T.V. cho hay không hề biết chuyện mình quay lén trong lúc di chuyển trên đường. Hình ảnh chụp từ video quay lén của tài xế Be.
Vừa qua, chia sẻ với báo chí, cô T.V (19 tuổi) người đặt cuốc xe ôm công nghệ của hãng Be, do tài xế T. điều khiển, di chuyển từ quận Đống Đa về quận Cầu Giấy cho hay, cô không hề biết rằng mình bị ghi hình trong suốt quang đường đi. Đồng thời, bản thân cô cũng vô cùng hoảng sợ và bất an khi phát hiện mình bị quay lén và đăng tải lên mạng xã hội. Ngoài ra, nam tài xế T. của hãng Be trên cũng luôn hỏi cô về nhiều thông tin nhạy cảm liên quan đến đời sống riêng tư cá nhân của mình.
Được biết, không chỉ cô V. mà còn rất nhiều hành khách nữ khác nhau có mặt trong video cũng xuất hiện trên trang mạng xã hội của tài xế T. theo cách tương tự. Dưới phần bình luận video, rất nhiều người đã cố gắng đào bới thêm thông tin cá nhân, có lời lẽ khiếm nhã, quấy rối, đặt điều về nạn nhân và nhiều bạn nữ khác.
Ngày 26/02, sau khi nhận được đoạn clip bản thân mình trên mạng xã hội cá nhân của tài xế T., cô T.V. đã liên hệ trực tiếp đến tài xế này và yêu cầu giải thích rõ. Theo cô, tại thời điểm đó, tài xế T. không có động thái xin lỗi cũng không đồng ý gỡ video nên cô cùng bạn bè đã đăng bài cảnh báo lên mạng xã hội và liên hệ với bên Be Group để được giải quyết.
Xâm phạm đến quyền riêng tư của khách hàng
Theo Tiến sĩ, Luật sư Ngô Ngọc Diễm, Công ty Luật TNHH Thinksmart, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, trong vụ việc này, các khách hàng nêu trên đã bị tài xế của Be Group sử dụng trái phép hình ảnh và thông tin cá nhân để đăng tải lên mạng xã hội khi chưa được phép của khách hàng.
Về vấn đề này, pháp luật Việt Nam đã có những quy định điều chỉnh khá chi tiết. Cụ thể, quyền của cá nhân đối với hình ảnh là một trong những quyền dân sự được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Tại Điều 32, Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh như sau.
Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh 1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. 2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. 3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật. |
Theo đó, việc tài xế Be Group quay lén hình ảnh của khách hàng kể trên đã xâm phạm đến quyền riêng tư của khách hàng.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2, Điều 11, Bộ luật Dân sự 2015, chủ thể có hình ảnh bị xâm phạm có quyền tự mình hoặc được quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi. Do đó, vị khách hàng nói trên có quyền yêu cầu người tài xế trên hoặc Be Group và các cơ quan có thẩm quyền buộc người tài xế gỡ bỏ video có sử dụng hình ảnh của mình.
Xử lý thế nào?
Được biết, về phía T.V., cô cho biết bản thân chưa thấy thỏa đáng với lời xin lỗi của nam tài xế.
Luật sư cho hay, đối với hành vi của tài xế Be thì theo điểm e, khoản 3, Điều 102, Nghị định 15/2020 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022), người nào có hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 05 triệu đống đến 10 triệu đồng.
Trong trường hợp chứng minh được việc sử dụng hình ảnh sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của khách hàng trên mạng xã hội thì tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với hành vi đăng tải hình ảnh của người khác lên mạng xã hội cá nhân của tài xế Be trên thì căn cứ Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Theo đó, Điều 101 Nghị định này đã nêu rõ, hành vi đăng tải hình ảnh của người khác khi không được cho phép nếu không gây hậu quả nghiêm trọng hoặc hậu quả ít nghiêm trọng thì bị xử phạt hành chính trong khoảng từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Ngoài ra, người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, tang vật ở đây có thể là các trang thiết bị điện tử sử dụng để đăng tải các hình ảnh và thông tin sai sự thật gây thiệt hại cho danh sự, nhân phẩm của người khác. Bên cạnh đó, người thực hiện hành vi vi phạm còn buộc phải gỡ bỏ video chứa nội dung vi phạm đã đăng tải.
