/ Trao đổi - Ý kiến
/ 'Sạn' trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1: Sửa đổi thế nào cho hợp lý?

'Sạn' trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1: Sửa đổi thế nào cho hợp lý?

05/01/2021 18:12 |

(LSVN) - Hội đồng thẩm định và tác giả sách Tiếng Việt 1, bộ sách Cánh Diều đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa sách giáo khoa...

(LSVN) - Hội đồng thẩm định và tác giả sách Tiếng Việt 1, bộ sách Cánh Diều đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa sách giáo khoa cho phù hợp hơn. Việc sửa đổi này là cần thiết, tuy nhiên, sửa đổi ra sao, phương án thế nào, chi phí ra sao cũng là vấn đề cần xem xét.

Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều.

Sau những phản ánh về việc sách giáo khoa (SGK) môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều, do GS. Nguyễn Minh Thuyết Chủ biên, Nhà xuất bản Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh phát hành có một số nội dung chưa phù hợp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 rà soát, báo cáo trước ngày 17/10/2020.

Nhà xuất bản, tác giả sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều được yêu cầu xây dựng phương án chỉnh sửa nội dung không phù hợp trước ngày 15/11.

Theo bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội cho biết: “Tôi thì không phải là người viết bộ sách này, tuy nhiên, theo quan sát, theo dõi thì tôi thấy là các tác giả bộ sách đã đưa và chương trình quá nặng, đề nghị lược bỏ những phần không cần thiết để các cháu có đủ thời gian vừa học tập, vừa nghỉ ngơi. Cho nên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sửa đổi sao cho phù hợp với sức của các em học sinh lớp bởi các em vẫn còn non nớt, vừa mới bước chân vào lớp 1, học nặng quá như vậy thì các em không chịu được”.

Ngoài ra, bà An cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đã tiếp thu, quyết định sửa thì nên sửa sao cho chuẩn luôn, kết hợp tất cả các chuyên gia, khoa học của lĩnh vực này lại để  sửa. 

“Nên tranh thủ ý kiến của các phụ huynh mà có con học lớp 1, thậm chí có khi phải tìm cách để hỏi các em học sinh, còn không thì lại lãng phí tiền của dân của nước”, bà An nhấn mạnh.

Bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu quốc hội.

Hiện sách giáo khoa lớp một đã được sử dụng hơn một tháng, nhiều trường tiểu học đang dạy chương trình học theo bộ sách này. Khi sửa đổi sách giáo khoa thì sẽ đặt ra câu hỏi rằng sẽ sửa đổi như thế nào trong khi học sinh lớp 1 vẫn đang học. Theo ý kiến của một phụ huynh thì việc thay đổi sẽ được tiến hành theo phương án nào: thu hồi toàn bộ sách giáo khoa lớp 1 trước và tiến hành thay toàn bộ sách giáo khoa mới; hoặc bổ sung thêm tài liệu sau khi sửa đổi để học song song cùng bộ sách trước đó?.

Về vấn đề này bà An cho rằng: “Về phương pháp sư phạm thì trong tài liệu học nên có một quyển mỏng, đủ kiến thức. Vấn đề rằng nếu bây giờ thu hồi thì sẽ gây lãng phí nhưng nếu bổ sung tài liệu thì còn phức tạp hơn nhiều nên tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nghiên cữu kĩ. Trong trường hợp thấy quyển sách có quá nhiều nội dung sai, không phù hợp thì chúng ta nên kiên quyết thu hồi. Cần có một quyển sách giáo khoa chuẩn đưa ra để các em đi học thì sẽ chỉ cần mang quyển sách giao khoa đó và thêm một vài quyển vở để cho các em đeo ba lô, đeo túi sách được nhẹ nhàng. Việc điều chỉnh học trang này, bỏ trang kia sẽ rất phức tạp cho tư duy trẻ em".

Đối với vấn đề chi phí cho bộ sách sau khi đã sửa đổi, bà An đưa ra quan điểm: “Mình sai thì mình phải sửa, tuy nhiên, vấn đề là nếu phụ huynh không hỗ trợ chi phí thì cũng rất khó bởi tiền ngân sách có hạn nên cần Bộ Giáo dục và Đào tạo bàn kĩ xem thế nào là tốt nhất đối với phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, không phải là bắt phụ huynh bỏ hết bởi họ không có lỗi. Về nguyên tắc, thì ai gây ra lỗi người đó sẽ phải bồi thường".

Luật sư Mai Tiến Luật, Giám đốc Công ty TNHH MTV BigBoss Law.

Luật sư Mai Tiến Luật, Giám đốc Công ty TNHH MTV BigBoss Law cho rằng mức độ sai sót còn phụ thuộc vào kết quả rà soát của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, Luật sư Luật nhận định: "Nếu lỗi thuộc Bộ Giáo dục thì Bộ giáo dục có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng bằng cách cho đổi trả lại bộ sách mới sau khi đã sửa lỗi; hoặc bồi thường tiền. Còn nếu lỗi do Nhà xuất bản thì Nhà xuất bản bồi thường. Ngoài ra, còn tùy vào mức độ vi phạm có thể xử lý hành chính ở các mức độ khác nhau”.

Tối 15/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu nhà xuất bản và tác giả sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều chỉnh sửa, hiệu đính nội dung chưa phù hợp, gửi Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 để thẩm định. Sau đó, Hội đồng thẩm định báo cáo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo để xem xét, phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11.
Hội đồng thẩm định cũng đề nghị tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn, bài “đa nghĩa”, nên lựa chọn đoạn, bài trong kho tàng Văn học Việt Nam.
Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý để sách giáo khoa  ngày càng hoàn thiện, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc được nhận các ý kiến góp ý, thậm chí là phê bình sẽ giúp các tác giả, hội đồng thẩm định và Bộ Giáo dục và Đào tạo làm tốt hơn việc biên soạn, thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa các lớp học tiếp theo.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau theo cùng một chương trình thống nhất, trong đó sách gió khoa có vai trò là tài liệu để các nhà trường, giáo viên nghiên cứu, xây dựng kế hoạch giảng dạy cho phù hợp. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức biên soạn, phát hành sách giáo khoa theo hình thức xã hội hóa. 

PHẠM HƯƠNG

/chuyen-sat-hach-cap-gplx-sang-bo-cong-an-khong-co-can-cu-phap-ly.html