Ảnh minh họa.
Quy định của pháp luật
Việc tham gia tố tụng của người đại diện, nhà trường, tổ chức trong vụ án hình sự của người dưới 18 tuổi được quy định tại Điều 420 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015:
“1. Người đại diện của người dưới 18 tuổi, thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Ðoàn thanh niên, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng theo quyết định của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án.
2. Người đại diện của người dưới 18 tuổi được tham gia việc lấy lời khai, hỏi cung người dưới 18 tuổi; đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu, khiếu nại, tố cáo; đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu liên quan đến việc buộc tội người dưới 18 tuổi trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra.
3. Những người quy định tại khoản 1 Điều này khi tham gia phiên tòa có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu và đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng; phát biểu ý kiến, tranh luận; khiếu nại các hành vi tố tụng của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các quyết định của Tòa án”.
Những vướng mắc, bất cập
Thứ nhất, hiểu thế nào về “thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, đoàn thanh niên, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt”.
Đây là vấn đề tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế lại không đơn giản chút nào. Theo quy định, những đối tượng trên có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng, do đó, xác định họ là ai chính là vấn đề đầu tiên phải xem xét. Trước tiên, thế nào là “thầy giáo, cô giáo”. Có phải cứ là giáo viên tại cơ sở giáo dục mà người đó đang theo học thì được coi là “thầy giáo, cô giáo” hay phải là “thầy giáo, cô giáo” chủ nhiệm, trực tiếp giảng dạy người đó? Liệu nếu “thầy giáo, cô giáo” không chủ nhiệm, không trực tiếp giảng dạy người đó thì sự tham gia của họ có mang lại ý nghĩa, hiệu quả và mục đích mà điều luật đặt ra hay không? Sau đó, “đại diện nhà trường, đoàn thanh niên, tổ chức khác” là ai, những ai có quyền “đại diện” cho nhà trường, đoàn thanh niên, tổ chức khác? Liệu có bắt buộc phải là người đại diện theo pháp luật, phải trong ban giám hiệu, phải trong ban lãnh đạo, ban chấp hành chi đoàn… hay có thể là bất cứ cá nhân nào? Vẫn còn rất nhiều câu hỏi được đặt ra để các cơ quan tiến hành tố tụng có thể nhận diện chính xác và triệu tập đúng người đó tham gia tố tụng.
Thứ hai, trong một vụ án, trong số những thành phần được quy định tại Điều 420 thì những thành phần nào phải tham gia, cơ quan tiến hành tố tụng phải đưa những thành phần nào vào quá trình tố tụng? Tại quy định này, ngoại trừ người đại diện của người dưới 18 tuổi, thì có các chủ thể khác là “thầy giáo, cô giáo, đại diện nhà trường, đoàn thanh niên, tổ chức khác”. Vậy, trong cùng một vụ án, có phải đưa tất cả hay chỉ đưa một số chủ thể, hay chỉ một chủ thể duy nhất? Thầy giáo, cô giáo là độc lập với đại diện nhà trường hay có thể chính thầy cô đó đại diện nhà trường được không? Nếu chỉ cần đưa một hoặc một số chủ thể tham gia tố tụng thì thứ tự ưu tiên xác định như thế nào? Trường hợp nào thì cơ quan tiến hành tố tụng phải ra quyết định tham gia tố tụng đối với “thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường”, trường hợp nào thì “đoàn thanh niên, tổ chức khác”.
Tất cả những vấn đề đó đều chưa có câu trả lời mà tùy thuộc vào cách thức xử lý của từng cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn đến sự hiểu và áp dụng không thống nhất quy định của pháp luật.
Thứ ba, những chủ thể này có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng theo “quyết định” của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án.
Hiện nay, quyết định này là quyết định gì cũng chưa được quy định, hướng dẫn. Đối với Tòa án, hệ thống biểu mẫu dùng trong tố tụng hình sự được quy định tại Nghị quyết 05/2017 không có mẫu “quyết định đưa thầy giáo, cô giáo, đại diện nhà trường, đoàn thanh niên… vào tố tụng”.
Bên cạnh đó, liệu cụm từ “quyết định” nêu tại khoản 1 Điều 420 BLTTHS được hiểu là ý chí của cơ quan tố tụng (tức là các cơ quan tiến hành tố tụng quyết định đưa vào tố tụng, sau đó sử dụng hình thức công văn, thông báo, giấy triệu tập…) hay phải hiểu hình thức của văn bản bắt buộc phải là “quyết định” (thực tế hiện nay có Tòa án còn sử dụng “giấy mời” để mời những người này tham gia tố tụng).
Thứ tư, tư cách tham gia tố tụng chưa rõ ràng.
Theo BLTTHS 2015, có 20 tư cách tham gia tố tụng được quy định tại Điều 55. Mỗi người tham gia tố tụng đều có một tư cách khác nhau, được quy định quyền và nghĩa vụ khác nhau. Nhưng trong số 20 tư cách đó, không có tư cách nào là “thầy giáo, cô giáo, đại diện nhà trường, đoàn thanh niên, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt” được triệu tập tham gia tố tụng. Vậy khi các cơ quan tiến hành tố tụng quyết định đưa họ vào tố tụng và Tòa án triệu tập họ đến phiên tòa thì sẽ triệu tập họ với tư cách gì? Nếu bỏ qua tư cách mà viết chung chung “thầy giáo”, “cô giáo”, “đại diện nhà trường”… thì liệu có đúng tính chất tham gia tố tụng của họ hay không, có bảo đảm được tính uy nghiêm của hoạt động tố tụng, của phiên tòa xét xử vụ án hình sự không?
