/ Kinh tế - Pháp luật
/ Tại sao công ty tài chính cho vay lãi cao nhưng không bị phạt?

Tại sao công ty tài chính cho vay lãi cao nhưng không bị phạt?

23/07/2022 11:19 |

(LSVN) - Các công ty tài chính thường cho vay tiền với lãi suất cao nhưng vì sao không bị xem là cho vay nặng lãi và không bị xử phạt. Vậy, pháp luật quy định thế nào về vấn đề này?

Ảnh minh họa.

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định tại khoản 1, Điều 468, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, UBTV Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.

Theo quy định này, trong quan hệ cho vay tài sản thì lãi suất sẽ do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Tuy nhiên, cũng theo quy định nêu trên, nếu “trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” thì lãi suất cho vay sẽ thực hiện theo quy định đó.

Theo quy định tại Điều 4, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2017, công ty tài chính là một loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng, bao gồm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác.

Công ty tài chính được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (trong đó công ty tài chính được cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định của pháp luật), trừ các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng.

Do đó, hoạt động cho vay của các công ty tài chính không chỉ chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự mà còn được điều chỉnh của các luật chuyên ngành, đó là Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo quy định tại Điều 91, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017, được hướng dẫn tại khoản 1, Điều 13, Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: “1. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều này; 2. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn: a) Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; b) Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại; c) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; d) Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; đ) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao”.

Tại Điều 9, Thông tư 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016, của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định: “Lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng”.

Tuy nhiên hiên nay, ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ quy định mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam. Cụ thể, tại Điều 1, Quyết định 1730/QĐ-NHNN ngày 30/9/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam theo quy định tại khoản 2, Điều 13, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 như sau:

“1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô) áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 4,5%/năm.

2. Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 5,5%/năm”.

Ngoài ra, đối với các khoản vay khác thì pháp luật chưa có quy định về mức lãi suất trần tối đa nên lãi suất này sẽ do Công ty tài chính và khách hàng tự thỏa thuận.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 9, Thông tư 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 sửa đổi, bổ sung bởi khoản 12, Điều 1, Thông tư số 18/2019/TT-NHNN ngày 04/11/2019 thì: “Công ty tài chính ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng” và “Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung khung lãi suất cho vay tiêu dùng, công ty tài chính phải gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi công ty tài chính đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm giới thiệu dịch vụ báo cáo về khung lãi suất cho vay tiêu dùng theo Phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư này”.

Như vậy, việc áp dung khung lãi suất của các công ty tài chính vẫn chịu phải sự kiểm tra, giám sát của Ngân hàng nhà nước.

Tuy nhiên, việc không có quy định khung trần lãi suất cụ thể cũng là một “lỗ hổng” của pháp luật, khiến cho lãi suất cho vay của công ty tài chính nhiều khi còn quá cao, ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng thanh toán và quyền lợi của người vay tiền. Tuy nhiên, các thủ tục và điều kiện cho vay của các công ty tài chính lại thường đơn giản, thuận tiện hơn nhiều các ngân hàng, không cần có tài sản bảo đảm. Do đó, đây vẫn là một kênh giải quyết hiệu quả các nhu tài chính của người dân, và là giải pháp để hạn chế nạn “tín dụng đen”.

Để đảm bảo quyền lợi của mình thì khi vay tiền tại các công ty tài chính thì người dân cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ lưỡng về uy tín, tính pháp lý của công ty tài chính, nghiên cứu kỹ lưỡng về các điều khoản của hợp đồng vay tiền, đặc biệt là các điều khoản về lãi suất, các loại phí... Để có thể lựa chọn được đươc các công ty tài chính uy tín và được hoạt động hợp pháp, cũng như có được các khoản vay và mức lãi suất phù hợp với khả năng tài chính của mình, tránh việc vay các khoản vay và lãi suất vượt quá khả năng thanh toán của mình, dẫn đến việc phải chịu các khoản lãi suất cao, thậm chí là mất khả năng thanh toán.

VŨ TRẦN

Thế nào là tội 'Giả mạo trong công tác'?

Admin