(LSO) - Đối với hành vi không đeo khẩu trang của viên chức Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai tại công sở có thể lãnh đạo chỉ cần nhắc nhở, phê bình, và có thể sẽ không được xét thi đua khen thưởng định kỳ.
Ngày 09/4/2020, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đồng Nai đã ký Quyết định số 493/QĐ-TTKTTNMT về việc tạm đình chỉ công tác đối với 1 viên chức công tác tại Đội Quy hoạch – Giá đất của Trung tâm này với lý do vi phạm quy định về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Theo nội dung Quyết định, lý do viên chức bị tạm đình chỉ công tác do không đeo khẩu trang trong khi làm việc tại cơ quan. Viên chức này bị tạm đình chỉ công tác 10 ngày kể từ ngày 09/4 đến hết ngày 18/4/2020.
Việc xử lý người có hành vi vi phạm trong công tác phòng chống dịch Covid-19 là hết sức cần thiết trong thời điểm này nhằm răn đe, giáo dục ý thức cộng đồng. Tuy nhiên, việc xử phạt sao cho đúng với chức năng, nhiệm vụ và đúng quy định của pháp luật để người bị phạt cảm thấy “tâm phục – khẩu phục”. Dư luận cũng cảm thấy đồng tình, ủng hộ.
Việc làm của lãnh đạo Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên môi trường đang khiến dư luận quan tâm, nhiều người cho rằng việc xử phạt như vậy là “quá tay”, chưa đúng với quy định pháp luật, chưa khách quan...
Luật sư Trương Xuân Tám, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, việc viên chức không đeo khẩu trang tại công sở là hành vi không chấp hành nghiêm túc Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội.
Ngày 04/4, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 2601/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, mọi người thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang. |
Tuy nhiên, xét về yếu tố bệnh lý viên chức chưa có dấu hiệu bị nhiễm bệnh hoặc không phải là người đến từ vùng dịch bệnh thì cũng chưa có đầy đủ dấu hiệu vi phạm Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, chưa hội đủ yếu tố xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.
Theo đó, lãnh đạo Trung tâm chỉ cần nhắc nhở, phê bình, và cóthể sẽ không được xét thi đua khen thưởng định kỳ.
Theo Luật Viên chức năm 2010, thì việc tạm đình chỉ viên chức được quy định tại Điều 54, đối với trường hợp sau đây: Trong thời hạn xử lý kỷ luật, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định tạm đình chỉ công tác của viên chức nếu thấy viên chức tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý kỷ luật. Thời gian tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày, trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng không quá 30 ngày. Hết thời gian tạm đình chỉ công tác, nếu viên chức không bị xử lý kỷ luật thì được bố trí vào vị trí việc làm cũ.
“Khi không có dấu hiệu viên chức tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý kỷ luật mà tạm đình chỉ công tác viên chức là việc làm thái quá, có dấu hiệu lạm quyền của thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Đành rằng phòng, chống dịch bệnh là việc rất hệ trọng, song cũng cần cảnh giác các hành vi lạm quyền, có thể có động cơ cá nhân trong xử lý nhân viên của mình”, Luật sư Tám nói.
LÊ HOÀNG