Thứ năm, quyền và nghĩa vụ của thầy giáo, cô giáo, đại diện nhà trường, đoàn thanh niên, tổ chức khác.
Theo đó, những chủ thể này cùng với người đại diện của người dưới 18 tuổi đều có “quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng”. Nhưng khác với người đại diện, những chủ thể trên không được tham gia việc lấy lời khai, hỏi cung, đưa ra chứng cứ, đồ vật, tài liệu, yêu cầu, khiếu nại, tố cáo (chỉ được thực hiện khi tham gia phiên tòa); đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu khi kết thúc điều tra. Vậy, nếu họ được đưa vào tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, chuẩn bị xét xử thì họ có quyền và nghĩa vụ gì? Họ được, phải, không được làm những gì? Trong khi đó, tại phiên tòa họ lại có những quyền rất quan trọng như đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu và đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng; phát biểu ý kiến, tranh luận; khiếu nại các hành vi tố tụng của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các quyết định của Tòa án. Điều này cho thấy rõ sự mâu thuẫn, bất hợp lý trong quy định của Điều 420 BLTTHS.
Ngoài ra, theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC thì trường hợp đại diện nhà trường, đại diện cơ quan, tổ chức nơi người dưới 18 tuổi lao động, sinh hoạt mà vắng mặt lần thứ nhất hoặc vắng mặt lần thứ hai vì lý do bất khả kháng, do trở ngại khách quan thì Tòa án phải hoãn phiên tòa. Trường hợp những người quy định tại khoản 1 Điều này vắng mặt lần thứ hai không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan nhưng để bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi thì Tòa án cũng có thể hoãn phiên tòa. Theo quy định nêu trên thì Tòa án xác định sự vắng mặt của đại diện nhà trường, đại diện cơ quan, tổ chức tại phiên tòa xét xử người dưới 18 tuổi phạm tội là căn cứ để hoãn phiên tòa. Trong khi đó, theo mẫu tại Nghị quyết 05/2017, khi hoãn phiên tòa phải ghi rõ lý do của việc hoãn phiên tòa theo quy định của BLTTHS mà quy định về hoãn phiên tòa tại Điều 297 của BLTTHS năm 2015 không có quy định về trường hợp hoãn phiên tòa do sự vắng mặt của các chủ thể nêu trên.
Thứ sáu, thay đổi, hủy bỏ sự tham gia tố tụng của thầy giáo, cô giáo, đại diện nhà trường, đoàn thanh niên, tổ chức khác. Bởi vì những chủ thể này có thể tham gia tố tụng từ giai đoạn điều tra đến khi kết thúc vụ án, do đó, thực tiễn sẽ đặt ra nhiều trường hợp về việc thay đổi, hủy bỏ sự tham gia tố tụng của họ. Ví dụ, thay đổi người đại diện, người đại diện vì lý do nào đó mà không đủ tư cách tham gia tố tụng, không thể tham gia tố tụng. Vậy những trường hợp này thì xử lý thế nào? Liệu những người đã tham gia tố tụng theo quyết định của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát thì Tòa án có được thay đổi, hủy bỏ tư cách tham gia của họ không, có được phép đưa một người khác vào tham gia tố tụng không? Nếu được thì thể hiện bằng hình thức nào? Vấn đề này chưa được bất kỳ quy định nào nhắc đến.
Thứ bảy, thực tiễn tham gia tố tụng của thầy giáo, cô giáo, đại diện nhà trường, đoàn thanh niên, tổ chức khác. Theo đó, trong thực tế xét xử, rất ít vụ án có sự tham gia của thầy giáo, cô giáo, đại diện nhà trường và tổ chức. Nếu có tham gia tố tụng, những chủ thể này cũng không hoặc rất khó biết được mình có quyền và nghĩa vụ gì bởi vì chưa có quy định bắt buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải giải thích cho đối tượng này. Hoặc nếu biết thì họ cũng không hoặc rất khó để thực hiện quyền của mình. Việc tham gia của các chủ thể này nhìn chung chỉ dừng lại ở việc tham gia, biết, quan sát và hình thức. Bản thân những người đó không quan tâm việc bảo vệ cho người dưới 18 tuổi, không đem lại hiệu quả cho quá trình tố tụng.
Từ những hạn chế, bất cập nêu trên, tác giả kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn liên quan đến sự tham gia tố tụng của người đại diện, thầy giáo, cô giáo, đại diện nhà trường, đoàn thanh niên, tổ chức khác. Trong đó, giải quyết tất cả các vấn đề nêu trên.
Đồng thời, trong thời gian dài cần điều chỉnh BLTTHS, bổ sung tư cách tham gia tố tụng, quyền và nghĩa vụ của những chủ thể này. Có ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ, bảo đảm sự tham gia của họ có tác động đến quá trình, kết quả tố tụng.
VĂN LINH
Tòa án quân sự Khu vực Hải quân
Hoàn thiện quy định pháp luật về chế định ‘Phòng vệ chính đáng’