Ảnh minh hoạ.
Internet là một bước tiến quan trọng trong lịch sử khoa học của loài người. Đây là một hệ thống thông tin toàn cầu có thể được truy nhập công cộng gồm các mạng máy tính được liên kết với nhau. Hệ thống này truyền thông tin theo kiểu nối chuyển gói dữ liệu (packet switching) dựa trên một giao thức liên mạng đã được chuẩn hóa (giao thức IP). Sự ra đời của internet là một bước tiến vượt bậc của khoa học kỹ thuật, nó giúp liên kết tất cả thế giới lại thông qua các thiết bị có thể kết nối Internet (máy tính để bàn, laptop, điện thoại thông minh, máy tính bảng...). Internet đã xóa nhòa mọi khoảng cách địa lý, mọi ngăn cấm về thể chế xã hội.
Mạng internet giống như một kho lưu trữ thông tin khổng lồ. Giờ đây khi cần tra cứu bất kỳ thông tin này, người dùng chỉ việc kiếm trên Google, Bing hay các công cụ hỗ trợ khác. Bên cạnh đó, internet đã và đang tạo ra môi trường kinh doanh mà đó là nơi người mua và người bán không cần gặp gỡ trực tiếp nhau nhưng vẫn dễ dàng trao đổi mua bán. Đây là điều mà mô hình kinh doanh truyền thống chưa thể làm được. Intenet cũng tạo nên không gian giải trí đầy sắc màu, dễ dàng thu hút bất cứ người dùng nào. Mọi hình thức nghệ thuật - văn hóa như phim ảnh, ca nhạc, các tác phẩm văn học hay tất cả loại hình giải trí khác đều có sẵn trên internet. Đa phần các nội dung này đều có thể trải nghiệm những miễn phí. Chỉ với một chiếc máy tính hay smartphone có kết nối internet, bạn sẽ dễ dàng chủ động tiếp cận với thế giới giải trí đa dạng và phong phú. Nó rất khác biệt so với việc trải nghiệm chương trình giải trí qua truyền hình truyền thống.
Nhưng cũng giống như mọi phát minh của con người, mỗi mặt tốt đều chứa đựng các mặt chưa hoàn thiện, khiếm khuyết mà con người phải nhìn nhận và đối mặt. Một trong những vấn đề bất cập mà Internet gây ra là tình trạng xâm phạm quyền tác giả diễn ra trên môi trường mạng internet. Nhưng nếu nhận tích cực thì chính Internet cũng vận động, biến chuyển để cung cấp các công cụ hữu hiệu trong việc chống xâm phạm quyền tác giả. Nỗ lực chống lại các hành vi xâm phạm quyền tác giả trên mạng Internet là nỗ lực không ngừng của nhiều quốc gia. Nhiều biện pháp kỹ thuật – pháp lý đã được áp dụng để tìm ra giải pháp hữu hiệu cho việc hạn chế và ngăn chặn tình trạng xâm phạm quyền tác giả trên mạng.
Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đánh giá, vi phạm bản quyền diễn ra hết sức phức tạp, có hàng loạt website vi phạm bản quyền (website lậu) các giải bóng đá cũng như phim. Theo số liệu từ SimilarWeb, hiện có khoảng 70 website bóng đá lậu, với hơn 1,5 tỉ lượt view trong những năm 2022, 2023. Có tới hơn 200 website phim lậu thu hút khoảng 120 triệu lượt xem/tháng, trong đó top 10 có hơn 66 triệu lượt xem mỗi tháng.
