Tạo điều kiện tối đa cho phạm nhân là người chưa thành niên được học văn hóa trong cơ sở giam giữ

23/06/2024 08:52 | 5 ngày trước

(LSVN) - Hiện nay, dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên (dự án Luật) đang được lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Mục đích xây dựng dự án Luật là nhằm hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm; xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên; bảo đảm các quyền cơ bản của người chưa thành niên trong xử lý chuyển hướng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; huy động nguồn nhân lực có chuyên môn về công tác xã hội; tăng cường trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức hữu quan hỗ trợ, giám sát, giáo dục người chưa thành niên; thiết lập cơ sở giam giữ phù hợp với mục đích phục hồi, giáo dục và sự phát triển của người chưa thành niên; tăng cường cơ hội tái hòa nhập cộng đồng. 

Ảnh minh họa.

Đây là dự án Luật hết sức nhân văn, đảm bảo quyền con người, tuân thủ các chuẩn mực của quốc tế và đáp ứng yêu cầu của Liên Hợp quốc về xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên…

Tại Điều 158 dự án Luật quy định chế độ học văn hóa, học nghề, lao động như sau:

1. Cơ sở giam giữ có trách nhiệm giáo dục phạm nhân về văn hóa, pháp luật và dạy nghề phù hợp với độ tuổi, học vấn, giới tính, sức khỏe của họ. Thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở. Giáo dục tiểu học là bắt buộc đối với phạm nhân chưa học xong chương trình tiểu học.

Chương trình, nội dung học tập, học nghề của người chưa thành niên là phạm nhân do Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

2. Trường hợp không thể bố trí giáo viên dạy các môn bắt buộc theo quy định của giáo dục tiểu học, trung học cơ sở thì phải phối hợp cùng trường học gần nhất với cơ sở giam giữ để tổ chức, liên kết lớp học trực tuyến cho phạm nhân. Việc mở lớp học trực tuyến phải bảo đảm an toàn, tránh kỳ thị, ảnh hưởng tới học sinh và phạm nhân. Trường học khi có đề nghị phối hợp mở lớp học trực tuyến thì phải bố trí kết nối cho phạm nhân theo học.

3. Người chưa thành niên là phạm nhân được lao động phù hợp với độ tuổi; không phải làm công việc nặng học, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại

Quy định này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần hoàn thiện về trình độ văn hóa và nhân cách của các phạm nhân là người chưa thành niên.

Đối với người chưa thành niên phạm tội cần phải có chính sách đặc thù để giáo dục, cải tạo họ trở thành công dân có ích cho xã hội. Trong rất nhiều chính sách nhân văn đối người người chưa thành niên phạm tội trong dự án Luật thì chế độ học văn hóa là rất cần thiết, góp phần tạo điều kiện tối đa cho phạm nhân được theo đuổi ước mơ, được phát triển tài năng của mình và bình đẳng với mọi công dân khác sau khi được trả tự do.

Sở dĩ, các em trở thành phạm nhân khi chưa thành niên là do nhận thức còn hạn chế, hiểu biết pháp luật chưa cao, bị bạn bè xấu rủ rê, dụ dỗ phạm tội. Nhiều trường hợp các em là nạn nhân của các băng nhóm tội phạm. Do đó, tạo điều kiện cho phạm nhân được học văn hóa là rất cần thiết để việc tái hòa nhập cộng đồng của phạm nhân không gặp trở ngại, khó khăn hoặc mặc cảm với xã hội.

Việc giáo dục tiểu học là bắt buộc đối với phạm nhân chưa học xong chương trình tiểu học góp phần đảm bảo trình độ văn hóa tối thiểu của các phạm nhân. Tuy nhiên, đối với nội dung này, cần phải được quy định theo hướng mở, đó là tạo điều kiện tối đa cho phạm nhân khi họ có nguyện vọng được học văn hóa trong cơ sở giam giữ.

Theo đó, cần quy định việc giáo dục tiểu học và trung học cơ sở là bắt buộc đối với các phạm nhân chưa học xong chương trình tiểu học và trung học cơ sở. Sau đó, phạm nhân có nguyện vọng được học lên trung học phổ thông thì được quyền đăng ký nhưng với điều kiện là gia đình phải đảm bảo chi phí học tập. Cơ sở giam giữ có trách nhiệm phối hợp với cơ sở giáo dục công lập hoặc ngoài công lập tổ chức các lớp trực tiếp hoặc trực tuyến, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của các phạm nhân và cơ sở giam giữ. Gia đình có thể giám sát quá trình học tập của các phạm nhân thông qua cơ sở giam giữ hoặc cơ sở giáo dục; đồng thời, có trách nhiệm nộp học phí, mua sách, vở và trả các chi phí khác cho phạm nhân theo yêu cầu của cơ sở giáo dục. Đồng thời, các phạm nhân được quyền thi tốt nghiệp nếu đủ điều kiện và cấp bằng tốt nghiệp theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà không bị phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào.

Ở lứa tuổi chưa thành niên thì các phạm nhân rất cần được học tập, ước mơ được học tập và học văn hóa là cách để quên đi quá khứ lỗi lầm và hướng đến tương lai. Do đó, gia đình, xã hội cần phải đặc biệt quan tâm, chung tay hỗ trợ nếu các phạm nhân có nguyện vọng được tiếp tục được học tập trong cơ sở giam giữ. Sau khi phạm nhân được trả tự do, nếu có bằng tốt nghiệp thì các em vẫn có thể tiếp tục được học tập và thi vào các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp để phát triển sự nghiệp của mình và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Luật gia ĐỖ VĂN NHÂN 

Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Dự kiến tăng lương hưu từ ngày 01/7/2024