Cụ thể, Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, khi người lao động nghỉ hưu và sau đó ký tiếp hợp đồng lao động với doanh nghiệp, một trong những vấn đề quan trọng mà họ cần chú ý là số ngày nghỉ phép hàng năm.
Trước khi nghỉ hưu, người lao động này đã được hưởng chế độ nghỉ phép, thậm chí là nghỉ phép theo thâm niên nếu người lao động đã gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, điều này không chỉ phản ánh sự công nhận và đánh giá cao từ phía công ty đối với những cống hiến và kinh nghiệm của họ mà còn góp phần tạo ra môi trường làm việc tích cực và hỗ trợ sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Vì vậy, việc xác định rõ ràng số lượng ngày nghỉ phép của người lao động là rất cần thiết, giúp họ có cái nhìn rõ ràng về quyền lợi của bản thân họ.
Căn cứ quy định tại Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ phép hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động từ 12 - 16 ngày tùy theo điều kiện về tính chất công việc, độ tuổi lao động. Ngoài ra căn cứ tại Điều 114 Bộ luật Lao động 2019 thì cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này được tăng thêm tương ứng 01 ngày.
Tuy nhiên, việc sau khi nghỉ hưu và ký tiếp hợp đồng lao động thì số ngày nghỉ theo thâm niên có được giữ nguyên hay không thì hiện tại Bộ luật Lao Động 2019 không quy định về vấn đề này.
Cho nên, giả sử trong trường hợp nếu sau khi nghỉ hưu, người lao động ký tiếp hợp đồng lao động mà trước đó đã có thâm niên làm việc thì người lao động này có thể thỏa thuận với doanh nghiệp về số lượng ngày nghỉ phép hàng năm. Trong trường hợp doanh nghiệp không đồng ý thì người lao động chỉ được hưởng 12 ngày nghỉ phép hàng năm theo quy định.