Ảnh minh họa.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Điều 169 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; đối với người dưới 16 tuổi; đối với 02 người trở lên; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
- Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
- Làm chết người;
- Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Luật sư Cường phân tích thêm, hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi bắt nạn nhân để yêu cầu người thân của họ đưa tiền chuộc thì mới thả. Đây là tội danh có cấu thành hình thức, chỉ cần đối tượng thực hiện hành vi bắt nạn nhân để yêu cầu người khác phải đưa tiền, tài sản thì hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào việc đối tượng đã chiếm đoạt được một phần hoặc toàn bộ tài sản của nạn nhân hay chưa.
Theo Luật sư Cường, trong thời gian gần đây, những vụ án bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (đặc biệt là bắt cóc trẻ em) xuất hiện khá nhiều tại Việt Nam. Đây là tiếng chuông cảnh báo trong công tác bảo vệ trẻ em, đảm bảo cho trẻ em sống trong một môi trường an toàn. Với các đối tượng thực hiện hành vi bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản thì cần phải phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội. Các bậc phụ huynh, các cơ sở giáo dục cần nâng cao ý thức cảnh giác, giáo dục kỹ năng sống và nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tránh trường hợp trẻ em trở thành nạn nhân trong các vụ bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, Luật sư cho rằng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân. Kịp thời chấn chỉnh, xử lý những suy nghĩ và hành động tiêu cực có thể xâm phạm đến quyền trẻ em, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em. Có thực hiện đồng bộ, đầy đủ các giải pháp phòng ngừa tội phạm nói chung và phòng ngừa tội phạm xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của trẻ em nói riêng thì mới giảm thiểu được những vụ án bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản nghiêm trọng như hiện nay.
DUY ANH