thực nghiệm điều tra thì việc thực nghiệm điều tra lại lần thứ hai do người quyết định thực nghiệm điều tra quyết định. 

Điều…: Thực nghiệm điều tra bổ sung

1. Việc thực nghiệm điều tra bổ sung được tiến hành trong trường hợp:

a) Nội dung biên bản thực nghiệm điều tra chưa rõ, chưa đầy đủ;

b) Khi phát sinh vấn đề mới cần phải thực nghiệm điều tra liên quan đến tình tiết của vụ án đã có biên bản thực nghiệm điều tra trước đó.

2. Trình tự, thủ tục thực nghiệm điều tra bổ sung được thực hiện như thực nghiệm điều tra lần đầu.

Điều…: Thực nghiệm điều tra lại trong trường hợp đặc biệt

Trong trường hợp đặc biệt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ quyết định việc thực nghiệm điều tra trong trường hợp đặc biệt sau khi đã có biên bản thực nghiệm điều tra trong giai đoạn điều tra. Việc thực nghiệm điều tra trong trường hợp đặc biệt phải do các thành phần mới thực hiện, những người đã tham gia thực nghiệm trước đó không được thực nghiệm lại. Biên bản thực nghiệm điều tra lại trong trường hợp này được sử dụng để giải quyết vụ án.

TRẦN VĂN HÙNG

Thẩm phán Tòa án quân sự khu vực Quân khu 4

Đề nghị các Luật sư thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19