Đặc thù công việc phải di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, như thế, rõ ràng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay.
Về tranh trụng hình sự, do dịch bệnh diễn biến khó lường, để ngăn ngừa sự lây lan, các cơ quan tiến hành tố tụng như Tòa án, Công an hạn chế giải quyết cho tiếp xúc giữa người bào chữa với bị can, bị cáo đang bị tạm giam. Thực tế này gây ra ảnh hưởng mang tính phi vật chất, đó là chất lượng bào chữa và việc bảo vệ quyền lợi cho thân chủ. Bên cạnh đó, việc giãn cách xã hội khiến Luật sư gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp xúc hồ sơ vụ án, vụ việc tại Tòa án. Từ đó dẫn đến việc quá trình tiến hành tố tụng bị tạm dừng, kéo dài thời hạn giải quyết.
Đối với lĩnh vực tranh tụng dân sự và thương mại, trong dài hạn, khối lượng công việc của Luật sư sẽ gia tăng. Bối cảnh xã hội thời dịch cũng như những chính sách phòng chống lây lan đã mang đến điểm chưa có trong tiền lệ ít nhất trong nhiều chục năm trở lại đây. Các đợt đóng biên, phong tỏa, cấm xuất hay nhập khẩu, đóng cửa kinh doanh... trên quy mô toàn cầu dẫn đến việc chậm trễ hoặc thậm chí không có khả năng thực hiện hợp đồng, không có khả năng thanh toán của khối lượng lớn các doanh nghiệp và cá nhân khắp trên thế giới, đây là yếu tố gây phát sinh tranh chấp.
Trong lĩnh vực tư vấn, khối lượng công việc của hãng luật giảm nhiều do tác động của dịch bệnh. Theo Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh (thuộc Bộ KH&ĐT), thống kê của 05 tháng đầu năm 2021, có 31.818 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 19.979 doanh nghiệp, số doanh nghiệp hoàn thành việc giải thể là 8.023 doanh nghiệp, tăng lần lượt 20,7% và 32,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ những khó khăn đó, giới Luật sư trên thế giới nói chung, và ở Việt Nam nói riêng cần nhận thức và điều chỉnh cách làm việc để sớm thích nghi với bối cảnh hiện tại cũng như thời kỳ hậu đại dịch.
Về phương thức làm việc, nhằm tuân thủ các chỉ đạo giãn cách, tránh rủi ro lây nhiễm, cách tiếp xúc trực tiếp cần được thay thế bằng việc áp dụng công nghệ. Các công cụ phổ biến như Gmail, Skype hay Microsoft Teams,… vốn đã được một số Luật sư, đặc biệt là ở các thành phố lớn, sử dụng thường xuyên từ trước dịch, đến nay càng phát huy hiệu quả hơn. Đây cũng có thể xem là xu hướng chung của thế giới ở mọi ngành nghề chứ không riêng gì công tác pháp luật.
Tuy nhiên, do đặc thù ngành nghề gắn liền với yêu cầu phải bảo mật thông tin khách hàng, các phương thức kết nối công việc cần có hạ tầng công nghệ thông tin tốt. Bên cạnh đó, về bản chất, công việc của một Luật sư mang đậm tính xã hội. Do vậy, tuy được hỗ trợ nhiều từ các phương tiện công nghệ, nhưng việc gặp gỡ trực tiếp với khách hàng hay giao tiếp giữa các đồng nghiệp trong một hãng luật không thể hoàn toàn biến mất. Thách thức này buộc những người làm nghề luật phải vận dụng linh hoạt nhiều kỹ năng bổ trợ trong quản lý, giao tiếp, sắp xếp, điều hành để vừa bắt kịp xu hướng chung của xã hội trong thời kỳ dịch bệnh, đồng thời đảm bảo tính hiệu quả trong công việc vốn phức tạp của một Luật sư.
Nhìn chung, đứng trước viễn cảnh đại dịch Covid-19 gây ra nhiều thay đổi trong bức tranh kinh tế - xã hội của toàn cầu, người làm công tác pháp luật nói chung và giới Luật sư nói riêng cần chủ động nhìn nhận lại về các phương thức làm việc truyền thống. Đây cũng là xu hướng chung của thế giới trong tương lai, thời kỳ sau đại dịch.
LỘC TRẦN
Bạo lực gia đình gia tăng - Báo động tình trạng xuống cấp về đạo đức