(LSVN) - Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại là một chế định có từ rất lâu của luật tố tụng hình sự nước ta. Đây là một chế định cho phép đối với một số tội phạm, bị hại có quyền quyết định việc có khởi tố vụ án hình sự hay không thông qua yêu cầu khởi tố. Đồng thời nếu việc khởi tố, điều tra, truy tố đã diễn ra nhưng bị hại thấy không muốn xử lý người phạm tội nữa thì pháp luật cũng cho phép họ được quyền rút yêu cầu này và lúc này vụ án phải được đình chỉ. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ bàn đến việc rút yêu cầu khởi tố trong giai đoạn nào là đúng quy định và được chấp nhận.
Giai đoạn xét xử sơ thẩm
Khoản 2 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định:
“Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án”.
Trước đây trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, khoản 2 Điều 105 quy định “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ”, nghĩa là việc rút yêu cầu khởi tố chỉ được thực hiện trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm mới dẫn đến đình chỉ vụ án, việc rút tại phiên tòa sơ thẩm hay giai đoạn xét xử phúc thẩm không thể là căn cứ để đình chỉ vụ án.
Tuy nhiên hiện nay khoản 2 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 đã bỏ cụm từ “trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm” dẫn đến có 2 quan điểm trái chiều trong vụ án “Cố ý gây thương tích” thuộc khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự, bị hại đến khi chuẩn bị xét xử phúc thẩm tha thiết xin rút yêu cầu khởi tố để đình chỉ vụ án.
Việc hiểu và vận dụng khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015 còn nhiều bất cập trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút đơn yêu cầu tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm bởi BLTTHS năm 2015 chưa quy định cụ thể, rõ ràng. Để giải quyết vấn đề trên, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao đã ban hành Công văn số 254/TANDTC-PC (Công văn số 254) ngày 26/11/2018 để hướng dẫn áp dụng về việc người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu theo quy định tại Điều 155 BLTTHS năm 2015. Theo đó, tại giai đoạn xét xử sơ thẩm: “Người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa căn cứ vào Điều 45, điểm a khoản 1 Điều 282 của BLTTHS ra quyết định đình chỉ vụ án; Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào khoản 2 Điều 155, Điều 299 của BLTTHS ra quyết định đình chỉ vụ án…”; tại giai đoạn xét xử phúc thẩm thì: “Trường hợp có kháng cáo, kháng nghị mà tại giai đoạn xét xử phúc thẩm người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu thì Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào khoản 2 Điều 155 và Điều 359 của BLTTHS hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án”.
Mặc dù BLTTHS 2015 không quy định cụ thể việc rút yêu cầu khởi tố phải “trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm” nữa nhưng không có nghĩa người yêu cầu khởi tố rút bất cứ giai đoạn nào cũng dẫn đến đình chỉ mà chỉ rút trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm mới dẫn đến đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án. Nghiên cứu các điều luật liên quan đến đình chỉ vụ án thấy tại các Điều 230 BLTTHS về đình chỉ điều tra; Điều 248 về đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố và Điều 282 về đình chỉ vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm thì đều có căn cứ đình chỉ theo quy định tại “khoản 2 Điều 155”. Như vậy, có thể thấy nếu người yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố tại giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm thì vụ án được đình chỉ.
Giai đoạn xét xử phúc thẩm
Còn trong giai đoạn phúc thẩm, trong BLTTHS 2015 có 2 điều luật liên quan đến đình chỉ xét xử phúc thẩm. Đó là Điều 348 đình chỉ xét xử phúc thẩm do người kháng cáo rút đơn kháng cáo và Viện kiểm sát rút kháng nghị. Trường hợp này, Tòa án đình chỉ việc xét xử phúc thẩm và bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật. Còn Điều 359 về hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án quy định căn cứ để hủy và đình chỉ như sau:
“Khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án.
Khi có một trong các căn cứ quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án”.
Có thể thấy tại 2 điều luật này và đặc biệt là Điều 359 BLTTHS năm 2015 không có căn cứ đình chỉ vụ án nào thuộc khoản 2 Điều 155 hoặc khoản 8 Điều 157.
Một là, bị hại rút yêu cầu khởi tố trước khi mở phiên tòa xét xử phúc thẩm thì Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa quyết định đình chỉ vụ án là đúng quy định. Mặt khác, theo Công văn số 254 thì trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, nếu người đã yêu cầu khởi tố vụ án rút yêu cầu thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không được ra quyết định đình chỉ vụ án, tức là việc đình chỉ vụ án thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử (tại phiên tòa xét xử theo thủ tục phúc thẩm). Hướng dẫn như trên là phù hợp vì trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm Thẩm phán được phân công chỉ được ra một trong hai quyết định là: Quyết định đình chỉ hoặc quyết định đưa vụ án ra xét xử. Theo khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015, trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố vụ án mà rút yêu cầu thì phải đình chỉ vụ án. Tuy nhiên, ở giai đoạn phúc thẩm thì không thể đình chỉ khi đã có bản án sơ thẩm theo yêu cầu của bị hại, nay nếu đình chỉ vụ án thì không thể giải quyết yêu cầu của bị hại về việc rút yêu cầu khởi tố vụ án. Chính vì thế, cần phải tiến hành phiên tòa xét xử theo thủ tục phúc thẩm mặc dù có yêu cầu rút yêu cầu khởi tố.
Hai là, bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên tòa phúc thẩm thì Tòa án cũng không đình chỉ được vụ án như tại phiên tòa sơ thẩm. Về nguyên tắc và thủ tục tố tụng, Tòa án phải căn cứ vào khoản 2 Điều 155; điểm d khoản 1 Điều 355 BLTTHS năm 2015 hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Tuy nhiên, đối chiếu với Điều 359 BLTTHS năm 2015 quy định về căn cứ để hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án lại không có trường hợp bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án. Chính việc BLTTHS không quy định cụ thể vấn đề bị hại rút yêu cầu khởi tố ở giai đoạn xét xử phúc thẩm dẫn đến quyền rút yêu cầu khởi tố của bị hại được luật ghi nhận, nhưng khi quyền này được thực hiện trên thực tế, cơ quan tiến hành tố tụng lại không có cơ sở pháp lý để giải quyết đúng theo nguyên tắc, thủ tục xét xử phúc thẩm. Điều này dẫn đến thực tế có nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau.
Theo quan điểm của tác giả việc vận dụng quy định về miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) để làm căn cứ giải quyết việc rút yêu cầu khởi tố của bị hại ở giai đoạn xét xử phúc thẩm. Việc áp dụng quy định về miễn TNHS vừa giải quyết được hai vấn đề:
(1) Quyền rút yêu cầu của bị hại được thực thi trên thực tế;
(2) Cơ quan tiến hành tố tụng có đủ cơ sở pháp lý để giải quyết yêu cầu của bị hại mà không trái với nguyên tắc, quy định về thủ tục xét xử phúc thẩm. Để miễn TNHS cho bị cáo, cơ quan tiến hành tố tụng phải căn cứ vào nội dung quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 để xem xét bị cáo có đủ điều kiện để miễn TNHS hay không và áp dụng điểm a khoản 1 Điều 357 BLTTHS năm 2015 để làm căn cứ quyết định miễn TNHS cho bị cáo. Tác giả lần lượt phân tích quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 để làm rõ căn cứ của việc áp dụng chế định này trong việc giải quyết vấn đề bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên tòa phúc thẩm như sau:
Khoản 3 Điều 29 quy định: “Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”. Để miễn TNHS cho bị cáo theo quy định này, phải có đủ các điều kiện sau:
Thứ nhất, tội phạm mà bị cáo thực hiện phải là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác. Qua rà soát mức hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 155 cần phải có yêu cầu khởi tố của bị hại như đã nêu trên, có 08 tội danh là tội phạm ít nghiêm trọng, trừ tội “Hiếp dâm”; tội “Cưỡng dâm” là tội phạm nghiêm trọng, không đáp ứng được điều kiện miễn TNHS trong trường hợp này. Do đó, việc miễn TNHS cho bị cáo đối với 02 tội danh này sẽ không thực hiện được.
Thứ hai, người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS cho bị cáo. Thực tiễn xét xử cho thấy khi bị hại quyết định rút yêu cầu khởi tố thì về ý chí họ không muốn truy cứu TNHS đối với bị cáo nữa và mong muốn cơ quan tiến hành tố tụng không kết tội bị cáo. Do đó, trong trường hợp này, Tòa án phải yêu cầu bị hại hoặc đại diện hợp pháp của bị hại tự nguyện hòa giải với bị cáo và thể hiện yêu cầu đề nghị miễn TNHS cho bị cáo tại phiên tòa. Việc hòa giải và đề nghị miễn TNHS này phải ghi rõ vào biên bản phiên tòa.
Thứ ba, người phạm tội đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả cho phía bị hại. Điều kiện này đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng phải căn cứ vào kết quả sửa chữa, bồi thường, khắc phục hậu quả của bị cáo để xem xét. Điều luật quy định rõ là người phạm tội đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả chứ không phải xem xét việc thỏa thuận, ghi nhận bồi thường thiệt hại giữa bị cáo với bị hại ở giai đoạn sơ thẩm, do đó, việc bị cáo hứa hẹn bồi thường được bản án sơ thẩm ghi nhận không phải là điều kiện để xem xét miễn TNHS cho bị cáo. Tuy nhiên, do phía bị hại không muốn truy cứu TNHS đối với bị cáo nữa nên Tòa án cần phải giải thích cho bị cáo hiểu để bị cáo thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra để được xem xét miễn TNHS. Trong trường hợp này Hội đồng xét xử có thể căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 352 BLTTHS hoãn phiên tòa cho bị cáo thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của mình để làm cơ sở xem xét miễn TNHS cho bị cáo.
Như vậy, để đảm bảo áp dụng đúng quy định của pháp luật trong việc giải quyết việc rút yêu cầu khởi tố của bị hại tại phiên tòa phúc thẩm thì yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng phải lần lượt xác định và giải quyết đầy đủ các điều kiện như vừa phân tích ở trên. Khi có đủ các điều kiện nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể xem việc rút đơn yêu cầu khởi tố của bị hại là tình tiết mới và căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 357 BLTTHS năm 2015 quyết định sửa bản án sơ thẩm, miễn TNHS cho bị cáo. Tuy việc vận dụng quy định miễn TNHS tạm thời chưa giải quyết được triệt để vấn đề bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên tòa phúc thẩm (trừ hai tội danh hiếp dâm và cưỡng dâm không áp dụng được quy định miễn TNHS như đã phân tích trên), nhưng phần nào cũng khắc phục được thiếu sót của BLTTHS đối với trường hợp bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên tòa phúc thẩm.
Kiến nghị
Để có cơ sở pháp lý cho việc giải quyết yêu cầu rút yêu cầu khởi tố vụ án của bị hại ở giai đoạn xét xử phúc thẩm, chúng tôi kiến nghị bổ sung vào BLTTHS năm 2015 tại Điều 359 thêm khoản 3 căn cứ để hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án trong trường hợp bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên tòa phúc thẩm với nội dung như sau:
Điều 359. Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án
“1. Khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án.
2. Khi có một trong những căn cứ quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6, và 7 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.
3. Khi bị hại hoặc đại diện hợp pháp của bị hại yêu cầu khởi tố thuộc quy định tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật hình sự rút yêu cầu khởi tố vụ án”.
TRẦN TRỌNG TUÂN
Toà án Quân sự Quân khu 9