(LSVN) - Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương chỉ đạo tăng cường kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm và thông báo công khai các vi phạm.
Ảnh minh hoạ.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 399/TB-VPCP ngày 28/8/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm. Thông báo nêu rõ, nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn đang hiện hữu ở một số địa phương, trong đó đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm với nhiều người mắc phải nhập viện điều trị; số vụ vi phạm được phát hiện gia tăng, gây ra những lo ngại về thực phẩm không an toàn trong Nhân dân; trong khi yêu cầu về quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm ngày càng cao trong bối cảnh nguồn lực quản lý, đội ngũ cán bộ, tổ chức bộ máy quản lý về an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế.
Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới các bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong khuôn khổ nguồn lực hiện có; tiếp tục thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW ngày 21 tháng 10 năm 2022 của Ban Bí thư, Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 21 tháng 4 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo về quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm của cấp có thẩm quyền.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế quản lý an toàn thực phẩm, trong đó nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật An toàn thực phẩm theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khả thi, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập hiện có và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm. Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 5984/VPCP-KGVX ngày 22 tháng 8 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ về Hệ thống cơ sở dữ liệu an toàn thực phẩm.
Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp chặt chẽ, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, nhất là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền theo hướng vận động, hướng dẫn sản xuất, tiêu dùng thực phẩm an toàn, nâng cao văn hóa tiêu dùng thực phẩm an toàn. Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương chỉ đạo tăng cường kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm và thông báo công khai các vi phạm.
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở vận hành mô hình Ban Quản lý an toàn thực phẩm, có đánh giá, đề xuất về mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01 tháng 12 năm 2024.
Ngoài ra, Bộ Y tế nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trước ngày 02 tháng 9 năm 2024.
PV
Phạm vi bảo hộ nhãn hiệu tại Hàn Quốc có được mở rộng sau khi đã được bảo hộ?