(LSVN) - Mục đích của việc tuyên truyền pháp luật cho người lao động trong doanh nghiệp là giúp họ hiểu và thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ lao động của mình; từng bước hình thành thói quen hành động theo pháp luật; tạo môi trường lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, hạn chế tình trạng xung đột trong mối quan hệ với người sử dụng lao động.
Tuyên truyền pháp luật cho người lao động ở doanh nghiệp khác với tuyên truyền pháp luật trong cộng đồng xã hội ở chỗ: nội dung tuyên truyền tập trung vào chế độ, chính sách về lao động, quyền và nghĩa vụ để người lao độngcó ý thức chấp hành cũng như có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ.
Hiện nay hầu hết các chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động ở doanh nghiệp được thực hiệnthông qua hoạt động của các cấp công đoàn. Khảo sát thực tiễn thời gian qua cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, nhiệm vụ này đã gặp không ít khó khăn, khiến mục đích, hiệu quả tuyên truyền pháp luật chưa cao.
Thứ nhất, trình độ nhận thức của đội ngũ người lao động ở các doanh nghiệp rất không đồng đều. Đây là một trong những lý do khiến việc chuyển tải kiến thức pháp luật đến người lao động còn nhiều hạn chế. Trong các loại hình doanh nghiệp ở nước ta hiện nay, phần đông người lao động là lao động phổ thông, tuổi đời còn trẻ, trình độ, nhận thức, hiểu biết về pháp luật còn thấp. Do đó, không ít người lao động bị doanh nghiệp xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp mà không biết tự bảo vệ mình, phải chịu thiệt thòi trong quan hệ lao động. Ở một số doanh nghiệp, người lao động mặc dù thiếu kiến thức nhưng cũng chưa thực sự quan tâm đến việc học tập, tự tìm hiểu về pháp luật lao động, chưa tích cực tham gia các buổi tuyên truyền pháp luật dẫn đến hạn chế việc tuân thủ, sử dụng, bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Thứ hai, đối với những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn thì việc học tập, tìm hiểu kiến thức pháp luật do người lao động tự “xoay sở”. Đối với các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn thì vai trò, trách nhiệm của tổ chức này cũng còn hạn chế. Nguồn kinh phí cho hoạt động và điều kiện để tổ chức hoạt động tuyên truyền của tổ chức công đoàn rất khó khăn. Đội ngũ cán bộ công đoàn làm công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong các doanh nghiệp vừa thiếu về số lượng vừa yếu về kiến thức và kỹ năng, lại biến động do nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; việc tuyên truyền pháp luật chưa thường xuyên, liên tục. Do vậy, các quy định của pháp luật về lao động chưa tới hết được người lao động.
Thứ ba, tại các doanh nghiệp có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số hoặc ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI) có đội ngũ lao động làm thuê là người nước ngoài thì việc tuyên truyền pháp luật cũng rất khó khăn. Đối với doanh nghiệp FDI, muốn truyền đạt kiến thức pháp luật cho lao động người nước ngoài phải sử dụng phiên dịch, trong khi đội ngũ phiên dịch hiện tại cũng chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển tải những nội dung quy định của pháp luật. Đây cũng là rào cản lớn trong quá trình đưa pháp luật tiệm cận gần hơn với người lao động.
Thứ tư, về phía người sử dụng lao động, không ít doanh nghiệp có thái độ thờ ơ, thiếu thiện chí hợp tác hoặc tìm cách trì hoãn việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật với lý do là phải ưu tiên cho sản xuất nên không có thời gian. Tình trạng ký hợp đồng lao động không đúng quy định; không ký kết thỏa ước lao động tập thể; chưa xây dựng thang, bảng lương, quy chế nâng lương, thưởng; buộc công nhân làm tăng ca, quá giờ quy định; xây dựng định mức lao động quá cao; không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động; chưa thực hiện đầy đủ các chế độ thù lao làm việc trong môi trường độc hại; chế độ cho nữ công nhân lao động... vẫn còn xảy ra khá phổ biến.
Khi xảy ra ngừng việc tập thể hoặc người lao động vi phạm nội quy lao động, kỷ luật lao động thì doanh nghiệp không nhận thấy trách nhiệm của mình mà luôn đổ lỗi cho người lao động thiếu hiểu biết pháp luật và công đoàn thì chưa “giáo dục” tốt người lao động.
Những năm gần đây, các cuộc đình công, ngừng việc tập thể tự phát của người lao động tuy có giảm về số vụ lẫn số người tham gia, nhưng tính chất và mức độ chưa giảm. Cụ thể, năm 2018, cả nước xảy ra 214 cuộc ngừng việc, đình công, giảm 115 cuộc (khoảng 35%) so với năm 2017[1]. Trong năm 2019, có hơn 120 cuộc đình công, ngừng việc tập thể của công nhân trên cả nước, giảm 50% so với năm 2018, trong đó số vụ xảy ra đa số tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài[2]. Nguyên nhân của các vụ đình công và ngừng việc chủ yếu xuất phát từ tranh chấp về lợi ích, tranh chấp về quyền, tập trung vào các nội dung về trả lương, trả thưởng, thưởng tết, đóng bảo hiểm xã hội, thông báo lịch nghỉ tết, lịch sản xuất, chất lượng bữa ăn ca…
Gần đây ở một số nơi, tình trạng cho vay, cầm, mua lại sổ bảo hiểm xã hội của người lao động có chiều hướng gia tăng. Việc xung đột trong quan hệ lao động dẫn đến lãn công, đình công đã gây ra thiệt hại không nhỏ về lợi ích kinh tế không chỉ cho doanh nghiệp, mà còn cho cả Nhà nước và đông đảo công nhân lao động, để lại những tác động xấu trong xã hội.
Tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với việc nâng cao trình độ, tay nghề để đáp ứng yêu cầu công việc, người lao động rất cần trang bị tốt kiến thức về pháp luật, chủ động bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Do vậy, việc đổi mới phương pháp tuyên truyền là hết sức cần thiết để bảo đảm khả năng tiếp cận pháp luật cho người lao động. Theo chúng tôi, cần tập trung một số nhiệm vụ sau đây:
1. Chú trọng đổi mới, đa dạng hóa phương thức tuyên truyền bảo đảm sát hợp với từng đối tượng. Cần kết hợp phong phú nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau như phát tờ rơi, panô, áp phích, các clip tuyên truyền; tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh của doanh nghiệp, bảng tin doanh nghiệp, tủ sách pháp luật; tư vấn lưu động, tư vấn gián tiếp hoặc kết hợp giữa tuyên truyền và tư vấn; tổ chức hội nghị nói chuyện chuyên đề; tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật,… Hiện nay ở nhiều doanh nghiệp, công đoàn cơ sở đã sử dụng mạng xã hội làm phương tiện thông tin, trao đổi giúp công đoàn đồng hành với đoàn viên, công nhân. Người lao động đều có trang cá nhân Facebook, Zalo chia sẻ những vui buồn, các vấn đề bức xúc trong công việc, cuộc sống... Thông qua các trang mạng này, công đoàn có thể tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người lao động, nắm bắt kịp thời các mâu thuẫn, bức xúc của họ để kịp thời giải quyết hoặc kiến nghị giải quyết thỏa đáng.
2. Nội dung tuyên truyền cần được lựa chọn kỹ trong các quy định của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Giao thông đường bộ, Luật Hôn nhân và gia đình,… liên quan trực tiếp đến người lao động. Thường xuyên cập nhật, phổ biến các nội dung quy phạm pháp luật mới ban hành. Nội dung cần ngắn gọn đến tối đa, cách diễn đạt phải thật đơn giản và liều lượng kiến thức nhất thiết phải phù hợp với đối tượng tuyên truyền, theo đó, cần lựa chọn theo nguyên tắc ưu tiên, cái gì cần thiết nhất cho nhóm đối tượng nào thì phổ biến trước, cái gì chưa cần ngay thì để sau.
3. Đối với công đoàn và tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở, cần coi công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, cần được thực hiện thường xuyên như một giải pháp chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động; lựa chọn và sử dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền cho phù hợp với điều kiện đặc thù của loại hình doanh nghiệp của mình. Bên cạnh đó, cần chủ động thương lượng, đàm phán với người sử dụng lao động đưa nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vào nội dung thỏa ước lao động tập thể; bố trí thời gian, bảo đảm các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất và thời gian để hoạt động này diễn ra hiệu quả.
Mặt khác, các cấp công đoàn cần chú trọng tăng cường đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền ở doanh nghiệp am hiểu sâu về pháp luật chuyên ngành, có ngoại ngữ, có kỹ năng và nghiệp vụ tuyên truyền tốt. Tăng cường hoạt động của các tổ tư vấn pháp luật, tư vấn xây dựng thỏa ước lao động tập thể... đồng thời tiếp xúc với người lao động ngay tại nơi làm việc, tiếp thu và xem xét những vướng mắc của họ về chế độ chính sách, kịp thời giải đáp, giải quyết những mâu thuẫn phát sinh, có biện pháp giải quyết ngay tại cơ sở.
4. Để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động đòi hỏi phải có sự quan tâm phối hợp chặt chẽ từ phía các cơ quan chức năng, người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người lao động; cần huy động được tối đa các nguồn lực, trong đó có nguồn xã hội hóa và đóng góp của doanh nghiệp cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong doanh nghiệp. Người sử dụng lao động phải xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người lao động; tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật không tách rời với việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp, bảo đảm việc làm, thu nhập và cải thiện đời sống cho người lao động. Doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ, tạo điều kiện về thời gian, địa điểm và đóng góp kinh phí để tổ chức các hoạt động tuyên truyền. Các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp hướng dẫn và yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đúng pháp luật lao động; thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về lao động nhằm uốn nắn hoặc xử lý kịp thời các vi phạm của doanh nghiệp.
Vai trò của luật sư trong hoạt động tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp đang ngày càng trở nên quan trọng, không thể thiếu. Tuy nhiên, các hoạt động của luật sư trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động - người có vị thế yếu trong quan hệ lao động cho thấy vẫn còn hạn chế. Điều này gợi mở cho chúng ta những suy nghĩ nhân Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2020 này?
[1] Báo Dân trí điện tử, ngày 14/3/2019. [2] Báo cáo của Ban Tuyên giáo - Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tại Hội nghị giao ban báo chí quý IV/2019 ngày 07/01/2020 tại Hà Nội. |
Tiến sĩ, Luật sư ĐỖ GIA THƯ Phó Chủ nhiệm Khoa Luật - Trường Đại học Đại Nam |