Các Đài truyền hình cũng không nằm ngoài vòng xoáy vi phạm đó. Có thể đơn cử như việc Đài Truyền hình Việt Nam đã phải phối hợp cơ quan quản lý nhà nước để giám sát, xử lý vi phạm bản quyền truyền hình đối với các giải thể thao diễn ra như: bóng đá EURO 2020, Futsal Worldcup 2021, Thế vận hội Olympic Tokyo 2020, AFF cup 2021, AFF cup 2018... Điển hình là phối hợp để xử lý, ngăn chặn các thuê bao sử dụng dịch vụ internet, dịch vụ viễn thông tại Việt Nam không truy cập được vào danh sách 47 trang web thường xuyên vi phạm bản quyền thể thao. Đồng thời, trong suốt thời gian diễn ra giải đấu, VTV đã phải thường xuyên theo dõi việc đổi địa chỉ của các trang web này để tiếp tục ngăn chặn, như trường hợp đề xuất ngăn chặn đối với trang xoilac.net khi liên tục đổi địa chỉ thành xoilacc.net, xoilac1.net, xoilac2.net, xoilac3.net, xoilac.live...
VTV cũng thường xuyên phải giám sát, xử lý vi phạm trên hạ tầng số. Ví dụ như chỉ trong tháng 4/2022 đã rà soát, phát hiện tổng cộng 25.009 vi phạm tiềm năng, đồng thời tiến hành báo cáo và gỡ bỏ 291 vi phạm trên các nền tảng trực tuyến; tháng 7/2022 đã tra soát 3370 vi phạm và tiến hành gỡ bỏ 560 vi phạm trên các nền tảng trực tuyến. Hệ thống rà quét tự động cũng ghi nhận 140 vi phạm tiềm năng, làm căn cứ xử lý vi phạm.
Tại Việt Nam, kể từ thời điểm được cung cấp bởi nhà cung cấp dịch vụ Internet đầu tiên là Công ty cổ phần Netnam vào năm 1994, Internet đã không ngừng phát triển. Tỉ lệ người sử dụng Internet tính đến tháng 10/2023 đạt 78,59%, số thuê bao băng rộng cố định đạt 22,14 triệu thuê bao (tương ứng với tỉ lệ 22,26 thuê bao/100 dân).
Thế nhưng, khác với các quốc gia có nền kinh tế phát triển khác, khi mà việc bảo hộ quyền tác giả trên môi trường Internet được thực hiện rất nghiêm và chặt chẽ thông qua các biện pháp kỹ thuật – pháp lý thì tại Việt Nam, khả năng bảo hộ quyền tác giả trên môi trường Internet hiện nay được đánh giá chưa tốt, chưa đáp ứng thực tế. Vi phạm bản quyền ở Việt Nam năm 2022 đứng thứ ba tại Đông Nam Á, thứ 9 trên toàn thế giới. 80% vi phạm diễn ra trên các nền tảng số. Các nội dung bị vi phạm nhiều nhất gồm: chương trình truyền hình, phim, nhạc, sách. Thiệt hại từ vi phạm bản quyền tại Việt Nam năm 2022 ước tính vào khoảng 350 triệu USD, nằm trong tổng mức thiệt hại từ vi phạm bản quyền cho ba ngành phim, âm nhạc, truyền hình trên toàn thế giới năm 2022 lên tới 65 tỉ USD.
Để khắc phục tình trạng này, một giải pháp đưa ra là tăng cường vai trò và trách nhiệm của các ISP trong hoạt động bảo vệ bản quyền. Sự kết nối Internet tại mỗi quốc gia, mỗi vùng lãnh thổ đều phải thông qua các đầu mối do các doanh nghiệp viễn thông cung cấp - chính là các ISP. Các ISP phải được coi là một trong các nhân tố quan trọng nhất trong việc ngăn chặn, hạn chế và đẩy lùi được các hành vi xâm phạm quyền tác giả trên mạng Internet hiện nay ở Việt Nam.