Còn trong trường hợp tài xế Be có hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của vị khách nói trên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vu khống” theo Điều 156, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Be Group có phải bồi thường thiệt hại?
Chiều 28/02, sau khi nắm bắt được thông tin vụ việc, đại diện truyền thông của Be Group đã xác nhận, đồng thời cũng cho biết hãng đã liên hệ với tài xế T. để xác minh vụ việc, tạm khóa tài khoản của người này trong quá trình điều tra.
Đơn vị sở hữu ứng dụng này cũng cho biết đã gửi lời xin lỗi tới khách hàng. Theo Be Group, "sự cố đi ngược với các giá trị dịch vụ, tôn chỉ hoạt động” của mình. Hãng này cam kết sẽ xử lý nghiêm bất cứ tài xế nào ứng xử không phù hợp với khách hàng.
Tiến sĩ, Luật sư Ngô Ngọc Diễm cho biết, trong vụ việc nêu trên, khi cài APP và trước khi tiến hành đặt xe, người đặt xe đã được yêu cầu về việc xác nhận đồng ý hay không đồng ý với các điều khoản sử dụng dịch vụ của Be.
Do đó, có thể xác định giữa Be và khách hàng đặt xe đã giao kết hợp đồng với bản chất là hợp đồng mẫu do Be đưa ra và khách hàng xác nhận gia nhập. Vì vậy, để yêu cầu bồi thường đối với các thiệt hại phát sinh và mức bồi thường là bao nhiêu thì cần căn cứ vào quy định có liên quan trong “Điều khoản sử dụng” đã được khách hàng xác nhận và có bản chất là hợp đồng.
Khi đó, khách hàng cần chứng minh hành vi vi phạm của Be Group nói chung và tài xế nói riêng trong việc cung cấp dịch vụ và yêu cầu bồi thường theo quy định của Điều khoản sử dụng này (nếu có).
Trong trường hợp giữa Be Group, tài xế và khách hàng không tồn tại hợp đồng hoặc hình thức tương đương về việc cung cấp dịch vụ vận tải thì các thiệt hại gây ra có thể được xử lý theo quy định về căn cứ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tại Điều 584, Bộ luật Dân sự 2015.
Khi đó, để có thể nhận được các khoản bồi thường, người bị bồi thường (khách hàng đặt xe trong vụ việc này) cần tiến hành khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền và đưa ra căn cứ chứng minh. Cụ thể, hành vi trái pháp luật do tài xế, Be Group gây ra, thiệt hại thực tế mình đã phải gánh chịu trên thực tế, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của tài xế, Be Group và thiệt hại của mình đang phải gánh chịu.
Trường hợp việc sử dụng hình ảnh nói trên gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của vị khách thì Be Group với tư cách là bên cung cấp dịch vụ vận tải, quản lý tài xế phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho vị khách bị xâm phạm hình ảnh nói trên theo Điều 592, Bộ luật Dân sự 2015 với mức bồi thường thiệt hại về tinh thần trước hết do các bên thỏa thuận, nếu các bên không thể thỏa thuận thì Tòa án sẽ xác định một mức hợp lý nhưng không vượt quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Tuy nhiên, Luật sư cũng nhận định, việc xác định trách nhiệm bồi thường của Be Group trong vụ việc này là tương đối phức tạp và khó khăn.
Bởi lẽ, tại Việt Nam chưa xác định được các nền tảng đặt xe này có bản chất là cung cấp dịch vụ vận tải hay cung cấp nền tàng số do đó cũng kéo theo việc khó có thể xác định mối quan hệ giữa Be Group và lái xe trong vụ việc này là quan hệ đối tác hay quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Do đó, khi chưa chứng minh được mối quan hệ lao động thì chưa thể yêu cầu Be Group tiến hành bồi thường đối với người làm công cho mình gây ra theo quy định tại Điều 600, Bộ luật Dân sự 2015.
TRẦN QUÝ
Trách nhiệm pháp lý trong vụ lật ca nô chở 39 người ở Quảng Nam