/ Tư vấn
/ Bị nợ lương nhưng không có hợp đồng lao động thì phải làm thế nào?

Bị nợ lương nhưng không có hợp đồng lao động thì phải làm thế nào?

05/07/2021 04:24 |

(LSVN) - Tôi đi làm tại nhà hàng nhưng không ký hợp đồng lao động, vừa rồi nhà hàng có nói do ảnh hưởng của Covid-19 nên bên phía nhà hàng không trả lương và yêu cầu chấm dứt công việc. Trong khi đó, những người khác cũng ở vị trí như tôi nhưng vẫn được hưởng lương theo quy định. Vậy, làm cách nào để tôi có thể yêu cầu nhà hàng trả lương và các chế độ của tôi có đúng theo quy định pháp luật? Bạn đọc L.H.N hỏi.

Ảnh minh họa.

Trả lời về vấn đề trên, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, tại khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: "Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động", và "Quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức đại diện của các bên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quan hệ lao động bao gồm quan hệ lao động cá nhân và quan hệ lao động tập thể".

Tại Điều 13 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng quy định: "Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động".

Do đó, nếu giữa bạn và nhà hàng đã thỏa thuận về việc làm có trả lương và bạn phải chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của nhà hàng, thì giữa bạn và hàng đã xác lập và thực hiện hợp đồng lao động và quan hệ lao động mà không phụ thuộc vào việc giữa các bên có giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản hay không. Vì vậy, bạn sẽ được coi là người lao động, và được đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp theo đúng thỏa thuận giữa các bên và quy định của Luật Lao động.

Tại Điều 94 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: "Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp".

Mặt khác, khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng quy định: "Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày". Theo các quy định này, thì việc nhà hàng khi chấm dứt hợp đồng lao động đã không trả lương cho bạn là vi phạm các quy định của pháp luật.

Do đó, bạn có quyền khiếu nại đến Nhà hàng, Chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH nơi nhà hàng có trụ sở, hoặc khởi kiện ra Toà án, để yêu cầu bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp cho bạn theo đúng quy định của pháp luật.

QUÝ MINH

Trình tự, thủ tục để chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trong tình hình dịch bệnh Covid-19

Lê Minh Hoàng