Để phòng chống vi phạm bản quyền trên mạng một cách hiệu quả, đó là thiết lập đầu mối phối hợp giữa chủ sở hữu quyền, cơ quan quản lý nhà nước và các ISP. Về phương pháp, chúng ta cần thiết lập cơ chế chặn linh hoạt – chặn đuổi các tên miền mới phát sinh sau khi chặn; áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp khác nhau để chặn truy cập (DNS, IP, CDN). Đồng thời, cần phát triển công cụ chặn tự động để các bên sử dụng nhằm giảm thiểu thời gian và nhân lực. Bên cạnh trách nhiệm gỡ bỏ, ngăn chặn truy cập đến các tài liệu xâm phạm quyền tác giả, các ISP còn đóng vai trò là đơn vị cung cấp thông tin (trong phạm vi được phép, theo quy định của từng quốc gia) để điều tra, xác minh chủ thể đã thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Quan điểm về trách nhiệm của các ISP trong hoạt động bảo vệ bản quyền đã có sự thay đổi căn bản trong thời gian gần đây. Nếu như trước đây, Việt Nam dường như không ghi nhận ISP có vai trò như một thực thể thực thi quyền tác giả trong môi trường số. Điều này thể hiện ngay từ khái niệm về ISP trong hệ thống luật. Khác với định nghĩa trong luật của một số quốc gia trên thế giới và TPP, ISP theo luật Việt Nam đơn thuần là một tổ chức cung cấp khả năng truy nhập internet hoặc có vai trò trung chuyển lưu lượng internet, không bao gồm doanh nghiệp có vai trò lưu trữ hay cung cấp các công cụ định vị thông tin cho người dùng. Cũng cần nhìn nhận lại vấn đề, trước đây trong Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009), khái niệm về ISP cũng không được đề cập đến. Thay vào đó, nó lại xuất hiện trong Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Tuy nhiên, Nghị định 72 dù có quy định về trách nhiệm, quyền hạn của ISP nhưng lại không đặt ra trách nhiệm thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Sẽ không tìm thấy quy định trách nhiệm này của ISP tại Điều 5 (các hành vi bị cấm) hay Điều 7 (quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet). Nghị định chỉ quy định nghĩa vụ này đối với các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp.
Có nghĩa là quan điểm trước đây của Việt Nam là các ISP thuần túy có vai trò như một người trung chuyển thông tin mà không phải là người quản lý hay biên tập các nội dung đó. Có nghĩa các ISP không bị ràng buộc nghĩa vụ và quyền nghiên cứu, điều tra và can thiệp vào nội dung đăng tải của người dùng. Các doanh nghiệp này chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ trung gian chuyển tải thông tin theo yêu cầu của người gửi đến người nhận. Vì vậy, đối tượng này không bị áp trách nhiệm phải thực thi việc bảo hộ quyền tác giả trong môi trường mạng.
Mọi chuyện đã có sự thay đổi, khi mà trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian ISP bị ràng buộc đối với việc đấu tranh chống xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan do người sử dụng dịch vụ trên nền tảng của mình. Quy định này được ghi nhận lần đầu tiên xuất hiện trong Luật Sở hữu trí tuệ 2022 (Điều 198b). Đồng thời, tiếp theo đó, tại Nghị định 17 có hiệu lực thi hành từ 26/4/2023 đã ghi nhận cơ chế gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan
Nghị định 17 đã áp đặt nghĩa vụ xây dựng công cụ tiếp nhận yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đối với ISP cung cấp dịch vụ “lưu trữ nội dung thông tin số theo yêu cầu”. Bộ công cụ này có thể tồn tại dưới dạng chương trình máy tính, hòm thư điện tử, hoặc cổng điện tử. Ngoài ra, ISP cũng có nghĩa vụ thông báo đầu mối liên lạc của mình gồm thư điện tử, số điện thoại liên hệ cho Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Bộ tài liệu chứng minh vi phạm mà chủ sở hữu phải cung cấp cho ISP bao gồm chứng cứ về tư cách chủ thể quyền, hành vi xâm phạm, vị trí, đường link dẫn nối tới nội dung số nghi ngờ xâm phạm. Trong vòng 72 giờ, ISP tạm gỡ bỏ/ngăn chặn truy nhập tới nội dung số bị nghi ngờ xâm phạm và đồng thời thông báo cho cả chủ thể quyền và bên có nội dung số đó. Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày tạm gỡ bỏ/ngăn chặn như đã nêu trên, nếu ISP không nhận được thông báo phản đối việc tạm gỡ bỏ/ngăn chặn kèm theo tài liệu chứng cứ chứng minh cho phản đối đó thì ISP gỡ bỏ/ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung số đó. Trường hợp nhận được phản đối của bên bị yêu cầu gỡ bỏ, trong vòng 72 giờ, ISP khôi phục lại thông tin số bị gỡ hoặc ngăn chặn đồng thời chuyển tiếp văn bản phản đối kèm theo chứng cứ của bên bị yêu cầu cho chủ thể quyền.
