Mới đây, thang máy khách sạn Sen Hồ trên đường Tô Hiệu, quận Tân Phú (TP. HCM) rơi tự do từ lầu 4 xuống tầng trệt khiến một cô gái bị chấn thương cột sống. Thời điểm trên, chị N.T.N.H. (27 tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức) trong lúc đi thang máy tại khách sạn Sen Hồ thì bị mắc kẹt và rơi từ tầng 4 xuống tầng trệt. Chị H. bị thương và mắc kẹt bên trong.
Sau đó, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Công an TP. HCM (PC07) đã đến hiện trường. Cảnh sát tiếp cận nạn nhân bằng thang dây và dùng cáng cứu thương đưa ra ngoài trong tình trạng chấn thương cột sống. Nạn nhân được lực lượng y tế sơ cứu rồi chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115.
Hiện, cơ quan chức năng quận Tân Phú đang điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Tiến sĩ, Luật Sư Lê Ngọc Khánh, Công Ty Luật TGS.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Tiến sĩ, Luật sư Lê Ngọc Khánh, Công ty Luật TNHH TGS cho biết, trong trường hợp để xảy ra tai nạn như trên việc xác định nguyên nhân là yếu tố cốt lõi để tìm xem ai là người phải chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm như thế nào. Đối với các thang máy trong các tòa nhà cao tầng thường phải được đảm bảo từ chất lượng, đến thi công lắp đặt và bảo trì, bảo dưỡng trong quá trình sử dụng.
Như vậy, có thể các cơ quan, đơn vị, cá nhân sau sẽ phải chịu trách nhiệm:
Thứ nhất, là ban quản lý tòa nhà - bộ phận có trách nhiệm duy trì các hoạt động bên trong và bên ngoài tòa nhà, bao gồm sữa chữa, bảo trì hệ thống thang máy. Bộ phận này có trách nhiệm ký kết hợp đồng về việc trên với đơn vị chuyên môn và đảm bảo an toàn chất lượng cho người sử dụng thang máy. Hơn nữa đây cũng là bộ phận trực tiếp quản lý và sử dụng thang máy.
Thứ hai, là đơn vị ký hợp đồng, đảm bảo việc sửa chữa, bảo trì hệ thống thang máy định kỳ với ban quản lý. Đây là đơn vị trực tiếp thực hiện và đảm bảo an toàn cũng như sự hoạt động trơn tru của hệ thống thang máy. Nếu thang máy xảy ra sự cố thì họ khó có thể chối bỏ trách nhiệm.
Thứ ba, có thể kể đến đơn vị, cá nhân trực tiếp vận hành, đưa thang máy vào sử dụng. trong quá trình vận hành có thể đã có những sai sót hoặc lỗi ký thuật dẫn đến việc thang máy trục trặc.
Cuối cùng, là đơn vị cung cấp thang máy, họ phải có trách nhiệm cung cấp thang máy đảm bảo chất lượng, an toàn và bảo hành hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật và trong hợp đồng cung cấp giữa hai bên.
Tùy theo xác định được lỗi thuộc về ai, mức độ, tính chất của hành vi và tỷ lệ thương tật của người bị hại mới có thể xác định chính xác người thực hiện hành vi (hành động hoặc không hành động) có thể bị truy cứu trách nhiệm hay không. Nếu cơ quan chức năng điều tra làm rõ, kết luận những người nêu trên có hành vi phạm tội, tỷ lệ tổn thương cơ thể của bị hại từ 31% trở lên thì người thực hiện hành vi có thể bị 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Mức bồi thường như thế nào?
Về vấn đề bồi thường, Tiến sĩ, Luật sư Lê Ngọc Khánh cho biết, việc xác định trách nhiệm bồi thường cũng như trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào việc điều tra của cơ quan chức năng. Khi làm rõ được đơn vị, cá nhân nào có lỗi thì họ phải có trách nhiệm bồi thường cho bị hại.
Về mức bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự 2015. Theo đó, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; Thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài những chi phí trên, người chịu trách nhiệm bồi thường phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Bên cạnh đó, để được bồi thường, trước hết gia đình phải đưa nạn nhân đi giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể tại cơ quan có thẩm quyền. Sau đó thực hiện tố giác tội phạm, yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền điều tra làm rõ. Trường hợp vụ việc được khởi tố hình sự và được đưa ra xét xử thì song song với trách nhiệm hình sự, nạn nhân hoặc gia đình có thể yêu cầu người thực hiện hành vi bồi thường thiệt hại theo quy định trên.
Trong trường hợp không khởi tố vụ án hình sự, thì bị hại có thể khởi kiện dân sự đến Tòa án có thẩm quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.
PHƯƠNG CHI