Ảnh minh họa.
Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đơn vị này vừa ra quyết định cấm vận chuyển một hành khách đã sử dụng giấy tờ nhân thân không do cơ quan có thẩm quyền cấp để làm thủ tục kiểm tra an ninh hàng không vào khu vực cách ly, lên tàu bay. Vậy, theo quy định pháp luật hiện nay, hành vi này sẽ bị xử lý thế nào?
Theo Luật sư Nguyễn Thu Trang, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định tại Nghị định 92/2015/NĐ-CP, hành vi sử dụng giấy tờ nhân thân không do cơ quan có thẩm quyền cấp để làm thủ tục kiểm tra an ninh hàng không vào khu vực cách ly, lên tàu bay để đi máy bay là một trong những hành vi bị cấm.
Đối với trường hợp đã bị xử phạt nhưng vẫn vi phạm thì sẽ bị cấm bay trong thời hạn trên 12 tháng đến 24 tháng.
Ngoài bị cấm bay, tùy vào tính chất vụ việc, người sử dụng giấy tờ giả đi máy bay có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi này nghiêm trọng.
Cũng căn cứ theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 25, Nghị định 162/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng quy định hành vi sử dụng giấy tờ nhân thân, vé, thẻ lên tàu bay giả hoặc giấy tờ nhân thân, vé, thẻ lên tàu bay mang tên người khác vào khu vực cách ly, lên tàu bay hoặc cho người chưa thành niên vào khu vực cách ly, lên tàu bay sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Nếu hành vi sử dụng giấy tờ giả, tài liệu giả đi máy bay mà vượt quá mức xử phạt hành chính thì cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341, Bộ luật Hình sự 2015, tội "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức thực hiện hành vi trái pháp luật". Hình phạt của tội này lên tới 07 năm tù.
TRẦN QUÝ
Hành vi bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý như thế nào?