Riêng đối với thông tin số được phát trực tiếp (livestream) theo thời gian thực, chủ thể quyền chủ động cung cấp chứng cứ xâm phạm tới OSP trước giờ phát trực tiếp tối thiểu 24 giờ để kịp thời ngăn chặn. Theo đó, ISP ngay lập tức tạm gỡ bỏ/ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung số đồng thời thông báo cho bên yêu cầu và bên bị yêu cầu; tiếp tục thực hiện theo quy trình trên. Đây là cơ chế vô cùng hữu ích đối với các Đài truyền hình, các tổ chức phát sóng khi thực hiện truyền hình trực tiếp các giải đấu thể thao, các giải bóng đá quốc tế. Vì nếu theo quy trình 72 giờ thì lúc đó trận đấu đã kết thúc từ lâu rồi và vấn đề ngăn chặn link vi phạm không còn ích lợi gì cho chủ thể quyền.
Nhưng cần lưu ý rằng yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được tiến hành bởi cơ quan thực thi là bằng chứng chứng minh rằng ISP biết nội dung thông tin số đó xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Điều này có nghĩa ISP cung cấp dịch vụ hosting không còn được hưởng cơ chế miễn trừ trách nhiệm pháp lý nữa.
Như vậy hiện nay, khung quy định về trách nhiệm của các ISP đã có thể coi là tương đối chặt chẽ. Điều này đặt nặng vai trò của ISP trong hoạt động đấu tranh chống vi phạm bản quyền, đặc biệt trong lĩnh vực truyền hình. Tuy nhiên cũng cần ghi nhận thực tế là các ISP vẫn chưa mặn mà với trách nhiệm này. Lý do là bởi họ sẽ phải tốn thêm chi phí cho tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự có trình độ pháp lý để tiếp nhận yêu cầu xử lý vi phạm bản quyền.
Không phải bất kỳ yêu cầu nào cũng bị coi là hợp lệ. Luật pháp cũng quy định nhiều trường hợp ngoại lệ đối với việc sử dụng hợp pháp tác phẩm của người khác, kể cả khi chưa được sự đồng ý của họ. Đó là 12 trường hợp được quy định tại Khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 (sửa đổi, bổ sung Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ) quy định, các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm. Bên cạnh đó là 5 trường hợp tại Khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 (sửa đổi, bổ sung Điều 32 Luật Sở hữu trí tuệ) quy định, các trường hợp sử dụng cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng...
Sâu xa hơn, việc tích cực xử lý, chặn hạ các nội dung vi phạm cũng phần nào tác động chính vào hoạt động kinh doanh của các nhà mạng. Các nội dung vi phạm bản quyền cũng được coi là data dữ liệu và phải thu phí sử dụng từ người dùng. Đây là vấn đề cân đối lợi ích giữa nguồn kinh phí thu được và khả năng bị xử phạt từ phía cơ quan nhà nước vì đã sao lãng trách nhiệm.
Đến tận thời điểm này, sau khoảng một năm có hiệu lực, các nhà mạng ISP vẫn chưa xây dựng được bộ công cụ hoặc cổng tiếp nhận thông tin vi phạm để triển khai quy định tại Nghị định 17 trên thực tế. Điều này đòi hỏi quá trình tác động một cách thống nhất từ phía cơ quan quản lý, các chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan và từ giới truyền thông. Với vai trò nghiên cứu lý luận, tác giả cũng thiết tha mong muốn vấn đề này sẽ nhanh chóng giải quyết để Việt Nam không còn bị coi là điểm đen về vi phạm bản quyền trên tấm bản đồ thế giới.
Luật sư NGUYỄN THỊ QUỲNH ANH
Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam